Đừng gọi dạy thêm là “vấn nạn”!

Những giờ dạy thêm là công sức lao động, mồ hôi, chất xám của giáo viên, sao lại bị gọi là “vấn nạn”?

Trong những ngày qua, cả xã hội đang sôi sục vì một vấn đề đã cũ: dạy thêm, học thêm. Nhiều ý kiến tranh luận về nguyên nhân, giải pháp... Trong câu chuyện dài chưa hồi kết và còn nhiều ý kiến trái chiều này, tôi xin được góp một lời bàn từ những trăn trở của chính tôi và nhiều đồng nghiệp.

Lương không chết đói nhưng... đói gần chết

Tôi còn nhớ cách đây không lâu (28-5), trong buổi làm việc với Công viên Phần mềm Quang Trung, khi nghe giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung nói lương kỹ sư 8 -10 triệu mỗi tháng, Bí thư Thành ủy TP HCM thốt lên: “Lương kỹ sư vậy làm sao được, chỉ bằng công nhân may. Người ta chỉ có thể ở nhà mình, ăn cơm nhà nấu, đi xe máy đi làm, chứ ở nhà trọ thì không đủ sống”. Ấy vậy thì một giáo viên mới ra trường với mức lương gần 3 triệu đồng liệu có đủ sống?

Cá nhân tôi đi dạy gần 7 năm, được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua, nhà giáo trẻ tiêu biểu, được Chủ tịch UBND TP tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc liên tiếp trong nhiều năm học… và chúng tôi được hứa hẹn tăng lương trước thời hạn. Vậy mà mức lương hiện tại của tôi chỉ là 3,6 triệu đồng. Với mức lương ấy, quả thực chúng tôi phải dè sẻn chắt chiu để chắc chắn sẽ không chết đói nhưng... đói gần chết là điều không tránh khỏi nếu không tự bươn bả làm thêm.

Đừng gọi dạy thêm là “vấn nạn”! - 1

Học sinh đến một trung tâm học thêm sau giờ học chính khóa Ảnh: TẤN THẠNH

Với mức lương giáo viên thua lương bảo vệ, chúng tôi làm chỉ nuôi bản thân, chưa kể đến việc phụ giúp gia đình trang trải những khoản chi tiêu khác. Và rõ ràng tôi vẫn đang phải ở nhờ nhà bố mẹ; ít có điều kiện đi tham quan du lịch, nghỉ mát hằng năm để tái sản xuất sức lao động cũng như bổ sung kiến thức thực tế.

Chủ trương “giáo dục là quốc sách hàng đầu” có từ hơn 20 năm nay nhưng chưa bao giờ thể hiện tính chất “hàng đầu” đó trong chính sách lương dành cho giáo viên. Thu nhập thấp từ việc đi dạy không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống gia đình mình, nhiều đồng nghiệp của tôi ngoài giờ dạy chính khóa, phải dạy thêm để tăng thu nhập, một bộ phận còn lại có làm thêm nhưng công việc không gắn với chuyên môn. Thậm chí, có người phải kiếm sống bằng việc bán rau, bán hàng online hay bán hàng đa cấp. Cá biệt, có những trường hợp nghỉ luôn việc đi dạy vì bán hàng đa cấp “nhàn” hơn và dĩ nhiên lương cũng cao hơn. Đấy là ở thành phố, còn giáo viên nông thôn chắc chắn sẽ còn phải cày cấy nhọc nhằn như bao nhiêu nông dân khác.

TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, đã có lần chia sẻ rằng: “Muốn làm thầy giáo phải học 4 năm đại học, vậy mà ra trường lãnh lương thua một anh bảo vệ. Bảo vệ bây giờ lương 4 triệu đồng người ta không chịu làm đâu. Nếu chúng ta thay đổi được lương giáo viên là thay đổi rất nhiều thứ”. Thế nhưng, cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn đang chờ đợi sự thay đổi ấy.

Bị rình bắt như tội phạm

Nói về nghề mà chúng tôi đang theo đuổi, Bác Hồ đã khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang.” Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”.

Vậy nhưng nhiều đồng nghiệp của tôi bị chính quyền rình bắt kiểu như tội phạm trốn lệnh truy nã chỉ vì… dạy thêm. Vừa qua, không ít các báo gọi công việc chúng tôi đang làm là vấn nạn, chẳng khác gì nạn tham nhũng. Nhiều người phỉ báng tâm đức của chúng tôi chỉ vì chúng tôi đang làm một việc bằng chính mồ hôi, chất xám của mình. Tại sao lại gọi những giờ dạy của giáo viên đối với học trò là “vấn nạn”?

Chúng tôi, những thầy cô giáo, tại sao lại không được lao động lương thiện, kiếm đồng tiền bằng chính nghề của mình? Công nhân sau 8 giờ có thể tăng ca. Bác sĩ sau giờ hành chính có thể làm thêm ở phòng mạch tư. Một nhân viên văn phòng có thể làm thêm sau giờ hành chính. Vậy tại sao lại cấm giáo viên “tăng ca”? Suy cho cùng chỉ vì chúng tôi được miễn học phí 4 năm theo học tại Trường ĐH Sư phạm mà chúng tôi không thể có quyền như một công dân bình thường ư?

Biết bao giờ chúng tôi mới yên tâm làm công việc được cho là cao quý: “Có một nghề bụi phấn dính đầy tay/Người ta bảo là nghề trong sạch nhất/Có một nghề không trồng cây trên đất/ Lại nở cho đời những đóa hoa thơm…”

​ĐỖ ĐỨC ANH (Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN