Hai phương án điều chỉnh năm học 2019-2020

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Ngoài điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020 theo 2 mốc học sinh trở lại trường vào ngày 16-3 và ngày 1-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể điều chỉnh tiếp theo quỹ thời gian từ nay đến ngày 5-9 nếu nghỉ học kéo dài

Ngày 11-3, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết Bộ GD-ĐT đã tính đến phương án điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020 và lịch thi THPT quốc gia nếu tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, nghỉ học kéo dài.

Học bù trong 6 tuần

Có 2 phương án điều chỉnh năm học đã được Bộ GD-ĐT tính toán, căn cứ theo mốc thời gian học sinh (HS) trở lại trường.

Thứ nhất, nếu các địa phương cho HS trở lại trường ngày 16-3, sẽ giữ nguyên khung kế hoạch năm học 2019-2020 như đã điều chỉnh: Năm học kết thúc trước ngày 30-6; tuyển sinh lớp 10 hoàn thành trước ngày 15-8; thời gian thi THPT quốc gia 2020 từ ngày 23 đến 26-7 (trễ 1 tháng so với năm 2019).

Với phương án điều chỉnh này, Bộ GD-ÐT tính toán các trường có khoảng 6 tuần để dạy học bù, bao gồm 4 tuần kéo dài năm học và 2 tuần nằm trong quỹ thời gian dự phòng có sẵn trong năm học. "Như vậy, trong trường hợp HS các cấp quay lại trường vào ngày 16-3 thì "kịch bản" của việc thực hiện dạy học bù sẽ diễn ra đúng với mốc thời gian năm học đã điều chỉnh, bao gồm các mốc quan trọng như thời điểm kết thúc năm học và thi THPT quốc gia. Các cơ sở giáo dục vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình" - ông Thành khẳng định.

Hai phương án điều chỉnh năm học 2019-2020 - 1

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường dạy học trực tuyến

Thứ hai, trong trường hợp HS phải nghỉ kéo dài thêm hết tháng 3, trở lại trường vào ngày 1-4, các mốc thời gian năm học mới được điều chỉnh vẫn có thể được giữ nguyên nhưng sẽ phải có một số điều chỉnh về nội dung dạy và học.

Theo đó, việc xây dựng kế hoạch giáo dục của mỗi nhà trường sẽ phải tính toán để tiết kiệm thời gian, ưu tiên thời gian dành cho việc dạy học theo đúng chương trình, giảm bớt thời gian cho các sự vụ trong nhà trường. Các trường cần nghiên cứu, vận dụng hiệu quả Hướng dẫn số 4612/BGDĐT-GDTrH về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất HS từ năm học 2017-2018. Cụ thể, cần rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành...

Bên cạnh đó, căn cứ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, các trường lựa chọn chủ đề, rà soát nội dung bài học trong sách giáo khoa hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

Có thể kéo dài năm học đến trước ngày 5-9

Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng trong tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp thì an toàn sức khỏe cho HS, cán bộ, giáo viên vẫn phải ưu tiên hàng đầu. Trường hợp bất khả kháng khiến việc nghỉ học kéo dài hơn 2 mốc thời gian như nói trên, tùy tình hình, Bộ GD-ĐT sẽ tính toán cân nhắc kỹ lưỡng và điều chỉnh thời gian nhằm bảo đảm các trường có đủ quỹ thời gian cần thiết để xây dựng kế hoạch dạy học và bảo đảm chương trình cho năm học tiếp theo.

Về việc này, ông Thành nói thời điểm năm học mới theo truyền thống sẽ bắt đầu ngày 5-9 và từ nay đến thời điểm đó vẫn có đủ quỹ thời gian để điều chỉnh mốc kết thúc năm học cũng như thi THPT quốc gia. "Bộ sẽ tính toán cụ thể, dựa trên căn cứ tình hình thực tế để cân đối kế hoạch, bảo đảm nhà trường dạy hết chương trình năm 2019-2020, chuẩn bị cho năm học tới ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh" - ông Thành nói.

Như vậy, với các phương án đưa ra, nếu các địa phương tiếp tục cho HS nghỉ học, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh để HS có đủ thời gian hoàn thành chương trình, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia, cũng như xét tuyển vào đại học. Theo khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD-ĐT, địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học của địa phương mình cho phù hợp, trong đó có thời gian tuyển sinh đầu cấp.

Khuyến khích dạy học trực tuyến

Bộ GD-ĐT đề nghị khi HS chưa trở lại trường, nhà trường có thể dạy trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện giao nhiệm vụ học tập cho HS từ xa, giáo viên dành thời gian xây dựng các bài giảng ứng dụng công nghệ thông tin để dạy học, tiết kiệm thời gian. Khi HS đã trở lại trường, hiệu trưởng các trường chủ động triển khai cho các tổ bộ môn trong việc sắp xếp thời khóa biểu, thời gian và hình thức học tập để tiết kiệm thời gian, bảo đảm kết thúc năm học như mốc đã quyết định.

Nguồn: [Link nguồn]

Nếu học sinh nghỉ hết tháng 3 để phòng dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT sẽ có phương án nào?

Bộ GD-ĐT cho biết, đã xây dựng một số phương án sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN