“Đóng vai” người thầy để hiểu về nghề giáo

Sự kiện: Giáo dục

Chuông reo, Như bước vào và cả lớp đứng dậy hô to “Chúng em chào cô”. Dù rất buồn cười nhưng cả lớp vẫn cố nhịn bởi hôm nay Như làm cô giáo chứ không là học sinh như những ngày bình thường khác.

Ngày 1/3 vừa qua, Phạm Phối Như, học sinh lớp 12A4, trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM đã trải nghiệm 1 ngày làm giáo viên của mình. Học sinh không ai khác chính là những người bạn cùng lớp còn người đánh giá là các giáo viên bộ môn, sinh viên thực tập, phụ huynh.

Những “giáo viên” đặc biệt

Như chọn bài Quần thể sinh học làm bài sẽ giảng dạy trong ngày “kỷ niệm” đáng nhớ của mình. Vào bài học, cả lớp ngồi rất chăm chú. Như mở máy chiếu rồi yêu cầu các bạn nêu tên các loài sinh vật có trong hình ảnh.

Vài cánh tay giơ lên, “Cô mời Hùng”, Như nói. “Thưa cô, trong hình có cá, mực, san hô…”, Hùng trả lời… Sau vài ví dụ, Như đọc một lèo định nghĩa về Quần xã sinh vật. “Cô giáo” Như có phần rụt rè, hồi hộp nên đọc nhanh và nhỏ khiến nhiều bạn ngơ ngác. Vừa đọc xong Như hỏi: “Các em hiểu chưa” thì cả lớp đồng thanh: “Dạ hiểu…!” kéo dài kèm với biểu hiện cố nhịn cười.

Tiết học vừa vui vẻ, vừa nhẹ nhàng kéo dài cho đến khi chuông reo. Như luống cuống vì “cháy” giáo án. Cả lớp đứng dạy vỗ tay cùng với những nụ cười khiến Như cũng cười theo và chạy xuống nắm tay các bạn: “Mình cảm ơn các bạn đã hỗ trợ mình hoàn thành nhiệm vụ”.

“Đóng vai” người thầy để hiểu về nghề giáo - 1

“Đóng vai” người thầy để hiểu về nghề giáo - 2

Phạm Phối Như tự tin trải nghiệm Một ngày làm giáo viên của mình.

Như cho biết, dù học rất tốt môn sinh học nhưng để đóng vai một giáo viên là đều không hề dễ. Để chuẩn bị cho 45 phút giảng bài, “cô giáo” đặc biệt này cùng các bạn trong nhóm phải mất 1 tuần để chuẩn bị giáo án, tập dượt. 

“Giáo án soạn xong, chúng em nộp bài cho cô giáo nhưng đều bị cô gạch bỏ và yêu cầu làm lại do không đạt yêu cầu. Đến khi giáo án tạm ổn, em bắt đầu tập nói trước gương. Nói lui nói tới cả ngày trời nhưng em vẫn cảm thấy run và hồi hộp dù chỉ mới đứng trước gương chứ chưa lên bục giảng”, Như chia sẻ.

Ở lớp 10C1, “thầy giáo” Địa lý Dương Thế Cảnh mở đầu bài “Một số hình thức chủ yếu của tổ chức lãnh thổ công nghiệp” bằng một trò chơi nhỏ là cho các bạn đoán từ bằng tiếng Anh liên quan đến bài học. Phần mở đầu có rụt rè, hồi hộp nhưng dần dần Thế Cảnh tự tin và nhập tâm vào vai “người thầy”.

Cảnh đặt câu hỏi nhưng nhìn quanh không một cánh tay nào giơ lên. Trước tình thế này, bản lĩnh của “thầy giáo trẻ” bộc lên. “Không ai giơ tay, vậy nếu bạn nào thầy chỉ định mà trả lời sai trừ 1 điểm vào bài kiểm tra 15 phút. Nếu bạn nào xung phong trả lời đúng thầy sẽ cộng ưu tiên 1 điểm vào bài 1 tiết…”, Cảnh vừa dứt lời thì cả lớp ồ lên vì bất ngờ.

Kết thúc bài giảng, người Cảnh vật vả mồ hồi do vẫn còn run và hồi hộp. “Giờ em mới hiểu được để có thể lên lớp giảng dạy cho tụi em những kiến thức hay với một tiết học bị bó buộc về thời gian, các thầy cô đã vất vả như thế nào. Rồi những tình huống như cô giáo hỏi không ai chịu xung phong phát biểu, hay ồn ào trong lớp. Trải nghiệm một ngày làm thầy với em là niềm hạnh phúc nhất trong quá trình học tập của mình, đây sẽ là động lực để em theo đuổi nghề giáo trong tương lai”, Cảnh tâm sự.

Cứ dạy đi, sai cô dạy lại

Cũng là một “giáo viên” đặc biệt nhưng Hoàng Nguyễn Gia Linh, học sinh lớp 12A4 giảng về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu được các bạn trong lớp cũng như thầy cô giáo bộ môn khen ngợi.

“Cô giáo” Linh có phong thái tự tin, giọng nõi rõ ràng, dễ nghe và đặc biệt là chuẩn bị bài giảng kĩ lưỡng đã giúp Gia Linh hoàn thành tốt 45 phút lên lớp của mình. Kết thúc bài giảng, bạn bè vỗ tay, thầy cô khen ngợi nhưng Gia Linh vẫn còn run và bất ngờ với kết quả.

“Lần đầu tiên làm cô giáo với em mọi thứ thật khác ngày thường. Một ước mơ chưa bao giờ em nghĩ đến nhưng cũng nhờ đó mà em hiểu được thêm về nghề giáo bởi để giảng bài, truyền đạt kiến thức cho các bạn ngồi ở dưới hiểu là một điều không hề dễ dàng. Rồi xử lý các tình huống trong lớp học… Có đứng ở trên lớp mới thấy được, thầy cô càng được tôn trọng, kính trọng ra sao” Linh chia sẻ.

“Đóng vai” người thầy để hiểu về nghề giáo - 3

Qua trải nghiệm làm giáo viên nhiều học sinh đã biết trân trọng và yêu quý nghề giáo hơn.

Dự tiết giảng của học sinh Gia Linh, cô Nguyễn Thị Huệ, giáo viên bộ môn Ngữ Văn của trường cho rằng Linh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. “Tôi không yêu cầu các em quá cao trong bài giảng, thậm chí các em cứ dạy đi, sai tôi dạy lại bởi đây chỉ là một hình thức trải nghiệm với các em, giúp các em biết yêu thương và trân trọng hơn nghề giáo mà thôi”, cô Huệ chia sẻ.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, “Một ngày làm giáo viên” là chương trình để các em trải nghiệm, hiểu và trân quý với nghề giáo cũng như dịp để truyền lửa cho những học sinh có đam mê theo đuổi nghề giáo.

“Chúng tôi hi vọng, qua chương trình này các em sẽ hiểu hơn về thầy cô, giúp các em trưởng thành hơn, lớn hơn trong suy nghĩ, từ đó lan tỏa đi thông điệp rằng học sinh đến trường chăm ngoan, lắng nghe giảng, tham gia vào bài học chính là sự thành công của tiết dạy, chính là trôn trọng giáo viên và tôn trọng chính bản thân mình”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN