Đề kiểm tra Ngữ văn có ngày càng “làm khó” học sinh?

Sự kiện: Giáo dục

Thời gian gần đây, một số trường trung học ra đề kiểm tra môn Ngữ văn theo hướng “mở” có đề cập đến các sự kiện như cải tiến Tiếng Việt của PGS. Bùi Hiền, nhân vật biểu diễn Chi Pu… Nhiều ý kiến cho rằng, đây là những đề thi có phần lạm dụng, định hướng học sinh sai cách.

Đề kiểm tra Ngữ văn có ngày càng “làm khó” học sinh? - 1

Ảnh minh họa

“Loạn” đề thi Ngữ văn?

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận xoay quanh đề thi Văn cuối học kỳ I cho học sinh lớp 10 của Trường THPT Hà Hòa (Phú Thọ). Đề bài như sau: “Chi Pu tên thật là Nguyễn Thùy Chi. Cô bắt đầu nổi danh từ cuộc thi Miss Teen năm 2009, hiện là một hot girl được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tháng 10 vừa rồi, Chi Pu tung MV “Từ hôm nay” đánh dấu chuyển mình trở thành ca sĩ. Ngay lập tức, cô vấp phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Hương Tràm là người đầu tiên đưa ra quan điểm mạnh mẽ: “Không biết hát thì đừng mang nghề ca sĩ ra để kiếm tiền…”. Sau đó, yêu cầu của đề thi cho học sinh là “Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV “Từ hôm nay””.

Nhiều tranh luận cho rằng, việc đưa nhân vật Chi Pu vào đề thi sẽ khiến các em học sinh không còn thường xuyên theo dõi các vấn đề xã hội, thay vào đó sẽ thường xuyên cập nhật thông tin giải trí với những tranh cãi của các nghệ sĩ, chiêu trò PR, nhảm nhí… Như vậy thì thật đáng lo về nhân cách, suy nghĩ của thế hệ học sinh. Chưa dừng lại ở việc đưa nhân vật giải trí, đề thi Ngữ văn của Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) đề cập văn hóa tranh luận, phản biện xoay quanh đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền.

Trong phần đọc hiểu, đề thi trích lại một đoạn phỏng vấn với TS Lương Hoài Nam xoay quanh đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền. Học sinh được hỏi vì sao phải khuyến khích tranh luận và tranh luận dựa trên điều gì. Đặc biệt, đề thi đưa ra câu hỏi rất lý thú nhưng khá hóc búa “Anh/chị hiểu như thế nào là tranh luận có văn hóa và chung sống với sự khác biệt quan điểm?”. Từ việc tranh luận đúng sai, đồng tình và phản đối, ở phần làm văn, đề thi yêu cầu học sinh trình bày quan điểm của mình về đề xuất cải tiến chữ viết bằng đoạn văn ngắn 200 chữ.

Theo thầy Đặng Ngọc Khương, Giáo viên luyện thi môn Ngữ văn THPT - Hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng, cá nhân thầy rất tán thành việc người ra đề phá bỏ tư duy “rào cản”, thoát khỏi ý thức “khuôn mẫu”, mạnh dạn cho học sinh được tiếp cận và bình luận về những vấn đề có tính xã hội. Tuy nhiên, việc lựa chọn ngữ liệu, cách khai thác, cách đặt vấn đề để học sinh giải quyết đòi hỏi bản lĩnh, sự nhạy cảm của người ra đề. Thời gian qua một số nơi đã lạm dụng việc ra đề “mở” dẫn đến cách hiểu sai, hoặc vô tình “làm khó” học sinh khi đưa ra vấn đề khó hiểu, hoặc có thể gây nhầm lẫn.

Đề Văn “mở” ngày càng khó hiểu!

Khi phân tích về các đề văn “mở” gần đây, thầy Đặng Ngọc Khương cho rằng, về vấn đề cải cách Tiếng Việt của PGS. Bùi Hiền là vấn đề văn hóa – xã hội lớn, cần quan tâm. Giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng ngữ liệu liên quan để kiểm tra đánh giá cả kiến thức và thái độ của học sinh mà không phạm vào việc đẩy học sinh đến tình huống tranh luận trực tiếp vào vấn đề mà các em chưa hiểu đúng bản chất. Với hướng ra đề này Trường THPT Chuyên Tuyên Quang đã làm khá tốt khi chọn một trích đoạn bài viết của TS Bùi Thị Tuyết bàn về thái độ “Ném đá” khoa học, làm ngữ liệu đọc hiểu.

Cũng liên quan đến vấn đề cải tiến Tiếng Việt, còn có Trường Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) và một Trường THPT ở Tiền Giang cũng đưa vào đề thi. Tuy nhiên, cách khai thác vấn đề của 2 trường này theo quan điểm của thầy Đặng Ngọc Khương là chưa hợp lí. Chẳng hạn Trường Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) sau khi đưa một ngữ liệu liên quan đến vấn đề giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt và yêu cầu học sinh trình bày quan niệm về việc cải tiến, chẳng hạn “Tiếng Việt” của PGS.Bùi Hiền thành “Tiếq Việt”. Cách dẫn dắt vấn đề này dễ đẩy học sinh đến việc bàn luận theo hướng một chiều, cực đoạn.

Nhận xét về đề thi đưa nhân vật Chi Pu vào đề thi học kỳ và yêu cầu học sinh hóa thân vào nhân vật để thể hiện cảm xúc, tâm trạng của mình khi bị dư luận chê bai, “ném đá’… thầy Khương cũng cho rằng chưa hợp lí. Theo thầy Khương, không phải học sinh nào cũng biết, cũng quan tâm đến Chi Pu hay các sản phẩm nghệ thuật của cô này nên khi yêu cầu các em hóa thân sẽ khiến các em khó có được một bài viết có xúc cảm. Bởi thông thường chúng ta chỉ có thể đặt địa vị mình vào người khác để “thử” bộc lộ thái độ, cảm xúc khi đã hiểu rất rõ về họ. Dù họ là nhân vật tích cực hay chưa tích cực…

Chia sẻ về phương thức ra đề Văn theo hướng “mở”, kích thích tư duy sáng tạo của học sinh, thầy Đặng Ngọc Khương đưa ra đề xuất: “Theo tôi muốn kích thích tư duy học sinh, thì dù là đề Văn hay Toán cũng phải đặt học sinh vào những “tình huống có vấn đề” để học sinh có thể vừa sử dụng được kiến thức, hiểu biết để giải quyết vừa có khả năng bộc lộ được xúc cảm của mình. Tình huống đó có thể khó nhưng không được mơ hồ. Riêng với đề Văn thì việc giúp học sinh cảm nhận được giá trị thẩm mĩ của đề và bộc lộ được những cảm xúc đẹp, tích cực khi giải quyết vấn đề lại càng quan trọng”.

Đề thi học kỳ I tại TP.HCM: “Mở” cũng tốt nhưng đừng ”đánh đố” học sinh

Tuần vừa qua, học sinh bậc THCS của TP.HCM đã thực hiện các bài thi học kỳ I, trong đó có môn Ngữ văn và Giáo dục công...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN