Cô giáo 9X với cách dạy văn độc đáo

Sự kiện: Giáo dục

Cô Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên Trường THPT Trưng Vương, quận 1 (TP.HCM) cho học sinh vẽ tranh, hóa thân vào nhân vật, đóng phim, tương tác với người nổi tiếng và tham gia vào những dự án mang ý nghĩa xã hội để học môn văn.

Những đổi mới trong hình thức dạy học của cô giáo trẻ đã khiến học sinh cảm thấy thích thú với môn văn. Điều đặc biệt, qua những dự án dạy học đầy lý thú, các em không chỉ nắm bắt được kiến thức mà còn học được cách yêu thương, quan tâm đến mọi người.

Đam mê sáng tạo

Yêu thích môn văn từ nhỏ nên Quỳnh Anh luôn nỗ lực hết mình trong học tập. Với những thành tích đạt được trong suốt những năm học phổ thông cũng như ở đại học, Quỳnh Anh đã được trở về giảng dạy tại trường Trưng Vương - nơi cô từng học.

Cô giáo 9X với cách dạy văn độc đáo - 1

Cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh luôn sáng tạo trong việc dạy văn để học sinh cảm thấy hứng thú đối với môn học. Ảnh: nvcc

Chia sẻ về những đổi mới của mình trong việc dạy văn, cô Quỳnh Anh cho hay, ngay từ thời còn đi học, cô thấy thao thác đọc chép không đem lại hiệu quả. Dạy văn theo kiểu truyền thống sẽ không giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo. “Vì thế, bước sang học kỳ 2, tôi bắt đầu thực hiện những dự án dạy học theo một hình thức mới. Với cách học đó, các em sẽ là những người chủ động nắm bắt kiến thức”, cô Quỳnh Anh nói.

Tùy thuộc vào nội dung từng bài học mà cô sẽ áp dụng các phương pháp khác nhau. Đối với những tác phẩm văn xuôi, học sinh sẽ được phân vai, đóng kịch. Với những tiết tiếng Việt, để học sinh không thấy nhàm chán, cô dùng skype kết nối với người nổi tiếng để học sinh tương tác và học hỏi. Hoặc đối với truyện ngắn, cô thường cho học sinh chọn chi tiết tiêu biểu rồi hướng dẫn trò vẽ bằng chính sự cảm thụ của mình. Nếu trò muốn vẽ thì bắt buộc các em phải đọc kỹ tác phẩm, đó là cách cô “dụ” trò đọc bài. Hay khi học những bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, cô luôn khuyến khích học sinh làm thơ theo cách cảm, cách nghĩ của mình.

Cô giáo 9X với cách dạy văn độc đáo - 2

Hoc sinh lớp 10A12 hóa thân thành các nhân vật trong giờ văn. Ảnh:nvcc

“Đặc biệt, có những bài học tôi cho các em thực hiện dự án. Mỗi dự án được thực hiện sẽ giúp các em học thêm được nhiều kỹ năng, hiểu thêm về cuộc sống thông qua những trải nghiệm thực tế”, cô Quỳnh Anh tâm sự.

Những sáng tạo trong việc dạy học của cô giáo 9X đã đạt giải cao trong các cuộc thi. Năm 2016, cô Quỳnh Anh đạt giải nhất tại Chung kết cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT cấp quốc gia” với dự án “Tôi yêu tiếng nước tôi” do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Chia sẻ về dự án này, cô Quỳnh Anh cho biết, trong quá trình dạy học, cô nhận thấy học sinh viết sai chính tả rất nhiều. Vì thế, dự án được thực hiện với mong muốn các em sẽ sử dụng từ chính xác, khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc qua tiếng nói của dân tộc mình. Từ đó nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Vào năm 2015-2016, cô Quỳnh Anh cũng thực hiện dự án liên môn tích hợp văn sử từ ca dao dân ca cho đến âm nhạc. Với dự án này, học sinh sẽ tìm hiểu ca dao, dân ca, thuyết trình về các nhạc cụ, về văn hóa dân tộc.

Trong thời gian tới, cô Quỳnh Anh tiếp tục thực hiện những dự án của mình. Dự án “Ước mơ trên vai mẹ” đang được triển khai cho học sinh lớp 10. Mỗi sáng, nhìn thấy hình ảnh những người mẹ chở con tới trường, ánh mắt dõi theo khi con vào lớp, cho thấy họ đã gửi gắm cho con rất nhiều ước mơ. Nhưng vô tình những ước mơ đó lại trở thành gánh nặng trên đôi vai hao gầy của mẹ. Các em học sinh khi tham gia dự án sẽ đi gặp những người phụ nữ tìm hiểu về ước mơ của họ. Những ước mơ đặc biệt sẽ tiến hành làm một chương trình tương tự như “Điều ước thứ 7”.

Thắp lửa yêu thương

Không chỉ đem đến cho học sinh những giờ học lý thú, cô giáo Quỳnh Anh còn tạo nên không gian lớp học ấn tượng với những ý tưởng lan tỏa yêu thương.

 “Hũ kẹo hạnh phúc” của cô Quỳnh Anh đang được lan tỏa trong cộng đồng và được nhiều giáo viên áp dụng. Chia sẻ về ý tưởng trên, cô Quỳnh Anh cho biết, cứ vào sáng thứ hai cô thường nói với học sinh về tình yêu thương và chia sẻ về những câu nói hay và cô thường tặng kẹo cho các em kẹo. Cô gọi đó là kẹo hạnh phúc.

Sau đó, cô nghĩ thay vì phát kẹo cho các trò, mình nên trao quyền chủ động cho học sinh. Vì thế, cô mang đến lớp một cái hũ, sau đó các em sẽ tự bỏ kẹo vào và sẽ tặng cho nhau cũng như tặng thầy cô bộ môn. “Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc là đến thời điểm này, các em vẫn duy trì việc tặng nhau kẹo mỗi ngày. Và càng phấn khởi hơn khi phụ huynh cũng hưởng ứng tham gia bằng cách mua kẹo tặng cả lớp”, cô Quỳnh Anh nói.

Cô giáo 9X với cách dạy văn độc đáo - 3

Ý tưởng "Hũ kẹo hạnh phúc" của cô Quỳnh Anh đã lan tỏa trong cộng đồng và được nhiều giáo viên áp dụng. Ảnh:nvcc

Không chỉ có thể, ngay từ buổi đầu tiên nhập lớp 10A12, cô đã yêu cầu các em vẽ “Bàn tay mục tiêu” của cuộc đời mình. Sau khi vẽ xong, mỗi em sẽ ghi rõ mục tiêu của mình trong năm học này, trong 3 năm cấp 3 cũng như mục tiêu của cả cuộc đời. “Qua hoạt động này, tôi muốn nhắn nhủ, dù là mục tiêu gần hay xa thì tất cả đều nằm trong lòng bàn tay của các em. Chỉ cần các em biết nỗ lực hết mình thì sẽ thành công. Hơn nữa, tôi muốn các trò biết việc đặt mục tiêu quan trọng như thế nào đối với cuộc sống”, cô Quỳnh Anh nói.

Ngoài ra, cô Quỳnh Anh hiểu được rằng để học sinh có kết quả tốt trong học tập thì cần có được sự phối hợp với gia đình. Vì thế, tấm bảng dành cho phụ huynh ra đời. Ở tấm bảng này, bố mẹ sẽ viết nhiều lời chúc cho con trong năm học đầu tiên của lớp 10. “Qua tấm bảng, tôi muốn nói với học sinh của mình, mỗi ngày con đến trường đều có ba mẹ dõi theo. Trước mắt con là niềm tin, là bầu trời tươi sáng. Còn phía sau con là ba mẹ luôn tin tưởng. Cho nên các con hãy luôn cố gắng hết sức”, cô Quỳnh Anh tâm sự.

Nhắc đến cô Quỳnh Anh, em Nguyễn Minh Nhi, lớp phó học tập 10A12, nói: “Cô thật tuyệt vời. Hồi học cấp 2, em không thích học văn. Nhưng khi đươc cô Quỳnh Anh dạy, tuần nào em cũng mong đến môn văn vì cô tạo ra nhiều phương thức học khác nhau khiến em thấy hứng thú”.

Tương tự, em Đỗ Hạnh Thúy Vy, chia sẻ: "Cô Quỳnh Anh là một người luôn tìm kiếm những phương pháp để chúng em có thể tiếp thu bài một cách nhanh nhất. Cô là người rất chăm lo cho học sinh. Nếu học sinh tham gia phong trào thì cô sẽ là một người hậu cần chăm chỉ. Cô còn tạo ra những trò chơi, có những ý tưởng độc đáo để chúng em biết yêu thương nhau hơn. Nhờ có cô lớp em trở nên đoàn kết. Tất cả các phong trào của trường, lớp lúc nào cũng tham gia đông đủ với 46 thành viên từ nhảy Flasmob, văn nghệ đến các chương trình dã ngoại. Hơn nữa, mọi người biết quan tâm và chỉ bảo nhau học tập”.

Chuyện chưa kể cô giáo 27 tuổi, nặng 15kg và hơn 10 năm dạy học miễn phí

Lớp học miễn phí của cô giáo xương thủy tinh nặng 15kg diễn ra tại căn phòng chưa đầy 10 m2 ở vùng quê Nam Định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quyên (Pháp luật TPHCM)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN