Đề thi khó, trẻ phải học “tiền lớp 1”

Mới đây, một số đề thi vào lớp 1 của Trường dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) được cư dân mạng chuyền tay nhau vì độ “chuối” và khó.

Điều đáng nói là khi trẻ chưa biết chữ, khi lãnh đạo ngành giáo dục khuyến cáo không nên cho trẻ học “tiền lớp 1” thì với đề thi khó thế này, nếu không học luyện liệu trẻ có thi đỗ?

Không luyện khó đỗ

Bộ đề thi vào lớp 1 của Trường dân lập Đoàn Thị Điểm được đăng tải lên mạng áp dụng cho kì tuyển sinh năm học 2011- 2012 nhưng không vì thế mà bớt “nóng”. Nhiều phụ huynh đã phải thốt lên: “Trời ơi, không nhẽ tôi đã học qua đại học là một sự may mắn quá lớn của cuộc đời? Nếu ở thì hiện tại, khéo tôi chả vào nổi lớp 1”.

Với cấu trúc 3 phần, đề thi đưa ra nhiều câu hỏi kiểm tra kiến thức của học sinh trước khi vào lớp 1. Phần 1: Trắc nghiệm IQ (quan sát, nhận biết, tư duy logic và trắc nghiệm). Phần 2: Khả năng kể chuyện. Ở phần này, đề thi cho 3 bức tranh, học sinh xem tranh và kể lại một câu chuyện ngắn. Do học sinh chưa đọc thông viết thạo nên cô giáo sẽ chỉ tay vào từng bức tranh để các em kể lại theo trình tự. Phần 3 của đề thi là kiểm tra khả năng tiếng Anh của học sinh.

Anh Trần Ngọc Sơn - một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 ở Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội - chia sẻ, trước đây các cháu vào lớp 1 nhẹ tênh. Đặc biệt, ở các nước tiên tiến, các trường từ cấp tiểu học đến cấp 3 đều mở cửa đón chào học sinh. Trong khi trẻ con nước ta hiện nay, mới tí tuổi đã phải thi cử “căng” hơn cả thi đại học. Với bộ đề thi vào lớp 1 của trường Đoàn Thị Điểm, anh Sơn cho rằng: “Với đề thi này, trẻ nhanh nhẹn, thông minh nhưng không cho “luyện” trước các dạng bài thì vẫn trượt như thường. Còn nếu trẻ được làm đi làm lại các bài do cô giáo trường ấy luyện thì đỗ là cái chắc”.

Đề thi khó, trẻ phải học “tiền lớp 1” - 1

Một lớp học "tiền lớp 1" tại khu Trung Hòa- Nhân Chính (Hà Nội) - Ảnh: Hạnh Nguyên

Còn theo chị Vũ Thị Minh Xuân (làng Quốc tế Thăng Long, Hà Nội), ở tuổi vào lớp 1, trẻ chưa đọc thông viết thạo, nhà trường đã ra đề thi kiểu này, chả trách các bậc phụ huynh đều phải “vật vã” cho con đi học trước. Chị Minh nói vui, có lẽ nên gọi tên bộ đề này là “Ai thông minh hơn học sinh chuẩn bị vào lớp 1?”.

Một dạng bài trong bộ đề thi của Trường dân lập Đoàn Thị Điểm:

Đề thi khó, trẻ phải học “tiền lớp 1” - 2

Quan sát các hình vẽ đã được sắp xếp theo qui luật. Chọn một ô thích hợp để nối vào vị trí dấu chấm

Đề thi khó, trẻ phải học “tiền lớp 1” - 3

Hãy quan sát 3 hình vẽ 3 lớp học trong 10 giây. Cô giáo của Mai không mặc váy. Lớp của Mai không có chậu hoa. Hãy đánh dấu X vào ô trống cạnh lớp học của Mai

Đừng tạo áp lực cho trẻ

Theo anh Trần Ngọc Sơn, nên cấm triệt để chủ trương bắt trẻ học trước để điểm xuất phát của tất cả các con lúc vào lớp 1 là như nhau. Việc ra đề thi kiểu thế này, nghiễm nhiên phụ huynh phải đưa con vào “lò” luyện để quen với dạng đề và phương thức làm bài.

Còn chị Phan Ngọc Lan (đường Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, con mình học mầm non công lập. Ở lớp, các cô có dạy cho trẻ những bài học như thế này và con chị rất hứng thú. Hiện con chị vẫn cảm thấy việc học là thú vị, chỉ đơn giản là cuộc chơi, không có áp lực gì. Tuy nhiên, chị Lan cho rằng: “Không bàn chuyện đề khó hay dễ ở đây, chỉ riêng việc để trẻ phải đi thi và có khả năng bị loại ngay ngưỡng cửa học hành thế này, thực sự là không thể chấp nhận được. Trẻ em phải có tuổi thơ, tội tình gì phải “quăng” trẻ vào “lò” luyện kiểu một mất một còn sớm thế?”.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, tại trường tiểu học, trẻ vào lớp 1 thường được tập trung đến trường trước khi khai giảng năm học để làm quen về nền nếp học tập, vệ sinh học đường… Việc này giúp trẻ chuyển dần từ “hoạt động chơi” ở mầm non sang “hoạt động học” ở lớp 1. Việc “đi học chữ trước khi vào lớp 1” ở bên ngoài làm mất đi sự chuẩn bị đó. Hơn nữa, việc này có thể làm trẻ chủ quan, ảo tưởng bởi tâm lý “biết rồi” khi học lớp 1 cùng các bạn, sẽ không tốt đối với tâm lí nhận thức của trẻ. Đặc biệt, nếu người dạy không chu đáo thì việc hướng dẫn cầm bút (vẽ, tô màu…), tư thế ngồi… sẽ thiếu chuẩn mực và rất khó sửa khi trẻ chính thức học ở lớp 1. Ngay cả khi có được sự chuẩn mực thì cũng là ép sớm, sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển hệ cơ, xương và thần kinh của trẻ, gây ra những khiếm khuyết về sau. Như vậy, việc phụ huynh cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1 là phản khoa học bởi trước 6 tuổi, trẻ em có các trường mầm non với chương trình nuôi dạy riêng, phù hợp với lứa tuổi, được chơi với các đồ vật có in các chữ cái và chữ số, có các hoạt động để trẻ làm quen với các chữ cái và các chữ số.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạnh Nguyên (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN