Chủ nhóm lớp mầm non từng... ghi lô đề

Người đứng ra mở các nhóm lớp tư thục chỉ cần tốt nghiệp THCS và có chứng chỉ quản lý giáo dục... chính vì vậy đã có nhiều trường hợp chủ các nhóm lớp tư thục (tương đương chức hiệu trưởng) từng đi bán thịt lợn, ghi lô đề.

Đó là trường hợp được nêu ra tại hội thảo bàn về việc tăng cường quản lý các nhóm lớp mầm non ngoài công lập, trường mầm non có yếu tố nước ngoài vừa được Sở GD ĐT Hà Nội tổ chức.Trong Điều lệ trường mầm non quy định khá mở: Người đứng ra mở các nhóm lớp tư thục chỉ cần tốt nghiệp THCS và có chứng chỉ quản lý giáo dục...chính vì vậy đã có nhiều trường hợp chủ các nhóm lớp tư thục (tương đương chức hiệu trưởng) từng đi bán thịt lợn, ghi lô đề.

Dễ dãi và rủi ro

Đại diện Sở GD ĐT Hà Nội, bà Phạm Hồng Nga – PGĐ Sở cho biết: Hiện tại trên địa bàn thành phố có gần 1094 trường mầm non, nhóm lớp ngoài công lập (NCL) với số trẻ mầm non trên 70.000 trẻ chiếm trên 15%.

Hàng năm, số trẻ mầm non trên địa bàn thành phố tăng trung bình 27.000 – 28.000 trẻ, cá biệt có những năm tăng đến 35.000 trẻ, đây là một trong những áp lực rất lớn cho giáo dục thủ đô. Áp lực này cũng khiến các trường công lập không thể tải nổi: “Có cầu ắt có cung, việc các nhóm lớp tư thục mọc nên như nấm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân là điều tất yếu”- bà Nga nói.

Chủ nhóm lớp mầm non từng... ghi lô đề - 1

Các nhóm lớp tư thục đang ẩn chứa nhiều rủi ro (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, các trường, nhóm lớp tư thục hiện đang được mở khá “dễ dãi”. Về cơ sở vật chất, các trường gần như 100% thuê nhà dân, không có môi trường sư phạm hợp lý, cầu thanh dốc, bếp ăn không đúng quy chuẩn, nhà vệ sinh không đảm bảo và đặc biệt rất “hiếm” sân chơi.

Bà Lý Thị Hằng – Phó vụ trưởng Vụ GD mầm non Bộ GD ĐT cho biết: “Bộ sẽ rà soát văn bản để sửa đổi những bất cập về trình độ chủ nhóm lớp, trình độ giáo viên và việc quản lý các trường có yếu tố nước ngoài trong thời gian sớm nhất để các trường ngoài công lập có thể phát triển đáp ứng nhu cầu xã hội hóa giáo dục”.

Một bất cập khác là việc người đứng đầu quản lý các trường, nhóm lớp tư thục cũng.... thiếu chuẩn.

Bà Trần Lan Anh – chuyên viên phòng GD ĐT quận Tây Hồ cho biết: “Tại Quận Tây Hồ có một số trường hợp, chủ lớp mầm non chỉ là người bán thịt lợn, thậm chí ghi lô đề có tiền đi học một lớp lấy chứng chỉ quản lý rồi về mở trường mầm non. Bởi lẽ trong điều lệ Trường mầm non quy định chỉ cần tốt nghiệp THCS có chứng chỉ là được.

Như vậy là quá dễ dãi”.

Bà Lan Anh giải thích thêm: trước đây các trường mầm non tư thục chưa phát triển, chúng ta chỉ cần thế để khuyến khích, nhưng đến nay, nó đã trở thành một hệ thông có tầm ảnh hưởng lớn nếu ta vẫn giữ điều lệ cũ thì không còn phù hợp nữa.

Phó trưởng phòng GD ĐT quận Long Biên Hoàng Kim Phương cũng cho biết: “Không có căn cứ nào để tin tưởng và đảm bảo rằng một chủ nhóm lớp tốt nghiệp THCS, chỉ cần học nghiệp vụ quản lý 30 ngày có thể quản lý được nhóm lớp với những giáo viên có trình độ trung cấp, cao đẳng trở lên”.

Bà Phương đề xuất cần bổ sung vào Điều kiện cho chủ lớp cần có nghiệp vụ mầm non, có kinh nghiệm đứng lớp 3 năm trở lên và có chứng chỉ quản lý sư phạm.

Giáo viên trẻ không có gì đáng tin cậy

Một thực trạng khác khiến không ít lớp mầm non tư thục bị “mất điểm” đối với phụ huynh là đội ngũ giáo viên khá lỏng lẻo.

Bà Nguyễn Khánh Ly – Chủ nhóm lớp Mặt trời bé con (quận Hai Bà Trưng) thừa nhận: “Việc các nhóm lớp có được một lực lượng giáo viên có kinh nghiệm, yêu nghề là hết sức khó khăn. Hầu hết giáo viên xin vào các nhóm lớp tư thục đều là mới ra trường, chưa có gia đình. Họ chọn trường tư thục như một bước đệm, học hỏi kinh nghiệm để... tìm cơ hội sang trường công lập”.

Cũng theo bà Ly, hầu hết giáo viên đều là hợp đồng ngắn hạn, ít thì vài tháng, nhiều thì 2 năm: “Việc thay đổi giáo viên liên tục cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động của trường và gây tâm lý bất ổn cho học sinh. Tuy nhiên, dù có chế độ chăm sóc thế nào họ cũng không muốn gắn bó với trường tư”.

Bà Bùi Thị Lệ - Phó trưởng phòng GD ĐT quận Hà Đông thì cho rằng: “Thiếu kinh nghiệm là một điều rất rủi ro đối với các giáo viên trẻ ở các trường tư thục. Họ chưa có gia đình lại là người ngoại tỉnh, họ sẵn sàng nhảy việc. Hơn nữa việc chăm sóc, nuôi dạy đối với một giáo viên trẻ.... không có gì đáng tin cậy cả”.

Một thực trạng khác là việc kiểm soát giáo viên thuộc các trường tư thục có yếu tố nước ngoài đang gặp nhiều bế tắc. Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – Phó phòng giáo dục có yếu tố nước ngoài (Sở GD ĐT Hà Nội) cho biết: Nhiều trường quảng cáo là trường song ngữ, quốc tế, học với giáo viên, tình nguyện viên nước ngoài...nhưng thực chất giáo viên người nước ngoài không hề có nghiệp vụ sư phạm, chỉ là khách du lịch ngắn hạn, không có hợp đồng lao động... Điều đó gây rủi ro lớn cho học sinh và túi tiền của phụ huynh.

Bà Lệ bức xúc: “Khó khăn vô cùng khi tiếp cận để kiểm tra các trường có yếu tố nước ngoài. Có nhiều trường chúng tôi liên lạc rất nhiều lần nhưng không thể gặp được hiệu trưởng. Có trường mấy năm liền không thấy mặt hiệu trưởng như trường Quốc tế Hà Nội. Khi chúng tôi đến trường mà không có công văn hay đi cùng công an thì họ không cho lãnh đạo phòng vào”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN