“Đường cùng” mới học nghề

TP HCM mỗi năm có khoảng 70.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Một bộ phận trong số này không đủ khả năng nhưng gia đình vẫn cố cho học THPT, không chịu học nghề.

Năm học 2013-2014, TP HCM dự kiến có khoảng 5.000 học sinh (HS) trượt lớp 10 công lập. Trong khi nhu cầu nhân lực rất cần nhưng phụ huynh và HS ít quan tâm vào học các trường chuyên nghiệp, trường nghề, gây ra sự lãng phí lớn về nguồn lao động. Bên cạnh công tác hướng nghiệp không hiệu quả, chương trình hướng nghiệp còn quá ít, HS học nghề chỉ để lấy điểm cộng vào kỳ thi tốt nghiệp khiến việc phân luồng HS học nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) gặp nhiều khó khăn.

Quay lưng với giáo dục chuyên nghiệp

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP HCM, năm học 2007-2008, trong tổng số 55.055 HS thi tốt nghiệp THPT và giáo dục thường xuyên (GDTX) nhưng chỉ có 17.685 HS chịu vào học hệ TCCN. Đến năm 2011-2012, trong tổng số 63.255 HS thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có 14.522 vào học hệ TCCN.

Không những số HS tốt nghiệp THPT không chịu vào học bậc TCCN và các trường nghề, cả số trượt tốt nghiệp cũng muốn thi lại để vào bằng được các trường ĐH-CĐ.

“Đường cùng” mới học nghề - 1

Học sinh thực hành nghề tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Hùng Vương

Theo kết quả thi tuyển lớp 10 ở TPHCM, dự kiến năm nay có khoảng 5.000 HS sẽ không vào được lớp 10 công lập. Tuy nhiên, hiệu trưởng một trường phổ thông tại quận Gò Vấp cho hay cũng sẽ có rất ít HS chịu học nghề. Bởi lẽ, ngoài hệ thống các trường tư thục và GDTX vớt số HS này thì tâm lý lâu nay của các gia đình vẫn là “đường cùng” mới phải học nghề.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng hiện nay, tâm lý chung của xã hội vẫn còn xem trọng bằng cấp - nhất là CĐ, ĐH - mà chưa thấy được tầm quan trọng của giáo dục chuyên nghiệp. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng chính các cơ sở đào tạo lại chưa thực sự hấp dẫn người học vì thiếu trang thiết bị; chương trình và phương pháp giảng dạy còn nghèo nàn, lạc hậu; HS tốt nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nên khó xin việc làm. Từ đó, người học quay lưng với giáo dục chuyên nghiệp.

Giải pháp phân luồng

ThS Phạm Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, nhìn nhận: Bộ GD-ĐT cần đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy tại các trường THPT theo hướng phân ban hướng nghiệp cho HS từ sau THCS, thiết kế lại chương trình có tính liên thông cao để tạo nhiều hướng đi cho người học. Mặt khác, cũng cần đặt hàng với các trường ĐH sư phạm trong cả nước để thiết kế chương trình đào tạo giáo viên chuyên trách bộ môn giáo dục hướng nghiệp.

Tại Tân Phú, một quận có đông dân nhập cư ở TP HCM với 21 trường THCS, THPT và GDTX nhưng trước khi có những giải pháp phân luồng cụ thể thì số HS học nghề vẫn quá ít. Trong khi đó, đặc thù của quận là có nhiều khu công nghiệp.

Ông Tạ Tân, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, cho biết Trung tâm Khoa học kỹ thuật - Hướng nghiệp đã phối hợp với các trường THCS, trung tâm GDTX để phân luồng HS. Cụ thể, đưa giáo viên của trung tâm hỗ trợ các trường thực hiện hướng nghiệp cho HS; tư vấn hướng nghiệp, hướng học và phân luồng. Ngoài ra, phòng còn liên hệ với các trường TCCN, trường nghề để liên kết đào tạo, tạo chỗ học cho HS với tiêu chí cự ly gần, ngành nghề đào tạo phù hợp với xu thế phát triển, có tính liên thông trong đào tạo. Theo kết quả của Phòng GD-ĐT Tân Phú, từ năm 2005 đến nay, đã có 1.979 HS vào các trường CĐ nghề và trung cấp nghề tại các trường liên kết.

Theo lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT, HS học nghề hiện nay có nhiều thuận lợi do các trường nghề và TCCN đều xây dựng chương trình đào tạo văn hóa. Hơn nữa, trong quá trình đào tạo, ngoài việc giúp HS đáp ứng các yêu cầu về trình độ văn hóa, trường nghề và TCCN còn giúp HS có thể đi du học bởi đa số các chương trình đào tạo này đều chú trọng kỹ năng về tin học và ngoại ngữ.

Những quận không tổ chức thi tuyển vào lớp 10 như quận 6 lại có cách phân luồng bằng việc phối hợp với các phường nắm chắc số HS không vào lớp 10 để tư vấn, hỗ trợ kinh phí học các trường chuyên nghiệp.

Ông Lưu Đức Tiến, Phó trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết: “Thời gian qua, hệ giáo dục chuyên nghiệp của thành phố đã được hiện đại hóa, đáp ứng nhiều yêu cầu của người học. Cụ thể, đã có 4 trường chuyên nghiệp của TP tổ chức giảng dạy theo mô hình đào tạo tiên tiến của Singapore với 2 ngành là truyền thông đa phương tiện và cơ điện tử. Ngoài ra, các trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng cũng ký kết hợp tác với các trường ở nước ngoài, bao gồm việc chuyển giao công nghệ, giáo trình và đội ngũ giáo viên”.

Xã hội còn coi trọng bằng cấp - nhất là bằng ĐH, CĐ - nên chưa thấy tầm quan trọng của việc học nghề.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đặng Trinh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN