Đề nghị Bộ Y tế kiểm tra vụ Đại học Y Dược TP.HCM tăng học phí 4-5 lần

Sự kiện: Giáo dục

Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Y tế kiểm tra, xác minh thông tin báo chí về mức học phí của trường ĐH Y dược TP.HCM.

Vừa qua, thông tin Trường ĐH Y Dược TP.HCM công bố mức học phí năm học 2020 – 2021, trong đó nhiều ngành học có mức tăng gấp 4-5 lần so với năm 2019 đã gây xôn xao dư luận.

Theo đề án tuyển sinh công bố ngày 1/6, Trường ĐH Y dược TPHCM dự kiến mức thu học phí năm học 2020- 2021 dao động từ 30- 70 triệu đồng/ năm. Học phí năm học sau tăng 10% năm học trước… Trong khi đó, học phí Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm trước dao động hơn 31 triệu đồng/ sinh viên.

Đề nghị Bộ Y tế kiểm tra vụ Đại học Y Dược TP.HCM tăng học phí 4-5 lần - 1

Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi Bộ Y tế về kiểm tra, xác minh thông tin báo chí về mức học phí của trường ĐH Y dược TP.HCM.

Theo Bộ GD&ĐT, thông tin phản ánh trên một số báo chí về Đề án tự chủ tuyển sinh năm học 2020 – 2021 của trường ĐH Y dược TPHCM, trong đó có thông tin trường thu học phí năm học 2020 – 2021 có ngành tăng gấp 4-5 lần so với năm học 2019-2020.

Bộ GD&ĐT có ý kiến về vấn đề này như sau: Về phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính năm 2020 của trường ĐH Y dược TPHCM, ngày 27/2/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Quyết định số 695 về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm  tài chính năm 2020 đối với trường ĐH Y dược TPHCM.

Theo quy định của Nghị định 85 của Chính phủ về cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, Nghị định 16 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Y tế là cơ quan chủ quản của trường ĐH Y dược TPHCM có trách nhiệm thẩm định, gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ trước khi phê duyệt phương án tự chủ của Trường ĐH Y dược TPHCM.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, tại khoản 3 điều 13 Nghị định số 99 hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH 2018 cũng đã quy định: Cơ sở giáo dục ĐH công lập thực hiện tự chủ về tài chính và tài sản theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi và các quy định hiện hành về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Y tế theo chức năng quản lý nhà nước có văn bản đề nghị trường ĐH Y dược TPHCM báo cáo, thuyết minh rõ căn cứ xác định mức thu học phí, lộ trình tăng học phí phù hợp và việc đáp ứng các điều kiện tự chủ của trường để được tự xác định mức học phí theo quy định của Luật giáo dục ĐH sửa đổi.

Cụ thể, điều kiện để được tự xác định mức thu học phí thì trường phải đạt được các tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng, cam kết chất lượng đầu ra và có trách nhiệm giải trình với xã hội, các cơ quản quản lý nhà nước về mức thu học phí tương xứng với chất lượng đầu cam kết.

Mức học phí tính toán dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật, công khai định mức chi kết cấu trong giá dịch vụ (học phí) như chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi quản lý, chi khấu hao, chi khác và có lộ trình tăng phù hợp với chất lượng được kiểm định chương trình đào tạo.

Đồng thời, nhà trường thực hiện công khai mức thu học phí, lộ trình tăng học phí từng năm và cả khóa học theo quy định của Bộ GD&ĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục đào và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Y tế có ý kiến đối với việc tính toán mức học phí, lộ trình tăng học phí; các điều kiện đảm bảo tự chủ để được xác định mức thu học phí của nhà trường, cung cấp thông tin, phối hợp với Bộ GD&ĐT để trả lời báo chí và công khai cho người học, xã hội đầy đủ theo quy định.

Trước đó, Bộ Y tế yêu cầu trường Đại học Y Dược TP.HCM gửi bảng định mức kinh tế khi xây dựng giá từng ngành học.

“Mức tăng gấp 4-5 lần sau 1 năm là quá cao, nếu tăng cần có lộ trình phù hợp. Tăng một lúc quá nhiều sẽ khiến rất nhiều học sinh thuộc nhóm đối tượng không đến mức nghèo không có cơ hội học tập”, đại diện Bộ Y tế đánh giá.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Y tế vào cuộc để làm rõ vụ học phí trường Y Dược lên đến 70 triệu/năm

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, nhiều ngành học của trường ĐH Y Dược TP.HCM có mức tăng gấp 4-5 lần so với năm 2019 là...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN