Học kỳ trong quân đội: Vừa dạy vừa... dỗ

Đó là “hoàn cảnh” của các sĩ quan tại Trung tâm Huấn luyện Bộ đội Biên phòng trong thời gian tổ chức các tuần “Học kỳ trong quân đội” hè 2013. Qua một tuần huấn luyện, các cậu ấm, cô chiêu đã mạnh mẽ và rắn rỏi hơn.

Bài học vỡ lòng của chiến sĩ nhí

Trong tuần từ 2/6 tới 9/6, 152 học viên là các em học sinh trong độ tuổi từ 11 – 18 đã trải qua cuộc sống quân ngũ tại Trung tâm Huấn luyện thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Tam Dương, Vĩnh Phúc).

Hoàng Minh Ngọc, cô chiến sĩ nhí đến từ Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội), bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên em tham gia khoá học kỳ quân đội, em thấy rất bỡ ngỡ. Ngay ngày đầu tiên, em được tham gia lễ duyệt đội ngũ, lễ tuyên thệ cho tân binh tham gia chương trình huấn luyện đợt 1 của trung tâm, cảm giác hào hùng rất khó tả”.

Học kỳ trong quân đội: Vừa dạy vừa... dỗ - 1

Các chiến sĩ nhí tham gia hoạt động về nguồn, xuất phát từ Trung tâm Huấn luyện bộ đội biên phòng.

Về tới Tam Dương (Vĩnh Phúc), các chiến sĩ nhí được chia thành các tiểu đội, ăn cơm theo khẩu phần ăn giống của các chiến sĩ. Các em được phát một chiếc bát, một đôi đũa, khi ăn xong phải tự rửa và bảo quản cho những bữa ăn tiếp theo; được các chiến sĩ hướng dẫn tập thể dục, làm nội vụ như gấp chăn màn, sắp xếp quân tư trang…

“Bình thường ở nhà, những sinh hoạt cá nhân toàn bố mẹ làm giúp nên việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại hoàn toàn mới mẻ đối với em. Đây là bài học đầu tiên em được học”- Ngọc nói.

Đại tá Nguyễn Hữu Nghị - Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Bộ đội Biên phòng cho biết, tại những lớp học này, các sĩ quan thực sự vừa dạy vừa… dỗ, bởi khá nhiều trẻ quen được nuông chiều nên hay nhõng nhẽo. Đã có trường hợp khóc, đòi về. Gần đây là trường hợp học viên Cao Văn Lâm (Quảng Yên, Quảng Ninh) khi vừa đặt chân đến trung tâm đã khóc, đòi về bằng được. “Chúng tôi cử anh em túc trực và dỗ dành. Sau khi ổn định tâm lý cho em, tôi gọi điện báo với gia đình, nhưng phụ huynh vẫn một mực đòi lên với cháu. Cuối cùng, chúng tôi đưa ra giải pháp là cho phụ huynh đứng từ xa theo dõi sinh hoạt của con mình, khi thấy con chơi vui vẻ và hòa đồng với bạn bè, lúc đó phụ huynh mới chịu trở về”- đại tá Nguyễn Hữu Nghị cho biết.

Để biết “cho và nhận”

Phan Bá Bằng, học sinh lớp 8D Trường THCS Ngô Gia Tự (Hà Nội) chia sẻ: “Sau khóa đào tạo này, em đã tự làm những việc cá nhân như gấp chăn màn, giặt đồ, dọn dẹp phòng riêng mà trước giờ toàn mẹ làm giúp, nên em thấy rất vui”. Một số bạn khác biết giúp mẹ làm việc nhà, làm các công việc phục vụ cộng đồng… những việc trước kia các em chưa bao giờ nghĩ tới là mình phải có trách nhiệm đóng góp.

Trước thực tế nhiều đơn vị tổ chức học kỳ trong quân đội nhưng mỗi nơi một “phách”, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành Hướng dẫn Thông tư liên tịch số 723. Theo đó, các đơn vị đều phải công bố và đảm bảo chương trình dạy, không xét hạnh kiểm của học sinh mà chỉ yêu cầu phụ huynh cung cấp các vấn đề liên quan tới sức khỏe của trẻ.

Anh Trần Ngọc Kha (Thủy Nguyên, Hải Phòng) thì bày tỏ: “Cháu lớn nhà tôi năm nay 12 tuổi. Thấy bạn bè đều tham gia khóa học nên cháu đòi học cho bằng được. Vì cháu còn nhỏ nên tôi không an tâm cho lắm. Ngày thứ 2 cháu gọi điện về báo là cháu được học tháo lắp súng, bắn súng ngoài thao trường, được diễu binh trong rừng… Thấy con trai trưởng thành và mạnh mẽ hơn, tôi vui mừng khôn xiết”.

Ông Trần Đức Hòa – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển thanh niên Hà Nội – HanoiADC, đơn vị tổ chức cho biết: “Nội dung học ngoài việc cho các em tiếp cận với đời sống, sinh hoạt của người lính, học kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, ứng xử còn có các hoạt động vui chơi bổ ích, được sắp xếp linh động”.

Với Trần Xuân Hòa, học sinh lớp 8B – Trường Marie Curie thì đây là năm thứ 2 em tham gia học kỳ trong quân đội. “Năm nay, chúng em sẽ có những thử thách mới như hành trình khám phá bản thân, được tham gia “Ngày hội biên cương” để hiểu hơn về nhiệm vụ người lính biên phòng và tham gia các trò chơi. Em nhận thấy cuộc sống vui hơn khi mình hiểu biết, biết cho và nhận” - Hòa nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Xuân (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN