Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới: Ba điều bất khả thi

Sự kiện: Giáo dục

Không đủ thời lượng học nền tảng kiến thức cơ bản, cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ giáo viên chưa thể đáp ứng được. Đó là ba yếu tố mà GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, đưa ra để lý giải cho nhận định của mình: Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Việt Nam sẽ làm cho “chất lượng đào tạo toàn bộ hệ thống giáo dục đi xuống”.

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới: Ba điều bất khả thi - 1

Học sinh trong giờ học bài tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.

Cảm tưởng đầu tiên của ông khi đọc chương trình mới là thế nào?

Khi đọc dự thảo chương trình (CT) tổng thể giáo dục phổ thông, tôi nghĩ mục tiêu đào tạo con người phát triển toàn diện mà CT đặt ra không có gì phải bàn. Tôi có cảm tưởng cứ ứng với một năng lực học sinh cần có thì CT có một môn học tương xứng. Nhưng khi đưa ra những môn học này, chúng ta phải xét chúng có phù hợp với hoàn cảnh thực tế hiện nay của Việt Nam hay không.  Có ba yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thực hiện CT đó là thời lượng học, cơ sở vật chất và trình độ đội ngũ giáo viên.

Bên cạnh đó, cần phải có một cuộc khảo sát tổng thể đánh giá kết quả của CT cũ để xem trình độ học sinh khi ra trường có đáp ứng được yêu cầu của xã hội không. CT cũ cũng đã đưa thêm vào một số môn học mới. Vì vậy cần phải có cuộc khảo sát để xem mức độ ảnh hưởng của nó đối với đầu ra như thế nào để rút kinh nghiệm cho CT mới. Cho đến nay, tôi chưa thấy có một cuộc đánh giá tổng thể nào.

Nhiều giảng viên đại học nói rằng học sinh bây giờ không biết viết và khả năng suy luận kém. Rõ ràng những thay đổi CT trước đây có gì đó không ổn. CT mới phải khắc phục được điều này.

Thưa ông, trong một cuộc hội thảo gần đây, ông có nói chương trình giáo dục tổng thể của Bộ GD&ĐT quá tham vọng. Ông có thể nói rõ hơn quan điểm của mình?

Nói đúng ra là ôm đồm vì CT đưa ra quá nhiều môn học mới và nội dung mới dựa trên những điều kiện lý tưởng. Vấn đề đầu tiên cần bàn là thời lượng học có đáp ứng được yêu cầu đó hay không. So với thời lượng chuẩn của quốc tế, chúng ta mới đạt khoảng 65%. Ví dụ như, thời lượng học của học sinh Việt Nam chỉ bằng khoảng 50% của Hàn Quốc và 80% của Thái Lan. Nguyên nhân do chúng ta không đủ trường, đủ lớp. Học sinh chỉ được học một buổi/ngày.

Một thời lượng học như thế không thể đáp ứng đầy đủ việc giảng dạy các kiến thức cơ bản. Đưa thêm vào CT các môn học đào tạo kỹ năng sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến việc truyền đạt kiến thức cơ bản. Nói cho cùng, kỹ năng gì cũng cần xuất phát từ nền tảng kiến thức. Quan trọng hơn là kiến thức cơ bản không đủ sẽ ảnh hưởng đến giảng dạy ĐH. Vì kiến thức cơ bản không đủ, các trường ĐH sẽ phải giảm nội dung giảng dạy cho phù hợp làm cho chất lượng đào tạo toàn bộ hệ thống giáo dục đi xuống. Đây là “điểm chết người” của CT mới.

Với hoàn cảnh cụ thể như hiện nay, giải pháp tốt nhất, theo tôi là lồng việc rèn luyện kỹ năng vào việc giảng dạy kiến thức cơ bản. Không nên để các môn rèn luyện kỹ năng thành môn riêng nếu không thật sự cần thiết.

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới: Ba điều bất khả thi - 2

GS.TSKH Ngô Việt Trung.

Vậy còn hai yếu tố cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ giáo viên, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến CT?

Nói đến hai yếu tố này, tôi lấy ví dụ cụ thể từ các môn Công nghệ và Nghệ thuật. Đây là hai môn học được dạy xuyên suốt các cấp học từ tiểu học đến hết THPT.

Thông thường các nước chỉ dạy những nguyên lý và kỹ năng cơ bản về nghệ thuật. Nhìn vào dự thảo CT tổng thể của Việt Nam, tôi không hiểu chúng ta dạy thêm cái gì về Nghệ thuật cho đủ 12 năm với cơ sở vật chất và trình độ giáo viên hiện nay. Giáo viên đạt đến trình độ như CT yêu cầu có lẽ họ không làm nghề giáo.

Có thể nói tương tự như vậy về các môn Công nghệ. Nhìn vào các mục đích và yêu cầu của đào tạo kỹ năng công nghệ của CT tôi thấy giống như môn thiết kế kỹ thuật. Hãy xem bản dự thảo CT để thấy nó giống như một chương trình đào tạo trung cấp hơn là cho học sinh. Dạy môn này cũng cần cơ sở vật chất tốt và giáo viên có trình độ cao.

Nếu không dạy thiết kế kỹ thuật thì dạy cái gì đây. Chẳng nhẽ lại dạy cho học sinh sử dụng những thiết bị công nghệ. Nhưng những thứ này thay đổi nhanh đến chóng mặt. Cái xe đạp một thời đúng là công nghệ cao. Nhưng có ai đến trường để học sử dụng cái xe đạp mà họ phải học những nguyên lý để xe đạp hoạt động. 

Theo ý tưởng của những người thiết kế CT mong muốn thì học sinh tốt nghiệp THPT là có thể đi làm được một số nghề cơ bản. Chính vì vậy nên mới có những môn học Công nghệ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Học xong phổ thông muốn đi làm phải có bước học nghề. Phổ thông chỉ đào tạo  kiến thức và một số kỹ năng kỹ thuật cơ bản mà các nước hay xếp vào môn Kỹ thuật thực hành. Chúng ta không thể vì muốn học sinh có thể đi làm ngay sau khi ra trường mà đưa bước học nghề xuống cấp phổ thông giống như thiết kế các môn Công nghệ của CT mới. Thay vào đó, CT nên giảng dạy các nguyên lý tạo ra các sản phẩm kỹ thuật trong các môn học kiến thức truyền thống như Toán, Lý, Hóa.

Theo ông thì CT mới cần phải được thiết kế như thế nào?

Trước tiên, CT mới phải chấp nhận chuyện chúng ta thiếu thời lượng học và thiết kế sao cho phù hợp với điều này. Cần tập trung thời lượng cho việc giảng dạy các kiến thức cơ bản. Đưa vào những môn rèn luyện kỹ năng mà điều kiện cơ sở vật chất và trình độ giáo viên không thể đáp ứng được thì chúng sẽ trở thành những môn học vô bổ, những môn học chay.

Thứ hai, phải tiến hành khảo sát đánh giá hiệu quả của CT cũ một cách tổng thể. Sau đó mới thiết kế CT mới theo những kết quả của cuộc khảo sát.

CT mới nếu được thực hiện sẽ lại tiêu tốn rất nhiều kinh phí cho việc soạn và in sách giáo khoa mới cũng như cho việc đào tạo lại giáo viên. Kinh phí dự kiến cho việc thay CT và sách giáo khoa là 1.819 tỷ đồng. Đây là một công việc chưa thực sự cần thiết trong điều kiện kinh tế hiện nay. Để nâng cao chất lượng giáo dục thì nhà nước nên tập trung kinh phí cho việc xây dựng thêm trường mới để học sinh các cấp có thể đi học hai buổi và cho việc đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Xin cảm ơn ông.

Tổng kinh phí thực hiện dự án đổi mới giáo dục phổ thông là 80 triệu USD, gồm 77 triệu USD vốn ODA vay ưu đãi và 3 triệu USD vốn đối ứng. Dự án chia làm 4 thành phần: Phần 1 là hỗ trợ phát triển CT với tổng kinh phí 16.431.850 USD. Trong đó xây dựng CT (gồm CT tổng thể và các CT môn học) là 6.414.900 USD, thực hiện CT là 10.016.950 USD.

Thành phần 2 gồm hỗ trợ biên soạn và thực hiện SGK theo CT với tổng kinh phí 20.568.150 USD. Trong đó biên soạn một bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện là 16.068.150 USD, kể cả việc biên soạn sách song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc thiểu số có chữ viết) của một số môn học ở tiểu học, biên soạn và thử nghiệm SGK điện tử..., cấp SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn là 4,5 triệu USD.  Hơn 37,5 triệu USD nhằm hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến CT và chính sách giáo dục phổ thông.

Đón xem đề thi thử THPT mới nhất 2017 cùng những mẹo mùa thi hữu ích cho các sĩ tử và thư giãn sau mỗi buổi học bằng những truyện cười mùa thi vô cùng thú vị được cập nhật thường xuyên tại DIEMTHI.24H.COM.VN.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN