Học thêm quá sớm, quá nhồi nhét, sẽ phản tác dụng

Sự kiện: Giáo dục

Chương trình giáo dục mỗi năm lại có thêm những cập nhật về kiến thức, về phương pháp, đòi hỏi cả giáo viên và học sinh có sự trau dồi, tích lũy từng ngày, sinh ra nhu cầu học sinh đi học phụ đạo để nắm chắc kiến thức.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp, phụ huynh cho con đi học thêm quá sớm, hoặc quá nhồi nhét kiến thức trong cùng một thời điểm có thể sẽ phản tác dụng.

“Bội thực” học thêm

Nhiều học sinh được bố mẹ đưa đi học thêm từ độ tuổi mẫu giáo, với những bài luyện chữ, đánh vần trước khi vào lớp 1. Nhiều học sinh học thêm dồn dập 5-6 môn học trong cùng một thời điểm, có lúc học 10 ca/tuần.

Đã là một học sinh lớp 10, em Lê Nguyễn Yến Anh vẫn chưa hết cảm giác mệt mỏi sau kỳ học thêm đầy căng thẳng năm lớp 9: “Em bắt đầu đi học thêm từ hồi 5 tuổi, hồi đó, em đi luyện chữ 2 buổi/tuần. Khi lên lớp 2 là bắt đầu tăng dần thời lượng học thêm lên.

Thời điểm năm học lớp 9, em học thêm tới 8 buổi/tuần, trong đó, có 2 buổi học Toán, 1 buổi học Tiếng Anh và 5 buổi học Văn, để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. Mỗi ca Văn kéo dài 3 tiếng, mỗi ca Toán thì phải 3 tiếng rưỡi.

Đến tận bây giờ, em vẫn còn cảm giác mệt, vì vừa đi học chính khóa ở trường, cộng thêm bài tập trên lớp, lại đi học thêm có bài tập học thêm, em toàn phải cố gắng thức rất khuya làm bài. Nhiều lúc đi học về nhà, em lên thẳng giường đi ngủ luôn vì quá mệt, có lúc, em còn mệt tới nỗi chẳng muốn đạp xe về”.

Học thêm quá sớm, quá nhồi nhét, sẽ phản tác dụng - 1

Nhiều học sinh đi học thêm quá nhiều môn, nhiều buổi trong cùng một thời điểm. (Ảnh minh họa).

Cũng từng trong tình trạng “bội thực” học thêm, em Trần Văn Thành, một học sinh lớp 11 tại Lào Cai kể lại: “Em đi học thêm muộn hơn so với các bạn, lớp 9 em mới bắt đầu ôn để chuẩn bị cho kỳ thi vào cấp 3. Tuy nhiên, mỗi tuần em phải học thêm 10 ca, trong đó, có ngày học thêm liên tiếp 2 ca, khiến em thực sự mệt mỏi. Có lúc, em chỉ muốn được nghỉ một ngày để không bị căng thẳng mà không được”.

Em Trần Đại Dương, một học sinh lớp 10 tại Hà Nội chia sẻ: “Em bắt đầu đi học thêm từ lớp 2, với 2 buổi/tuần, nhưng càng học lên cao, số buổi học thêm của em cũng tăng dần lên. Nhiều lúc, em cảm thấy cũng không ổn lắm với lịch học thêm kín mít, không có thời gian cho mình thư giãn”.

Em Trần Thị Thu Hà, một học sinh lớp 12 tại Hà Nội cho biết: “Em đi học thêm từ năm lớp 8, hiện tại, đang là thời điểm em phải đi học thêm nhiều nhất, vì sắp bước vào kỳ thi THPT Quốc gia quan trọng, có nhiều lúc, em cảm thấy thật mệt mỏi với việc học thêm quá kín lịch, không có thời gian cho bản thân “xả hơi” nữa. Theo em, học sinh nên đi học từ lớp 9, giai đoạn ôn thi vào cấp 3 là phù hợp nhất”.

Đang là sinh viên năm nhất, nhưng bạn Nguyễn Khắc Hiếu (Phú Thọ) vẫn nhớ những ngày tháng chạy show học thêm của mình: “Mình còn nhớ nhất hồi hè lớp 8 chuẩn bị lên lớp 9, khi đó, mình như chạy “show” học thêm từ 14h đến 21h mỗi ngày. Cả tuần như vậy, bây giờ nghĩ lại còn cảm thấy căng thẳng, giờ chắc sức mình không chịu được như vậy nữa”.

Em Linh Trang, một học sinh lớp 12 tại Hà Nội, đã từng học thêm 6 buổi/tuần năm lớp 11 cho rằng: “Học thêm cũng tuỳ theo định nghĩa từng phụ huynh. Có người cho rằng đi học tiếng Anh hồi còn bé hoặc học đàn, hát, võ là học thêm.

Với ý kiến của em thì nên cho các bạn trẻ nhỏ tiếp xúc với môi trường tiếng Anh sớm và thêm các hoạt động ngoại khoá bổ trợ. Với các môn tự nhiên thì có thể chọn lọc lớp học thực nghiệm để phát triển tư duy môi trường.

Còn thời gian phù hợp nhất để học thêm ôn thi đúng nghĩa với em là lớp 8”.

“Chạy theo” để vào trường tốt

Chị Cam Kim Oanh, phụ huynh một học sinh lớp 10 tại Hà Nội cho biết: “Mình cho con bắt đầu học thêm từ lớp 1, ban đầu chỉ học 2 buổi Toán và Tiếng Việt, sau bổ sung thêm Tiếng Anh, năng khiếu như chơi thể thao và đàn. Thời điểm học thêm nhiều nhất, nếu tính ở cấp 1 thì học nhiều từ lớp 4, còn lên cấp 2 thì bắt đầu vào lớp 8, nhiều nhất 5 buổi học thêm/tuần.

Nếu là quan điểm thì tôi cũng không muốn cho con đi học thêm ngoài những môn năng khiếu và tiếng Anh. Tuy nhiên, trong thực tế, không thể không đi học thêm, vì đầu vào các trường tốt rất khó, nên phụ huynh và học sinh phải chạy theo”.

Một phụ huynh khác, anh Bùi Ngọc Phúc chia sẻ: “Tôi cho con đi học thêm từ năm lớp 8. Theo quan điểm cá nhân của tôi, nếu các con có học lực kém thì việc lựa chọn học phụ đạo là đương nhiên, thậm chí lớp 3 đã phải kèm để tránh hổng kiến thức. Hoặc trường hợp các bạn có học lực giỏi, học nâng cao để thi vào trường chất lượng cũng sẽ bắt đầu sớm.

Tuy nhiên, không phải là cho con đi học thêm quá sớm, sự kỳ vọng có phần thái quá của phụ huynh sẽ làm mất tuổi thơ của con em mình”.

Trước vấn đề này, thầy Đàm Bạch Long, giáo viên trường THCS Thụy Phương cho rằng: “Một khi xã hội còn chấp nhận, thì việc dạy thêm, học thêm vẫn còn diễn ra. Tuy nhiên, việc đi học thêm cũng phải dựa vào sức khỏe của học sinh, nếu sức khỏe không đáp ứng được mà cứ “đua theo” thì sẽ không đảm bảo tiếp thu được, thậm chí sẽ dẫn đến phản tác dụng.

Độ tuổi để học sinh bắt đầu đi học thêm là tùy thuộc trình độ mỗi cá nhân, nhưng giai đoạn phù hợp để bắt đầu học thêm, chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng là từ lớp 8, lớp 9.

Bên cạnh đó, việc đi học thêm tràn lan và tốn kém về kinh tế thì phải điều chỉnh. Học thêm có hai kiểu: Thứ nhất để bù đắp kiến thức đã bị hổng mất, thứ hai là học nâng cao. Còn những trường hợp đi học thêm “a dua” thì chỉ gây lãng phí, tốn kém cho gia đình. Trung bình mỗi ca học thêm khoảng 100.000 đồng, mà mỗi tuần gần chục buổi học thêm, rồi học sinh đi học quá nhiều về thiếu sức sống, thì chẳng khác gì đày đọa”.

Học thêm quá sớm, quá nhồi nhét, sẽ phản tác dụng - 2

Sự nhồi nhét quá tải có thể mang đến áp lực vô cùng lớn, dẫn đến phản tác dụng. (Ảnh minh họa).

“Một số trường hợp cho con đi học thêm từ lứa tuổi mẫu giáo, học tiền tiểu học, bố mẹ cứ kỳ vọng con mình hơn con người khác, nên nhồi nhét cho con đi học trước. Mặc dù dạy chữ là nhiệm vụ của giáo viên tiểu học chứ không phải giáo viên mầm non, nhưng nhiều bé mẫu giáo đã được đưa đi học chữ cái, ghép vần, rồi những phép tính với các chữ số… Đó là những trường hợp không nên”, thầy Long phân tích.

Đừng chỉ chú trọng học văn hóa, trẻ cũng cần được rèn luyện để có nhân cách tốt

Nhiều bậc cha mẹ tập trung chú ý vào con cái học giỏi toán, văn, âm nhạc… được mọi người chú ý, trở thành thần đồng....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cẩm Mịch ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN