Đề xuất chi 9.200 tỷ miễn học phí cho con nhà giáo: Đại diện Bộ GD&ĐT nói gì?

Sự kiện: Giáo dục
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Giáo viên, quản lý trường học cho rằng, đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo vừa qua của Bộ GD&ĐT là chưa hợp lý, tạo ra sự không công bằng trong xã hội. Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến và rà soát lại các nội dung phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Ba Đình (Hà Nội) nói rằng, cần phải xem lại mục đích của việc miễn học phí cho các đối tượng từ trước đến nay là gì? Ngoài chính sách chung như miễn học phí cho học sinh tiểu học thì miễn học phí cho các đối tượng riêng biệt thường là con người nghèo, gia đình chính sách, học sinh vùng khó khăn…

Đề xuất chi 9.200 tỷ miễn học phí cho con nhà giáo: Đại diện Bộ GD&ĐT nói gì? - 1

Hiện nay, giáo viên có mức lương chưa cao nhưng không phải đối tượng nghèo và cũng không nên là đối tượng cần miễn giảm học phí. Từ trước đến nay, con của nhà giáo không khó khăn đến mức phải nghỉ học. Do đó, chúng tôi xin phép được từ chối nhận đặc quyền đó để nhường cơ hội cho các đối tượng học sinh khó khăn hơn nhằm đảm bảo quyền lợi học tập cho các em.

“Đặc biệt, dạy học là nghề cần đề cao tính công bằng mới giáo dục được học sinh. Nếu áp dụng chính sách này, những ngành nghề khác nhìn vào sẽ đặt câu hỏi, con của họ thì sao? Do đó, chúng tôi không muốn nhận đặc cách đó”, Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Ba Đình (Hà Nội).

Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến cũng bày tỏ quan điểm, thu nhập của nhà giáo hiện nay không thấp so với một số ngành nghề khác. Nhất là giáo viên ở các vùng có điều kiện thuận lợi, dạy chính, dạy thêm thu nhập tốt hơn rất nhiều đối tượng khác. Nhà nước nên dành nguồn lực cho các đối tượng khó khăn hơn.

Bộ GD&ĐT nói gì?

Liên quan đến đề xuất trên, trả lời báo chí, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) lý giải, trong quá trình xây dựng các nội dung cho dự thảo Luật Nhà giáo, Ban soạn thảo tiếp nhận ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo, các chuyên gia, lực lượng.

Trong các ý kiến đóng góp về chính sách ưu đãi cho đội ngũ nhà giáo lần này có nội dung mong muốn miễn học phí cho con đẻ, con nuôi hợp pháp của giáo viên đang công tác.

“Mục đích của chính sách này là nhằm tạo môi trường thuận lợi cho nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Bên cạnh xây dựng các chính sách ưu đãi giúp nhà giáo có đời sống ổn định, yên tâm công tác cũng như thu hút được người giỏi vào ngành”, ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, việc miễn học phí nếu thực hiện cũng chỉ dành cho cấp THPT bởi vì hiện nay học sinh tiểu học, THCS (ở nhiều địa phương) đã được miễn học phí theo quy định.

Tuy nhiên, khi đề xuất của Bộ đã dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý nói rằng, với tinh thần cầu thị, Ban soạn thảo luôn lắng nghe ý kiến của các nhà giáo, dư luận xã hội cũng như các cơ quan chức năng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo đảm bảo tính phù hợp, khả thi, đảm bảo mặt bằng chung đối với các ngành nghề khác, tránh tạo ra sự bất hợp lý trong chế độ chính sách nhà giáo so với những viên chức ngành nghề khác. Dù nhà giáo là viên chức đặc biệt, công việc có tính chất đặc biệt.

“Chúng tôi sẽ rà soát các nội dung của dự thảo và có tính toán thêm phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế xã hội chúng ta để nội dung đưa ra không trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước”, ông Đức nói.

Ngày 8/10, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Dự thảo Luật nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề xuất chính sách miễn học phí đối với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Nếu chính sách có hiệu lực, dự kiến mức chi mỗi năm hơn 9.200 tỷ đồng cho nội dung này.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều nhà giáo dục đề xuất nếu có ưu đãi nên dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế hơn trong xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN