Gặp cô giáo xinh đẹp giúp học sinh dân tộc phát âm chuẩn

Sự kiện: Thời sự

Xuất phát từ việc học sinh phát âm sai, cô Đỗ Thị Hồng Mai bắt tay thực hiện sáng kiến kinh nghiệm “Rèn cách phát âm chuẩn chính tả cho học sinh THCS vùng cao qua dạy bộ môn Ngữ Văn”.

Gặp cô giáo xinh đẹp giúp học sinh dân tộc phát âm chuẩn - 1

Cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai

Có mặt tại Lễ tuyên dương giáo viên, học sinh tiêu biểu trong cả nước do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 19/10, đã có hàng trăm tấm gương sáng tận tâm, tận lực, đi đầu trong đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều cải tiến, sáng kiến, nâng cao chất lượng giáo dục

Đáng chú ý là sáng kiến của cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai, Trường Phổ thông Dân tộc Nôi trú Mèo Vạc, Hà Giang. Cô đã giúp học sinh và giáo viên thuận lợi hơn trong việc dạy và học tiếng Việt.

Quê ở Tuyên Quang, ra trường và giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường phổ thông dân tộc Nội trú Mèo Vạc suốt 8 năm nay, cô giáo Mai nhận thấy vấn đề giao tiếp của các em học sinh gặp nhiều khó khăn nhất là cách phát âm chưa chuẩn chính tả. Nhiều em học không phân biệt được dấu ngã và không nói rõ được từ mình cần diễn đạt. Chẳng hạn: Từ “mỡ” nhưng nhiều em phát âm là “mớ”, từ “quyên” nhiều em phát âm là “quên”.

Cô Mai nhớ có lần học sinh muốn mượn cái kim nhưng lại nói là “cô cho em mượn cái “ki”. Cô giáo trẻ không thể hiểu học sinh đó nói gì. Xuất phát từ đó, cô Đỗ Thị Hồng Mai bắt tay thực hiện sáng kiến kinh nghiệm “Rèn cách phát âm chuẩn chính tả cho học sinh THCS vùng cao qua dạy bộ môn Ngữ Văn”.

Cô Mai kể, ban đầu để rèn học sinh phát âm chuẩn cô đã rất khó khăn. Nói chuyện cho các em, hầu như cô không hiểu được. Từ đó, cô giáo trẻ buộc phải nghiên cứu đi thẳng vào từng vấn đề hạn chế trong phát âm của học sinh và đưa ra những giải pháp sát thực. 

Chẳng hạn: Đối với lỗi phát âm thừa hoặc thiếu các phụ âm, giáo viên phát hiện luôn lỗi và ghi trên bảng, sau đó ghi lại từ đúng để cho học sinh so sánh nghĩa các từ, các em sẽ nhận ra khi phát âm thừa hoặc thiếu các phụ âm thì các từ đó sẽ biến đổi nghĩa.

Đối với lỗi nhầm dấu sắc và dấu ngã, cô Mai đưa ra các mẹo để học sinh có thể dễ dàng chỉnh sửa. Ví dụ: Để phân biệt từ muối/muỗi cô Mai đưa ra mẹo: Thứ dùng để ăn gọi là “muối”, con vật cần phải tiêu diệt tránh gây bệnh tật gọi là “muỗi”….

Ngoài ra, trong quá trình cho các em đọc văn bản trên lớp nếu phát hiện lỗi cô giáo sẽ chỉnh sửa ngay cho các em và giải thích nghĩa cặn kẽ của từ các em đọc sai và từ đọc đúng.

Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thị Hồng Mai cũng yêu cầu các em học sinh tự sửa cho nhau trong giao tiếp hằng ngày và đưa ra những bài học cụ thể để học sinh tự chỉnh sửa như đọc thuộc lòng chính xác một bài thơ hay đoạn văn, viết một đoạn văn, sau đó sẽ kiểm tra và nhận xét trong giờ phụ đạo.

Chia sẻ niềm vui với phóng viên, cô giáo trẻ nói: “Sau 6 năm, tất cả các cô giáo dạy môn Ngữ văn ở trường THPT Dân tộc Nội trú Mèo Vạc đã áp dụng sáng kiến này và hoàn thiện thêm để rèn luyện cho học sinh, giúp các em phát âm chuẩn”.

Cô Nguyễn Thị Hồng Mai nói thêm: “Mặc dù còn thiếu thốn nhưng sau gần 10 năm gắn bó với nơi này, tôi luôn coi Mèo Vạc là quê hương thứ 2 của mình và quyết không về xuôi”.

Đánh giá về những sáng kiến giúp học sinh hoàn thiện hơn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ngọc Thịnh cho biết, giáo viên và các em học sinh được tuyên dương không chỉ là người thầy giỏi, học sinh xuất sắc mà còn là những tấm gương người tốt việc tốt trong xã hội. Từ những tấm gương này, giáo viên thay đổi phương pháp dạy và học, để hướng tới hoàn thiện và chuẩn hóa hơn. 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khuyên giáo viên đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để nâng cao tinh thần tự học và khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh trong học tập và thực hành.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, giáo viên đổi mới, sáng tạo trong dạy và học phải được thể hiện bằng các sản phẩm, minh chứng cụ thể, thiết thực, hiệu quả cao nhất, được đồng nghiệp, bạn bè, xã hội tôn vinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN