Học sinh bối rối với quy chế thi mới

Ngay sau khi Bộ GDĐT công bố dự thảo quy chế kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia (NTNN số 303), nhiều học sinh và giáo viên tỏ ra khá bối rối với những điểm mới trong cách chấm thi, thang điểm và đề thi…

Rối bời thang điểm 20

Dùng thang điểm 20 thay cho thang điểm 10 được cho là điểm “lạ” nhất trong quy chế năm nay. Bộ GDĐT cho biết, việc nới rộng thang điểm nhằm mục đích phân hóa kết quả thi, hỗ trợ công tác xét tuyển của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), giúp các trường có được nguồn tuyển phù hợp nhất với các chuyên ngành đào tạo.

Học sinh bối rối với quy chế thi mới - 1
Giáo viên và học sinh khá “lạ lẫm” với các điểm mới trong dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia (ảnh minh họa). Đàm Duy

Tuy nhiên, nhiều học sinh và giáo viên lại có cách nhìn khác. Em Nguyễn Thị Phương – học sinh trường THPT Ninh Giang (Hải Dương) cho biết, em khá hoang mang khi biết việc chấm điểm thi năm nay sẽ dùng thang điểm 20 vì trường em dự kiến xét tuyển vào ĐH dùng kết quả của kỳ thi quốc gia: “Nếu dùng thang điểm 20, điểm sàn sẽ thay đổi thế nào? Điểm xét tuyển, trúng tuyển cũng sẽ khác… bọn em thấy rất khó hiểu” – Phương nói.

Cô Nguyễn Hương Trà – giáo viên Trường THPT Bán công Tiền Hải (Thái Bình) cho rằng: “Từ trước đến nay, cả giáo viên và học sinh đều đã quen với cách đánh giá bằng thang điểm 10. Năm trước 50% điểm xét tuyển được tính bằng học bạ cũng dùng thang điểm 10 để quy chiếu. Việc chấm bằng thang điểm 20 chưa biết sẽ phân hóa học sinh đến đâu nhưng trước mắt sẽ làm giáo viên và học sinh rối. Trong các đợt thi giữa kỳ, thi hết năm và thi thử ĐH năm nay các trường cũng phải thay đổi cách chấm điểm theo thang điểm mới? Việc này có hướng dẫn cụ thể như thế nào?”. Cũng theo cô Trà, rất nhiều trường ĐH, CĐ và trong các cuộc thi Olympic đề phân hóa người ta đã dùng thang điểm chi tiết 100, chưa bao giờ thấy dùng thang điểm 20 cả.

Cũng khá lạ lẫm với thang điểm 20, thầy Nguyễn Văn Tình – giáo viên dạy lớp 12 tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cho rằng: “Trước đây dùng thang điểm 10 vẫn chấm lẻ đến 0,25, việc phân hóa thí sinh cũng khá rõ ràng, vậy cần gì phải chuyển sang thang điểm 20 cho phức tạp?”. Cũng theo thầy Tình, công thức xét tốt nghiệp cũng phức tạp hơn, trước đây điểm xét bằng tổng điểm 4 môn cộng điểm ưu tiên chia 4 thì giờ chia 8. Còn điểm trung bình lớp 12 thì chấm theo thang điểm 10 hay 20 khi từ trước đến nay điểm phẩy trung bình vẫn ở thang điểm 10? Hơn nữa, năm nay có nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả học bạ THPT để xét tuyển, kết quả học bạ có phải quy đổi sang thang điểm 20 không?

Chờ đợi hướng dẫn ôn tập

Theo quy chế tuyển sinh mới, đề thi sẽ được ra theo hướng đánh giá năng lực, sử dụng các câu hỏi vận dụng, đòi hỏi thí sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và kinh nghiệm sống để trả lời, không yêu cầu nhớ máy móc số liệu, sự kiện. Cũng theo ông Trinh, đề thi sẽ đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao…

Cô Trà cho biết, yêu cầu của đề thi đòi hỏi giáo viên phải thay đổi cách dạy học và ôn tập. Ngay từ học kỳ một, ngoài việc phân loại thí sinh, giáo viên cũng đã lên chương trình để ôn tập cho các em. Tuy nhiên, việc ôn tập vẫn mò mẫm vì không có định hướng của Bộ GDĐT. Dự thảo mới của Bộ khiến nhiều giáo viên thất vọng vì cũng không có định hướng này.

Giải thích vấn đề này, ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết: “Bộ sẽ sớm có công văn hướng dẫn nhưng chủ yếu sẽ là việc tổ chức ôn tập cho học sinh như thế nào đảm bảo học sinh có thể tham gia kỳ thi có hiệu quả mà không gây quá tải cho các em”.

Tuy nhiên theo cô Lan Anh – giáo viên văn Trường THPT Trần Phú (Hà Nội): “Ngoài hướng dẫn về việc tổ chức ôn tập, Bộ GDĐT cần đưa ra các đề mẫu hoặc khung đề thi tương ứng sẽ được dùng trong kỳ thi quốc gia, việc chia điểm cho từng phần bài như thế nào (theo thang điểm 20) để giáo viên và học sinh có thể hình dung là mình cần học những gì và sẽ thi như thế nào?”. Cũng theo cô Lan Anh, Bộ GDĐT, sẽ có 4 mức độ phân hóa nhưng giáo viên cũng chưa hình dung ra kiến thức như thế nào thì ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng…

 Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GDĐT giải thích: Với thang điểm 20, tất cả các mức điểm (điểm liệt, điểm ưu tiên…) đều sẽ nhân 2 rất dễ hiểu. Các trường ĐH, CĐ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia sẽ dùng thang điểm 20, còn các trường xét tuyển bằng học bạ và đề án riêng có thể quy đổi hoặc không tùy theo yêu cầu của các trường. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN