Coi chừng “sập bẫy” ngành kinh tế

Nhu cầu nhân lực các ngành kinh tế những năm tới vẫn cao. Tuy nhiên, do chọn ngành kinh tế theo phong trào mà nhiều thí sinh đã phải “đứt gánh giữa đường”.

Trong những năm qua, các ngành quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính là 3 trong 5 ngành có nhiều cơ sở đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất. Năm 2012, quản trị kinh doanh có 340 cơ sở đào tạo (chiếm 8,3%), kế toán 297 cơ sở (chiếm 8%), tài chính ngân hàng 200 cơ sở (chiếm 8%). Ba ngành học được thí sinh đăng ký nhiều nhất lần lượt là quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và kế toán.

Đào tạo nhiều

Năm 2013, cho dù Bộ GD-ĐT hạn chế các trường mở thêm các ngành liên quan đến kinh tế song nhiều trường ĐH đào tạo khối ngành kinh tế vẫn ưu tiên chỉ tiêu cho các ngành này.

Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TPHCM tiếp tục đăng ký 4.800 chỉ tiêu. Dù khối kinh tế đã cắt giảm 90 chỉ tiêu so với năm ngoái nhưng 3 ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và kế toán vẫn chiếm 750 chỉ tiêu.

Trường ĐH Nông lâm TPHCM tăng 450 chỉ tiêu so với năm ngoái và riêng kinh tế đã tăng 250 chỉ tiêu khiến cho khối ngành kinh tế chiếm chỉ tiêu cao nhất của trường này khi có đến 900 chỉ tiêu (cụ thể, ngành kinh tế: 360 chỉ tiêu; quản trị kinh doanh: 180, kinh doanh nông nghiệp: 100, kế toán: 200).

Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TPHCM vẫn tiếp tục tuyển 4.000 chỉ tiêu như năm ngoái. Một số chuyên ngành của trường được tách riêng thành các ngành mới như marketing, kinh doanh quốc tế, kiểm toán….

Trường ĐH Tài chính Marketing cũng tuyển 2.400 chỉ tiêu hệ ĐH tập trung vào các ngành thế mạnh là tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh, marketing. Trường ĐH Ngân hàng TPHCM tuyển các ngành tài chính - ngân hàng 650 chỉ tiêu, quản trị kinh doanh 200 chỉ tiêu, kế toán 300 chỉ tiêu…  Ngoài ra, rất nhiều trường ĐH ngoài công lập như Trường ĐH Kinh tế Tài chính, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành… cũng dành rất nhiều chỉ tiêu cho các ngành kinh tế.

Coi chừng “sập bẫy” ngành kinh tế - 1

Thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh năm 2012 vào Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh

Như vậy, chỉ tiêu khối ngành kinh tế tại các trường vẫn áp đảo so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết năm 2012, chỉ số người có nhu cầu tìm việc làm liên tục tăng, đặc biệt là các ngành liên quan đến kinh tế như kế toán (24,72%), nhân viên kinh doanh marketing (10,57%), quản lý điều hành (6,28%), tài chính ngân hàng (2,66%).

Trong đó, ngành tài chính – ngân hàng và kế toán – kiểm toán là những ngành nghề có nhiều biến động, số lượng người tìm việc làm luôn vượt so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, dự báo xu hướng nhu cầu nhân lực theo ngành nghề năm 2013 của trung tâm này, khối ngành kinh tế vẫn là những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao. Cao nhất trong các ngành nghề là ngành marketing - nhân viên kinh doanh chiếm 18,5% nhu cầu; kế đến là dịch vụ, phục vụ: 16,5%, bán hàng: 9%, tài chính – ngân hàng và đầu tư – bất động sản – chứng khoán chiếm khoảng 1,6%...

Điểm chuẩn cao

Cơ hội nhiều nhiều nhưng do những năm vừa qua, số lượng thí sinh đăng ký các ngành liên quan đến kinh tế liên tục tăng nên ngành nhóm ngành kinh tế luôn có điểm chuẩn cao.

Năm 2012, tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), ngành kinh tế đối ngoại có điểm chuẩn (nhân hệ số 2 môn toán) cao nhất với 30 điểm (khối D1), 28,5 (khối A, A1), tài chính ngân hàng 29,5 (D), 26,5 (A, A1), kiểm toán: 28,5 (D1), 26,5 (A ,A1).

Tại Trường ĐH Sài Gòn, các ngành kinh tế như kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng cũng ở nhóm dẫn đầu với điểm chuẩn từ 16,5- 19 điểm. Điểm chuẩn các ngành này ở Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cũng dao động từ 18 - 19,5 điểm. Điểm trúng tuyển vào các ngành kinh tế của Trường ĐH Kinh tế TPHCM ba năm gần đây cũng ở mức trên 19 điểm.

Không chỉ với những trường đào tạo các ngành kinh tế ở TPHCM, tại các địa phương, khối ngành kinh tế cũng luôn thuộc nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất. Tại Trường ĐH Cần Thơ, năm 2012, các ngành quản trị kinh doanh, ngoại thương, tài chính có điểm chuẩn ở nhóm dẫn đầu với mức 16 điểm trở lên. Bên cạnh đó, một số ngành có tên kèm theo chữ “kinh tế” như kinh tế học, kinh tế nông nghiệp, kinh tế tài nguyên môi truờng cũng thu hút thí sinh hơn những ngành học khác.

Ở Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế), năm 2012, ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán cũng là những ngành có điểm chuẩn dẫn đầu với mức điểm từ 15,5 - 16,5.

Ngành hấp dẫn

Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng dù năm vừa qua nền kinh tế khó khăn, nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân sự, tuy nhiên, điều này không làm khối ngành kinh tế mất đi sự hấp dẫn.

ThS Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM, nhận xét: Những năm qua, có vẻ số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào nhóm ngành kinh tế giảm hơn những năm trước nhưng thực chất, nhóm ngành kinh tế vẫn thu hút thí sinh, đặc biệt là thí sinh khá, giỏi. Xu hướng thí sinh tiếp tục thích chọn ngành kinh tế là do nhu cầu nhân lực của các ngành này vẫn còn rất lớn. Dễ kiếm việc làm và mức lương cao cũng là một trong những yếu tố cơ bản khiến cho các ngành kinh tế hấp dẫn thí sinh.

Đại diện Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng xu hướng chọn các ngành kinh tế tồn tại nhiều năm trước. Tuy nhiên, do tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát vài năm gần đây nên năm nay mặc dù các ngành kinh tế vẫn nhiều sức hút nhưng có thể thí sinh không rầm rộ lựa chọn như trước.

Bên cạnh đó, công tác tư vấn tuyển sinh bước đầu đạt hiệu quả đã tác động đến nhận thức của thí sinh trong việc chọn ngành. Thí sinh đã biết cân nhắc kỹ khi chọn ngành kinh tế chứ không nộp đại hồ sơ theo phong trào như trước. Tuy nhiên, ngành kinh tế vẫn  có sức hút bởi quan niệm “phi thương bất phú”, học kinh tế dễ kiếm tiền…

Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Ngọc Mỹ Trinh, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM, dù hàng năm tỉ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TPHCM trên 90% nhưng nhiều sinh viên làm không đúng lĩnh vực chuyên môn đuợc đào tạo. Các chuyên gia tuyển sinh nhận định hiện nhiều trường đã xin mở các ngành kinh tế để đào tạo, do đó số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành này rất cao. Đây cũng là yếu tố mà thí sinh cần nhắc khi chọn ngành.

Xem xét tố chất, khả năng

Với mức điểm chuẩn các ngành kinh tế thường cao, để tránh rủi ro, ThS Nguyễn Ngọc Mỹ Trinh lưu ý thí sinh cần cân nhắc học lực của mình trước khi đăng ký dự thi và chọn ngành kinh tế ở những trường phù hợp với khả năng của mình. Nếu yêu thích ngành kinh tế và có sức học trung bình, thí sinh có thể cân nhắc chọn các ngành kinh tế ở những trường ĐH ngoài công lập bởi vì năm 2012 rất nhiều trường ĐH ngoài công lập có điểm chuẩn các ngành kinh tế chỉ bằng điểm sàn.

ThS Trinh cũng cho rằng các ngành kinh tế đòi hỏi những tố chất riêng. Ví dụ, ngành marketing cần óc sáng tạo; ngành kế toán, kiểm toán cần sự cẩn thận, chính xác; ngành quản trị kinh doanh cần sự năng động… “Thí sinh phải xem xét tố chất, sở thích của mình có phù hợp không trước khi chọn từng ngành kinh tế cụ thể” - ThS Trinh khuyên.

Thực tế tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, nhiều thí sinh đã thay đổi ngành học sau khi hoàn tất giai đoạn 1 so với đăng ký dự thi ban đầu do nhận ra mình không phù hợp để theo đuổi ngành kinh tế. Những thí sinh thực sự năng động, nhạy bén và yêu thích những ngành học này thì mới thành công.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Lâm (Người lao động)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN