Nghề giáo: Vì sao hết “hot”?

Trong nhiều năm trở lại đây tình trạng thí sinh không chọn ngành sư phạm để ghi tên dự thi và theo học đã dẫn tới khan hiếm nguồn tuyển, điểm đầu vào cũng hạ thấp, chất lượng giáo sinh sau khi tốt nghiệp chưa cao.

Nguyên nhân vì sao một nghề vốn được xã hội tôn vinh là “cao quý” lại rơi vào thực trạng đáng lo lắng như vậy? GS.TS Đinh Quang Báo- Nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm Hà Nội đã có những kiến giải xung quanh vấn đề trên.

Nghề giáo nhiều áp lực

Trong cuộc sống khi nhìn vào người thầy chúng ta thường chỉ thấy được sự chỉnh tề, đàng hoàng đĩnh đạc, ngồi bàn giấy... một công việc nhẹ nhàng, ổn định nhưng thực tế giáo viên là nghề có nhiều áp lực và những áp lực đó nếu không phải người trong nghề thì khó nhận ra. Mà khi khó nhận ra thì xã hội sẽ không thể đánh giá được hết những nặng nhọc hay công lao của họ. Do vậy, để có được những chính sách, chế độ đãi ngộ tốt hơn cho giáo viên không đơn giản.

Nghề giáo: Vì sao hết “hot”? - 1

Áp lực nghề giáo ngày càng lớn (Ảnh minh họa)

Áp lực trước hết của nghề giáo chính là đối tượng truyền thụ- học sinh, sinh viên. Giáo viên phải tiếp xúc, dạy dỗ những thực thể tâm lý sống động, đang trong quá trình phát triển biến đổi cả về thể chất, tinh thần, trí tuệ. Đối tượng của nghề giáo không như các nghề khác là mang tính tĩnh tại mà vô cùng đa dạng và phức tạp, cũng chính vì thế buộc người giáo viên phải luôn luôn có cải tiến nghiên cứu, học hỏi để đáp ứng được nhu cầu phức tạp đó.

Có thể nói, nghề nào trực tiếp tiếp cận với con người thì nghề đó phức tạp. Có 2 nghề hàng ngày tác động  trực tiếp tới con người là thầy giáo và bác sĩ. Nghề thầy thuốc tiếp cận với bệnh nhân thì trăm người trăm bệnh, không thầy thuốc nào lại kê một đơn chung cho tất cả bệnh nhân. Với giáo viên còn phức tạp hơn thế. Mỗi đối tượng, lứa tuổi học sinh đòi hỏi giáo viên phải có cách dạy, giáo dục khác nhau nên giáo viên phải luôn luôn nghiên cứu, tự mình tìm hiểu đối tượng để thích ứng với đối tượng đó.

Trong thực tế, cũng có hi hữu những giáo viên soạn giáo áo để dạy theo năm mà không có sự đầu tư, đổi mới, khi có phòng nọ sở kia về kiểm tra thì phô tô sửa lại ngày tháng là xong. Nhưng để giáo dục học sinh cho phù hợp, có kết quả tốt nhất thì ngay cả giáo án được soạn trước ở nhà và khi đến lớp cũng đã không giống như điều mình dự kiến. Giáo án của năm nay khác năm trước, giáo án lớp A khác lớp B, giáo án cho từng học trò có sự tiếp thu, cá tính khác nhau cũng  phải có sự linh hoạt khác nhau cho phù hợp. Ca sĩ đi hát chỉ cần tập dượt, học thuộc một vài bài nhuần nhuyễn rồi biểu diễn từ show này sang sang show khác, hết tour nọ tới tour kia... là được nhưng giáo viên không thể cầm một giáo án đi dạy hết lớp này lớp khác, năm này sang năm khác.

Cùng với đối tượng tác động luôn biến đổi thì trí thức của nhân loại cũng luôn luôn biến đổi. Người ta đã tính rằng, cứ 4 năm thì tri thức của nhân loại sẽ biến đổi và tăng gấp đôi. Giáo viên là người tổ chức học sinh tiếp thu được tri thức, kinh nghiệm của nhân loại. Vì vậy, giáo viên phải học suốt đời. Còn dạy ngày nào thì giáo viên phải học ngày ấy. Lao động của giáo viên đòi hỏi họ phải có tâm huyết, trách nhiệm. Mỗi giáo viên phải thực sự là một nhà giáo dục thì họ mới có thể mang hết nhiệt huyết, trí tuệ cống hiến cho nghề, cho đời.

Nghề giáo: Vì sao hết “hot”? - 2

GS. Đinh Quang Báo

Không có động lực người giáo viên khó lòng vượt khỏi lao động cực nhọc

Với sự lao động cực nhọc như đã nói ở trên thì nghề giáo cần có nhiều động lực để vượt qua. Vậy động lực ở đây  là gì?

Trong cơ chế thị trường hiện nay vị thế của giáo viên đang bị xuống cấp bởi vậy động lực không thể thiếu là vị thế của người giáo viên trong xã hội và phải được xã hội tôn vinh thừa nhận lao động của họ. Khi giáo viên có nhược điểm, thiếu sót thì chúng ta phải phê phán, nhưng sự phê phán đó cần đứng trên tình cảm, cái nhìn thấu hiểu về sự lao động cực nhọc của giáo viên... Tránh sự phê phán thái quá, miệt thị khiến tâm lý hoảng sợ hoặc đẩy người giáo viên vào góc tường, không lối thoát, không có cơ hội sửa chữa làm lại.

Một động lực cơ bản và không thể xem nhẹ khác đó là giáo viên cần nhận được sự đãi ngộ thích ứng với công sức lao động bỏ ra (Tất nhiên khi xã hội đã đãi ngộ, ưu tiên thì họ phải lao động theo đúng nghĩa của người giáo viên). Khi chế độ đãi ngộ cho giáo viên chưa tương xứng cũng dễ xảy ra những tiêu cực trong nghề giáo.

Tuy vậy, tôi xin đảm bảo rằng, mặc dù lao động cực nhọc, vị thế xuống cấp, đãi ngộ chưa tương xứng… nhưng bất kì người giáo viên nào khi đứng trên lớp không bao giờ xa rời lương tâm nghề nghiệp của mình, luôn là người gương mẫu, làm tròn trách nhiệm với học trò.

Lời giải cho ngành Sư phạm vẫn là chế độ đãi ngộ với giáo viên thỏa đáng

Qua mẫu điều tra (có thể chưa đầy đủ) của một đồng nghiệp trong trường Đại học Sư phạm về thực trạng của giáo viên phổ thông cho thấy, có khoảng 30-40 % giáo viên nói rằng nếu được làm lại từ đầu sẽ không chọn nghề giáo. Giáo viên đương chức còn ý thức như vậy thì việc thu hút đầu vào của ngành sư phạm trong tương lại vẫn sẽ khó khăn nếu không có được những lời giải tốt hơn cho ngành sư phạm.

Một khó khăn khác mà chúng ta có thể nhìn thấy trong ngành sư phạm đó là giáo viên hiện nay khi ra trường không có việc làm. Vì vậy theo tôi đến nay đào tạo giáo viên nữa là thừa (về số lượng còn chất lượng thì chưa chắc)...  Dẫn tới việc đào tạo sinh viên ngành Sư phạm ra không có việc làm. Khi đầu ra ứ đọng thì đầu vào khó để có sinh viên. Không ai đi chọn học một ngành nghề học trong 4 năm, tốn thời gian, công sức, tiền bạc... để rồi ra trường không có việc để làm.

Tôi khẳng định với chất lượng đầu vào như hiện nay của ngành sư phạm thì mọi đổi mới giáo dục các cấp học đều thất bại.

Sinh viên giỏi vào ngành Sư phạm - Đó là niềm mơ ước không biết đến khi nào mới trở lại của ngành Sư phạm.

GS. Đinh Quang Báo

Trong tương lai, cái để tạo ra động lực bền vững, căn cơ nhất để thu hút học sinh theo học ngành sư phạm phải là thay đổi chế độ đãi ngộ, lương của giáo viên. Còn giải pháp trước mắt cho ngành là đào tạo phải có kế hoạch. Chúng ta không thể đào tạo tràn lan về số lượng. Cần một quy hoạch từ quản lý vĩ mô, ngành giáo dục cần bao nhiêu thì đào tạo bấy nhiêu. Như vậy, khi đào tạo xong thì người nào cũng có việc làm. Phải có quy hoạch về số lượng thì mới có được quy hoạch về chất lượng. Hiện nay chúng ta vẫn thả nổi quy hoạch này, dẫn tới thừa giáo viên...

Khi có quy hoạch lại, sinh viên ra trường có việc làm thì chí ít sẽ lấy được những học sinh khá ghi tên thi vào ngành sư phạm. Và nếu có đãi ngộ cao lên chút nữa thì sẽ lấy được những người giỏi. Tuy nhiên chính sách đãi ngộ cũng cần thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn.

Tôi khẳng định với chất lượng đầu vào như hiện nay của ngành sư phạm thì mọi đổi mới giáo dục các cấp học đều thất bại. Đổi mới giáo dục phổ thông không thể vượt khỏi chất lượng đào tạo sư phạm. Cũng chính vì vậy, trong quốc sách hàng đầu của giáo dục là giáo viên. Nếu giáo viên yếu sẽ phản ứng tắt dần dây truyền chất lượng, chất lượng đầu vào cao thì sẽ tăng dần chất lượng ở các bậc học. Miễn học phí chỉ là một trong những giải pháp để thu hút người khá, giỏi vào ngành sư phạm. Giải pháp mang tính căn cơ, bền vững nhất để thu hút người tài vào ngành sư phạm vẫn là chế độ đãi ngộ, đồng lương với giáo viên sau khi ra trường...

Giải bài toán cho ngành Sư phạm còn nan giải và cần có thời gian. Nhưng dẫu có khó khăn ra sao thì chúng ta cũng phải bắt đầu với những giải pháp đột biến. Có khởi đầu tốt thì sẽ có kết thúc đẹp và ngược lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sông La (Giáo dục & Thời đại)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN