Đổi chủ quản, hệ cao đẳng bộn bề khó khăn

Sự kiện: Tin ngắn

Các trường CĐ đang lo điều chỉnh chương trình và hy vọng sẽ có nguồn tuyển sinh nhất định sau khi về bộ chủ quản mới.

Một ngày sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chính thức bàn giao 201 trường CĐ và hơn 300 trường trung cấp chuyên nghiệp cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), nhiều trường không giấu được lo lắng. Các trường cho rằng thời gian tới đây, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ có nhiều khó khăn.

Thấp thỏm chờ hướng dẫn

Hiệu trưởng một trường CĐ ở TP HCM cho biết các trường CĐ do Bộ GD-ĐT quản lý lâu nay thuộc hệ thống giáo dục ĐH nên mục tiêu, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên khác biệt rất nhiều so với trường CĐ nghề. Vậy nên, nay đưa các trường này về hệ thống giáo dục nghề nghiệp thì phải điều chỉnh cho phù hợp từ chương trình đào tạo cho đến yếu tố con người.

Vị hiệu trưởng này cho rằng Bộ LĐ-TB-XH cần có các kế hoạch, lộ trình cập nhật phương pháp giảng dạy cho giáo viên theo hướng phổ thông, đại trà. Việc chuẩn hóa giáo viên cần lộ trình 5 năm; hoàn thiện chương trình đào tạo cần 3 năm.

Theo ông Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt (TP HCM), cơ cấu đào tạo của trường thuộc Bộ GD-ĐT và trường CĐ nghề cũng khác nhau. Trường CĐ thuộc Bộ GD-ĐT lâu nay đào tạo 70% nghiêng về lý thuyết, 30% thực hành trong khi trường CĐ nghề là 50-50. Nay trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp và đặc biệt mới đây, Chính phủ ban hànhkhung trình độ quốc gia thì sẽ phải điều chỉnh cơ cấu đào tạo, điều chỉnh lại thời lượng và cơ cấu chương trình.

Đổi chủ quản, hệ cao đẳng bộn bề khó khăn - 1

Thí sinh nộp hồ sinh xét tuyển vào một trường CĐ tại TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Ông Thành cho biết vấn đề ông lo lắng nhất lại là quy định về liên thông đối với học sinh, sinh viên thuộc giáo dục nghề nghiệp tuyển từ năm 2017 trở đi. Chương trình của 2 bộ là rất khác nhau, vậy phải chăng không thể liên thông? Hiện chưa có quy định cụ thể của Chính phủ nhưng nếu quy định liên thông tạo sự trắc trở đối với người học thì chẳng học sinh nào muốn vào trung cấp, CĐ.

Ông Thành cũng đề nghị cần phải thay đổi cơ cấu về khung lương giữa những người có tay nghề cao với người có bằng ĐH.

Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho biết trước mắt, trường vẫn hoạt động bình thường và chờ hướng dẫn từ bộ chủ quản mới; hướng dẫn tới đâu, trường sẽ thực hiện tới đó.

“Vấn đề đối với trường công là việc cấp kinh phí và cơ cấu nhân sự thì cấp trên phải có trách nhiệm giải quyết. Hiện trường đã nhận đủ ngân sách cấp năm 2016, còn ngân sách năm 2017 thì phải chờ hướng dẫn” - bà Lý băn khoăn.

Tuyển sinh đã khó lại càng khó

Vấn đề được các trường quan tâm nhất là tuyển sinh năm 2017 sẽ ra sao, liệu các trường có nguồn để tuyển? Các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp đang rất lo lắng bởi việc tuyển sinh vốn đã khó, nay với rất nhiều thay đổi thì có thể học sinh sẽ ngán ngại.

Thạc sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết trong mùa tuyển sinh năm 2016 cũng như vài năm trước, các trường CĐ tuyển rất khó. Nguyên nhân là chỉ tiêu của các trường ĐH rất lớn, gần bằng với số thí sinh tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, nhiều trường ĐH cũng xét tuyển bằng học bạ đối với thí sinh tốt nghiệp THPT như đối tượng xét tuyển vào CĐ.

Ông Lâm cho rằng phải điều chỉnh cơ cấu đào tạo vì đang có sự mất cân đối. Thị trường lao động chỉ cần 13% trình độ ĐH, trong khi CĐ và trung cấp cần tới 50% nhưng thực tế, cứ 1 người học ĐH thì mới có 0,35 người học CĐ, 0,65 người học trung cấp và 0,4 người học sơ cấp.

Theo ông Trần Mạnh Thành, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH quá nhiều đang làm mất nguồn tuyển của các trường CĐ, dẫn đến mất cân đối về cơ cấu đào tạo. Chính phủ cần có chính sách để giải quyết sự mất cân đối này.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Trường ĐH FPT, nhìn nhận điều bất hợp lý là đầu vào của ĐH và CĐ giống nhau mà lẽ ra phải khác. Chẳng hạn, tuyển sinh vào CĐ không cần phải tốt nghiệp THPT, gộp chương trình trung cấp với CĐ, thời gian đào tạo 3 năm là đủ.

Một số ý kiến cho rằng đối với giáo dục nghề nghiệp, cần có sự hỗ trợ, gắn kết giữa các doanh nghiệp với các trường. Tuy nhiên, hiện mối quan hệ này rất mờ nhạt. Nếu có nhu cầu về lao động, doanh nghiệp chỉ tổ chức tuyển dụng người đạt yêu cầu mà không chịu tổ chức đào tạo hay bỏ chi phí liên kết với nhà trường để đào tạo. Thậm chí, nhiều nơi còn không chịu tiếp nhận sinh viên, học sinh đến thực hành, thực tập. Đây là một khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cần được nhìn nhận và khắc phục.

Cần có bộ tiêu chuẩn nghề

Tại hội nghị “Giáo dục nghề nghiệp tại TP HCM - Thực trạng và giải pháp” do Sở LĐ-TB-XH TP tổ chức mới đây, PGS-TS Dương Đức Lân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng để có được lao động chất lượng cao thì trước tiên, mỗi nghề được đưa vào đào tạo phải có phân tích, đánh giá để đưa ra bộ tiêu chuẩn nghề, thậm chí còn phải chính xác đến từng vị trí công việc.

“Việc này phải do doanh nghiệp thực hiện vì họ là người sử dụng lao động, họ biết nghề đó, vị trí đó yêu cầu những tiêu chuẩn gì, chứ không phải do giáo viên ở các trường chủ quan đưa vào” - ông Lân nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lân (Người lao động)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN