Chuyên gia ngôn ngữ học chia sẻ về cách đánh vần “lạ” gây tranh cãi

Hai ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách dạy con lớp 1 đánh vần đã thu hút sự quan tâm của dư luận, với nhiều tranh cãi.

Chuyên gia ngôn ngữ học chia sẻ về cách đánh vần “lạ” gây tranh cãi - 1

Đoạn clip do phụ huynh có con vào lớp 1 chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem cùng với những bình luận nhiều ý kiến trái chiều.

Trong clip, cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần từng âm tiết, với những cách đọc rất "lạ".Cụ thể, “Ki” đọc là: cờ - i - ki. “Uôn” đọc là: ua - nờ - uôn; “Qua” đọc là: Cờ - oa- qua.

Theo chia sẻ của người đăng tải clip, cách đánh vần trên được giáo viên dạy theo sách "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục" của GS Hồ Ngọc Đại. Sách được thí điểm ở nhiều trường Tiểu học trên cả nước từ nhiều năm nay.

Nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 hoang mang với cách đánh vần rất mới này và không ít cư dân mạng được cơ hội “ném đá” cách đánh vần mới của chương trình sách giáo dục công nghệ này.

Theo một giảng viên ngôn ngữ học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM thì đây là cách đánh vần đúng và không nên coi là cách đánh vần sai hay lỗi. 

Theo vị giảng viên về ngôn ngữ học này, chữ cái tiếng Việt có hai cách đọc. Thứ nhất, đọc theo tên con chữ ví dụ như A, BÊ, CÊ, ĐÊ, CU (Q) và đọc theo âm con chữ như A, Bờ, Cờ, Dờ, Đờ, *Quờ (trong trường hợp ta coi là có âm đầu Qu).

Cách đánh vần truyền thống đã được áp dụng như chữ Ca sẽ đánh vần Cờ - a – ca đây là cách đánh vần theo âm con chữ (âm đầu). Chữ Ba đánh vần Bờ - a – ba đánh vần theo âm con chữ; nhưng Ke đánh vần Ca – e – ke đây là cách đánh vần theo tên âm đầu. Chữ Qua đánh vấn Quờ - a- qua đánh vần theo âm của âm đầu và âm đệm. 

Đặc biệt với chữ Q, chữ Q tên là “Cu”, không có chữ cái, từ đơn nào là Qu, đây chỉ là dạng “quen” viết âm đầu và âm đệm. 

Âm đệm chính là âm /w/ được viết là o và u trong các từ đơn như quA, hOa, thÚy, hOan, Vì vậy, ta lấy ví dụ từ "qua" = âm đầu [q] + âm đệm [w] + âm chính [a] thì cách đọc sẽ là cờ-OA-qua. Quan trọng là nhớ tròn môi âm chính khi có âm đệm, như OA ở trên. Trường hợp tương tự với cờ-uân-quân.

Như vậy đối với các chữ K, C, Q thì trong cách đánh vần truyền thống đã thiếu nhất quán.

Còn theo cách đánh vần trong sách công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, chữ K, C, Q khi đánh vần đều được xử lý nhất quán là âm “Cờ” như Ca đánh vần thành Cờ - a – ca, Ke đánh vần Cờ - e – ke, Qua đánh vần Cờ - Oa – Qua.

Theo vị giảng viên này đây là các xử lý đúng theo ngữ âm học tiếng Việt. Vì thực tế trong tiếng việt cả ba chữ K, C, Q đều chỉ là thể hiện trên mặt chữ Việt của một âm vị /k/ duy nhất, đây là điều mà các công trình ngữ âm học tiếng Việt đều thống nhất từ nửa thế kỉ trước.

Để đưa ra được cách đánh vần này, giảng viên này cho biết anh tin rằng Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã nghiên cứu rất kỹ về ngôn ngữ tiếng Việt và không nên lo lắng với cách đọc mới này bởi vì bản thân cô giáo để đọc với cách đánh vần mới này họ cũng phải đi tập huấn rất nhiều về chương trình mới để có thể truyền tải cho các em học sinh tốt nhất.

Bộ GD-ĐT nói gì về clip giáo viên hướng dẫn cách đánh vần cực lạ

Đa số ý kiến đều bày tỏ sự hoang mang và lo ngại không biết cách đánh vần lạ có phải là chương trình giáo dục mới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo K.Ngọc ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN