“Độc chiêu” đạt điểm cao môn Sinh học

Thủ khoa Đại học Y Hà Nội - Bùi Đức Ngọt chia sẻ bí quyết cách đạt điểm tuyệt đối môn Sinh. Trong đó, có những bí quyết rất đơn giản mà bạn hoàn toàn có thể học hỏi, thực hành.

Bám sát sách giáo khoa

Theo Thủ khoa Đại học Y Hà Nội - Bùi Đức Ngọt, đề thi môn Sinh học thường bám sát chương trình sách giáo khoa. Nếu thí sinh nắm vững kiến thức căn bản và làm nhuần nhuyễn bài tập, chắc chắn sẽ đạt kết quả cao trong kì thi. “Đề thi được ra dưới dạng trắc nghiệm nên khi ôn tập, thí sinh không nên học tủ, học lệch vì sẽ gây thiếu hụt kiến thức”, Ngọt chia sẻ.

Ngoài ra, thí sinh không nên tạo thêm áp lực cho bản thân bằng cách ôn tập thêm các sách tham khảo. Cách tốt nhất là luyện giải các đề thi năm trước. Cách này sẽ giúp các sĩ tử hệ thống hóa kiến thức tốt hơn. Bên cạnh đó, luyện giải đề còn giúp thí sinh quen với không khí phòng thi, tâm lý làm bài, kỹ năng làm bài, cách phân bố thời gian…

Đề thi môn Sinh có khoảng 50 câu trắc nghiệm, bao gồm lý thuyết và bài tập. Muốn tính toán được, thí sinh phải nắm chắc lý thuyết. Cần chú trọng ôn tập lý thuyết ngay từ đầu bởi kiến thức Sinh học khá dài và nặng. Sắp tới ngày thi mới lặn lội “cày” lý thuyết dễ dẫn đến tình trạng chán nản do "quá tải". “Khi ôn tập lý thuyết, thí sinh cần liệt kê đầy đủ các khái niệm, hiểu rõ bản chất và phân biệt được các khái niệm. Không nên học bài theo kiểu học thuộc lòng mà nên học theo kiểu ghi nhớ, hiểu bài từ suy luận”, Ngọt chia sẻ.

“Độc chiêu” đạt điểm cao môn Sinh học - 1

Thủ khoa Đại học Y Hà Nội - Bùi Đức Ngọt và mẹ trong căn nhà nhỏ tại Thanh Hóa (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ngọt cho rằng, đặc thù đề thi Sinh học thường có tỉ lệ câu hỏi lí thuyết gấp 2 lần câu hỏi bài tập, nên các thí sinh không sợ thiếu thời gian cho việc làm bài. Để đạt điểm cao, tránh những sai sót không đáng có, khi làm bài thi trắc nghiệm, thí sinh cần đọc thật kĩ câu hỏi, gạch chân dưới những từ quan trọng. Với những câu hỏi không phải là câu thuộc lòng, cần đọc kĩ các đáp án.

Thường xuyên giải bài tập

Trong đề thi môn Sinh học, phần giải bài tập cũng chiếm điểm số khá cao. Thí sinh phải luyện nhiều, áp dụng linh hoạt công thức, hiểu rõ bản chất vấn đề, tránh tình trạng học trước quên sau. Để giải được bài tập, thí sinh cần tìm ra điểm chung, điểm riêng giữa các sự vật, hiện tượng, quy luật... trong sinh học. Ngọt đưa ra ví dụ cụ thể về việc tìm điểm chung, điểm riêng giữa các quy luật di truyền: phân li độc lập, liên kết gen, hoán vị gen với di truyền liên kết giới tính và di truyền ngoài nhân. Hoặc cần phân biệt được nội dung học thuyết tiến hóa của Đác Uyn với học thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại...

Ngọt đưa ra 2 dạng bài tập cơ bản thí sinh thường xuyên gặp phải là bài tập cơ sở vật chất di truyền và biến dị, bài tập qui luật di truyền.

Bài tập cơ sở vật chất di truyền thuộc dạng khoa học chính xác như các môn khoa học tự nhiên. Do đó, thí sinh phải nắm vững công thức.

Bài tập qui luật di truyền thuộc dạng khoa học thực nghiệm nên phải sử dụng tốt lí thuyết đã học để giải thích kết quả một thí nghiệm theo đề bài. Để làm tốt phần này, thí sinh cần thực hiện theo 5 bước: Xác định tính trội tính lặn, qui ước gen. xác định qui luật di truyền, xác định kiểu gen bố mẹ, viết sơ đồ lai. “Sau khi làm xong, thí sinh nhớ kiểm tra sơ đồ lai đúng với đề bài tập”, Ngọt không quên nhắc nhở.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Hoàng ([Tên nguồn])
Bí quyết ôn thi hiệu quả Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN