Bỏ thi ngoại ngữ là “cải lùi”

Theo dự thảo mới nhất về đổi mới thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, một trong hai phương án được đưa ra lấy ý kiến vẫn tiếp tục "bỏ ngoại ngữ" khỏi danh sách môn thi chính thức. Nhiều giáo viên đã phản đối và cho rằng đấy là sự “cải lùi”.

Vô lý!

Theo dự thảo Bộ GD&ĐT đưa ra, năm nay thí sinh sẽ thi 4 môn: 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Hai môn còn lại, do mỗi thí sinh tự chọn trong số 5 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử.

Đối với môn Ngoại ngữ, học sinh có thể đăng ký thi để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Có thể là bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm. Bài thi đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm và đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.

Việc môn ngoại ngữ bị loại khỏi danh sách môn thi chính thức (bắt buộc lẫn tự chọn) đã gây nhiều băn khoăn, thậm chí tranh cãi trái chiều. Đặc biệt, về phía giáo viên có rất nhiều người phản đối.

Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay còn nhiều bất cập, chất lượng thấp và trình độ, năng lực của học sinh ở các vùng sâu, vùng xa chênh lệch so với các thành phố. Hơn nữa, cách thức thi cử môn Ngoại ngữ lạc hậu, bằng trắc nghiệm cũng chỉ đánh giá học sinh về từ vựng, ngữ pháp. Vì thế, Bộ GD&ĐT “không bỏ môn thi ngoại ngữ mà khuyến khích học sinh thi môn này để cộng điểm tốt nghiệp”.

Tuy nhiên, phương án này không được nhiều chuyên gia giáo dục tán thành bởi lẽ, việc chỉ khuyến khích sẽ khiến một bộ phận học sinh lơ là, không còn động lực học ngoại ngữ.

Bỏ thi ngoại ngữ là “cải lùi” - 1

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, bỏ thi môn Ngoại ngữ là đi ngược lại với xu thế hội nhập.
Ảnh: H.Nguyên

TS Lê Thị Chính (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT chất lượng cao Phạm Văn Đồng) cho biết: “Chúng tôi cũng như nhiều giáo viên cảm thấy rất vô lý với thông tin này. Cách đây mấy năm, Bộ GD&ĐT cũng đã từng có phương án bỏ thi môn Ngoại ngữ.

Tuy nhiên, sau khi đưa ra lấy ý kiến, nhiều người phản đối nên phương án này đã tạm dừng lại. Ngay sau khi có thông tin dự thảo đưa ra có phương án bỏ thi môn Ngoại ngữ vào năm 2014, tôi cũng đã trao đổi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT thì được biết, Bộ đưa ra phương án tạm ngừng là do nhận thấy phương thức thi như hiện tại đã quá lạc hậu nên không tiếp tục duy trì. Nhiều giáo viên cũng phản đối việc bỏ thi môn Ngoại ngữ và cho rằng, như thế là bất cập và đi ngược xu thế hội nhập”.

Nên cải tiến cách thi

Là giáo viên đã công tác lâu năm tại Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, cô Chính cho rằng: “Tốt nhất là thi tốt nghiệp THPT với 3 môn bắt buộc: Toán, Văn và Ngoại ngữ. Chúng ta cần đặt vấn đề đổi mới phương thức thi môn Ngoại ngữ ra sao, chứ không nên đặt vấn đề thi hay không.

Nếu tạm ngừng, ít nhất học sinh cũng mất khoảng 6-7 năm mới bắt kịp đề án ngoại ngữ 2020. Như vậy, việc học môn Ngoại ngữ ít nhiều ảnh hưởng vì dù sao, có thi vẫn thúc đẩy các em học tập tốt hơn. Hiện, ở trường phổ thông chỉ quy định dạy 3 tiết Ngoại ngữ/tuần. Nếu không thi cử, một số trường có thể sẽ lơ là việc dạy môn Ngoại ngữ”.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong Hội nghị tuyển sinh về ĐH, CĐ mới đây, chúng ta phải chuẩn bị hành trang tốt để học sinh hội nhập quốc tế. Trong hoàn cảnh chúng ta đang hướng tới việc đào tạo công dân có khả năng hội nhập toàn cầu, cần trang bị hành trang cho giới trẻ bằng ngoại ngữ nhưng loại môn học này khỏi danh sách môn thi chính thức là đi ngược lại tinh thần của đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, cô Nguyễn Thùy Dương - Tổ trưởng tổ Tiếng Anh THPT (Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội) cũng phản đối việc bỏ thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cô Dương cho rằng, việc bỏ thi môn Ngoại ngữ trong khi chúng ta đang cần hội nhập là hoàn toàn vô lý, đặc biệt là trong giai đoạn chúng ta đang đẩy mạnh đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạnh Nguyên (Gia đình xã hội)
Thi tốt nghiệp THPT 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN