Bỏ dạy thêm hay bắt đầu dạy chui?

Có nhiều ý kiến trái chiều về việc năm học tới, TP HCM sẽ quyết liệt xóa dạy thêm học thêm. Từ số báo này, Báo Người Lao Động mở diễn đàn để thầy cô cùng trao đổi và đề xuất cách đổi mới phương pháp giảng dạy khi không còn dạy thêm, học thêm.

Những ngày này, giáo viên đang xôn xao vì chỉ đạo của lãnh đạo TP HCM về việc bỏ dạy thêm, học thêm. Là một giáo viên (GV), tôi thấy hơi bất ngờ trước quyết định này. Đây là quyết định có lẽ xuất phát từ sự cương trực, thẳng thắn, muốn dẹp bỏ ngay những tiêu cực trong giáo dục. Tuy nhiên, cần có sự tìm hiểu về thực tế chương trình giáo dục, hoàn cảnh và thực trạng giáo dục hiện nay.

Cấm dạy thêm, tiêu cực có giảm?

Tôi thừa nhận có những tiêu cực trong ngành giáo dục, một ngành mà có lẽ không nên có bất kỳ sai lầm hoặc thử nghiệm nào. Tất cả các quyết định trong ngành giáo dục cần chính xác tuyệt đối bởi một sai lầm nhỏ thì cả một thế hệ sẽ bị ảnh hưởng. Những tiêu cực trong giáo dục là hiện tượng đáng buồn và chính chúng tôi đôi khi cũng thấy xấu hổ vì một số đồng nghiệp đã phụ sự kỳ vọng của phụ huynh và xã hội. Tuy nhiên, cấm dạy thêm có làm cho những điều tiêu cực giảm đi? Hay là từ nay, chúng tôi lại bước vào thời kỳ dạy chui - học chui như cách đây hơn 15 năm? Và như thế, liệu điều đó là tiêu cực hay tích cực?

Bỏ dạy thêm hay bắt đầu dạy chui? - 1

Học sinh đến một trung tâm học thêm sau giờ chính khóa Ảnh: TẤN THẠNH

Cách đây 2 năm, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã ra một quy định mà theo tôi là hợp lý. Đó là cấm dạy tăng tiết trong trường học. Điều này cũng xuất phát từ những tiêu cực trong ngành giáo dục, từ việc phân chia thu nhập cho đến việc học tăng tiết trở thành bắt buộc khiến phụ huynh mệt mỏi. Một số trường đã chuyển mô hình học thêm trong nhà trường, tăng tính tự nguyện cho học sinh, giúp học sinh có thể quyết định học hay không học thêm với GV trên lớp của mình. Nói đây là quyết định hợp lý bởi có sự lắng nghe tâm tư, ý kiến của học sinh, phụ huynh.

Chúng ta đương nhiên không thể ép học sinh tiếp tục học GV mà giờ chính khóa chúng đã không hiểu. Chính vì thế, học sinh có thể tìm tới những địa chỉ uy tín hơn để theo học. Tôi nghĩ đây là mô hình hoạt động hiệu quả hơn là cấm dạy thêm - học thêm.

Học thêm là nhu cầu chính đáng

Tôi nghĩ rằng học thêm là nhu cầu chính đáng bởi nó xuất phát từ 3 vấn đề. Thứ nhất, chương trình giáo dục của chúng ta hiện đang khá nặng. GV đa phần chỉ kịp dạy lý thuyết chứ chưa thể giúp các em làm bài tập và dạy những kỹ năng giải đề, phần mà các em sẽ dùng để đi chinh chiến ở các kỳ thi lớn. Học thêm phải xuất phát từ nhu cầu của học sinh.

Thứ hai, khả năng tiếp thu của học sinh có sự khác nhau. Một lớp học hiện nay trung bình khoảng 45 em. Không phải học sinh nào cũng có thể tiếp thu tốt. Có em cần 15 phút để hiểu bài, cũng có em cần 2, 3 giờ để nắm bài. GV - vì lý do chương trình giáo dục - không thể dừng lại và giúp toàn bộ các em. Vì thế, lớp học thêm trở thành sự lựa chọn số 1 của học sinh để hiểu và rèn luyện bài học. Đó là lý do tại sao những nước tiên tiến như Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn có những lớp dạy thêm.

Thứ ba, tương tác giữa GV và học sinh cũng là một vấn đề. Không phải học sinh nào cũng có phương thức tiếp thu giống nhau. Cùng một bài giảng, có em hiểu, có em không hiểu. Do đó, nếu không hợp với một GV nào đó, học sinh có thể tìm đến các lớp học thêm.

Phụ huynh ngày nay rất sáng suốt, họ luôn có sự tìm hiểu và trao đổi với con em về việc học thêm. Học thêm do đó không phải là vấn đề điểm số, bởi lẽ, đích đến của phụ huynh bây giờ không phải là điểm trong học bạ mà chính là kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia. Kết quả đó không thể mua bằng điểm. Chính vì thế, học thêm để “mua điểm” cho con là cách làm không còn phù hợp. Do đó, cản học thêm phải chăng là đang quyết định thay phụ huynh và học sinh?

Đâu rồi lời hứa sống được bằng lương?

Chúng tôi có nghe nói rằng việc học thêm phải do các trung tâm giáo dục quản lý. Hầu hết các trung tâm giáo dục là địa điểm kinh doanh giáo dục, nghĩa là tiền phần lớn rơi vào túi những ông chủ lớn. GV chúng tôi, đặc biệt là GV trẻ, để cải thiện đời sống và vì nhiều người còn ở trọ, không có mặt bằng để dạy ở nhà, đành chấp nhận giá rẻ mà các trung tâm trả cho. Kiếm được đồng tiền chảy mồ hôi, rơi nước mắt. Và nữa, dạy thêm một vài em, một nhóm nhỏ thì có trung tâm nào nhận vì một số em chỉ có thể học được với nhóm ít người. Như vậy, phương án trung tâm giáo dục liệu có thỏa đáng?

Tôi ra trường và công tác cũng đã được 3 năm, học vị thạc sĩ từ thời điểm nhận việc, mức lương đã có phụ cấp chỉ hơn 3 triệu; những tháng hè, chúng tôi bị trừ đi một số phụ cấp khác, chỉ còn lại gần 3 triệu đồng. Vậy mức lương của tôi gọi là thấp hơn đối tượng nào? Chúng tôi còn nhớ những lời hứa như đến năm 2015, GV sẽ sống được bằng lương nhưng đến nay đã là 2016 rồi, GV liệu có thể? Lời hứa sẽ lo cho thu nhập của GV khi nào mới thực hiện? Đây là sự trông chờ đặc biệt của GV không thể kiếm tiền bằng dạy thêm.

Học trò nghĩ gì khi cô giáo dạy chui?

Muốn xóa học thêm, cần hướng tới đổi mới toàn diện nền giáo dục hơn là cấm đoán. Tôi chỉ mong hãy để cho GV chúng tôi được giảng dạy một cách đường đường chính chính vì đó cũng là mồ hôi và sự cố gắng của chúng tôi. Chúng tôi dạy thêm vì thu nhập và cũng vì học sinh nữa nhưng học trò của tôi sẽ nghĩ gì nếu GV của các em dạy chui? Đến lúc đó, liệu học trò tôi có còn tin vào cái đúng, cái thẳng thắn, cương trực, nghĩa khí, hay chính cô giáo của chúng cũng đã trở thành tấm gương tồi?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN