Cô giáo khiến học trò mê địa lý bằng trò chơi

Sự kiện: Giáo dục

Học địa lý qua trò chơi là phương pháp được cô Võ Thị Kim Hiệp, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TP.HCM, áp dụng để học trò thích thú với tiết học.

Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang đòi hỏi giáo viên không ngừng sáng tạo để “dụ dỗ” học sinh tiếp cận kỹ năng, kiến thức. Không ít thầy cô đã có những chuyển biến tích cực, mang lại thích thú cho học sinh.

Tiết ôn tập địa lý để chuẩn bị kiểm tra 1 tiết của lớp 12 chuyên toán Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa diễn ra thật khác lạ. Thay vì học trò ngồi ôn lại các kiến thức đã học thì cả lớp được tham gia một trò chơi mang tên “Ai là người thắng cuộc?”.

Lớp học được chia thành năm nhóm. Mỗi nhóm sẽ được giáo viên phát một bộ phiếu kiến thức liên quan đến những nội dung đã học. Các nhóm sẽ chơi ghép các mẫu phiếu có kiến thức địa lý với nhau sao cho đúng. Và đặc biệt nhóm nào chơi đúng nhất, nhanh nhất thì được cộng điểm.

Không khí lớp học trở nên sôi nổi hẳn lên. Các em bàn luận, trao đổi hăng say. Tiết học cứ thế trôi qua nhẹ nhàng, tràn ngập tiếng cười.

Vừa vui nhộn vừa thấm kiến thức

Phương Linh, một học sinh của lớp này, hào hứng kể: “Cô Hiệp áp dụng nhiều phương pháp mới trong tiết dạy. Nhờ vậy, tiết học bớt nhàm chán và trở nên vui nhộn. Qua trò chơi, kiến thức địa lý lại được khắc sâu hơn vì chỉ có nhớ nội dung, tụi em mới tìm được mối liên hệ giữa các phiếu với nhau”.

Kim Ngân, một nữ sinh cùng lớp, cho biết thêm: “Cô còn cho tụi em ôn tập bài theo phương pháp kỹ thuật phòng tranh. Trong chương trình lớp 12 có những kiến thức về ngập lụt, hạn hán, bão và lũ quét. Cô sẽ chia lớp thành bốn nhóm. Bốn nhóm sẽ tóm tắt nội dung trên bằng sơ đồ tư duy giống như một bức tranh. Bốn bức tranh được dán ở các vị trí khác nhau trong lớp. Sau đó, cô trộn bốn nhóm ban đầu thành bốn nhóm khác, trong đó các nhóm đều bao gồm thành viên của các nhóm. Các bạn sẽ lần lượt đi tham quan bốn bức tranh. Tới bức tranh nào, các thành viên đã thực hiện sẽ đứng ra thuyết trình”.

Trong khi đó, em Hữu Quý lại nói: “Em thích nhất khi nhận được những lời phê có một không hai của cô khi làm bài kiểm tra”. Khi đó, cô Hiệp nhận xét bài kiểm tra của học sinh bằng tên những bài hát. “Có bạn vẽ bản đồ quên quần đảo Trường Sa, cô sẽ phê “Gần lắm Trường Sa ơi” và yêu cầu bạn phải đứng trước lớp hát bài này. Còn với những bạn đạt điểm tối đa, cô ghi nhận xét: “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá” hay “Tổ quốc ơi ta đã nghe lời kêu gọi” hoặc “Tự hào Việt Nam”. Nhận những lời phê từ cô, dù điểm thấp nhưng sẽ không ai cảm thấy buồn mà lại có thêm động lực để cố gắng.

Cô Võ Thị Kim Hiệp bên các học trò của mình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô Võ Thị Kim Hiệp bên các học trò của mình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Không quản vất vả để đổi mới

Chia sẻ về mình, cô Hiệp cho biết những phương pháp trên được cô áp dụng để phát triển năng lực của học sinh.

Cô nhận thấy việc học địa lý qua trò chơi trong các tiết ôn tập rất hiệu quả. “Phương pháp này tạo sự mới mẻ, hoạt động vui nhộn thu hút học trò, giảm tâm lý nhàm chán” - cô Hiệp nói.

Không đổi mới thì khó đáp ứng học sinh

Cô Hiệp cho biết nếu dạy theo cách cũ, giáo viên sẽ khỏe hơn. Còn một khi đã chấp nhận đổi mới, giáo viên sẽ cực gấp nhiều lần. “Nhưng hiện nay nếu giáo viên không chịu đổi mới sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu của học sinh” - cô Hiệp nói. 

Còn việc áp dụng phương pháp kỹ thuật phòng tranh theo cô Hiệp là để rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông cho tất cả học sinh trong lớp. “Để thực hiện phương pháp này, giáo viên phải năng động và biết quản lý lớp. Đối với những lớp có sĩ số quá đông thay vì học trò di chuyển theo các bức tranh, hãy để các em ngồi tại chỗ và cho bức tranh di chuyển” - cô Hiệp cho biết.

Đề cập đến những lời phê trong các bài kiểm tra, cô Hiệp khẳng định: “Những lời nhận xét rất quan trọng. Nếu giáo viên phê thiếu cẩn trọng sẽ khiến trò tổn thương. Vì thế, tôi nghĩ phải làm sao dù điểm thấp hay cao nhưng khi đọc lời phê, các em sẽ không buồn và thấy được khích lệ”.

“Để nghĩ ra những phương pháp trên, bản thân tôi phải học hỏi từ đồng nghiệp. Tôi cũng đọc nhiều phương pháp từ nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình đó, tôi cũng chọn lọc những phương pháp phù hợp. Nó có thể áp dụng cho nhiều lớp, lại có thể sử dụng nhiều năm và không mất nhiều chi phí” - cô Hiệp nói.

Cô Hiệp thừa nhận đổi mới là tốt nhưng cũng phải có điểm dừng để nhìn lại. “Tùy nội dung, tôi mới tổ chức trò chơi. Tùy theo bài học, tôi sẽ áp dụng phương pháp phù hợp” - cô Hiệp cho hay.

Trước câu hỏi điều gì khiến cô hạnh phúc khi làm giáo viên, cô cười bảo: “Đó là khi tôi được nghe học trò thủ thỉ: “Tại sao năm nay con không được học cô nữa? Con thích những tiết địa cô dạy”. Chỉ vậy thôi là đủ vui rồi”.

Một giáo viên năng động, luôn sáng tạo

Đó là một giáo viên giàu kinh nghiệm. Cô rất năng động và đặc biệt luôn tiếp cận, tìm hiểu và áp dụng các phương pháp học tập tích cực, sáng tạo trong tiết học địa lý như dạy học dự án, ứng dụng thiết kế sơ đồ tư duy, phương pháp trạm - góc, thuyết trình nhóm… Chính điều đó đã làm cho tiết học trở nên sinh động, cuốn hút và hiệu quả; đặc biệt là phát triển các kỹ năng quan trọng cho học sinh trong thời đại công nghệ 4.0.

Đối với đồng nghiệp, cô luôn hòa đồng, vui vẻ; đặc biệt với giáo viên trẻ, cô luôn nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, các phương pháp dạy học tích cực, các bài hay nội dung khó trong bộ môn và phương án ứng xử sư phạm khi giảng dạy bộ môn.

Thầy NGỌC ANH, giáo viên môn địa lý,  Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa 

Nguồn: [Link nguồn]

12 bài thơ hay và ý nghĩa nhất - Chúc mừng thầy cô giáo nhân ngày 20/11

Bên cạnh những lời chúc 20/11, những tấm thiệp 20/11, hãy cùng gửi những bài thơ 20/11 hay và ý nghĩa nhất đến các thầy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quyên ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN