Bơ phờ vì học thêm

Cả ngày học chính khóa ở trường, tối lại đến nhà giáo viên để học thêm đang là thực trạng chung của nhiều học sinh tại TPHCM. Học quá nhiều khiến nhiều học sinh mặt mày bơ phờ mỗi khi về tới nhà…

Cô giáo “gợi ý”

Chị Thu, có con học lớp 1 của một trường Tiểu học ở quận Tân Bình, TPHCM cho biết, do con chị học bán trú nên lịch học bắt đầu từ 7 giờ sáng, trưa ăn ngủ tại trường để đến chiều học tiếp. Buổi học chính khóa của trường kết thúc khoảng 4 giờ chiều. Chưa kết thúc, ngay khi đón con ở lớp, tranh thủ ăn qua loa, sau đó chị Thu chở con đến nhà cô giáo cách đó khoảng hơn 1 cây số để học thêm.

“Cũng không muốn con học thêm nhưng không học thì sợ cháu bị phân biệt vì cả lớp cháu hầu như đều đi học thêm”, chị Thu tâm sự. Theo chị Thu, học phí mỗi tháng khoảng 700 ngàn đồng là không cao tuy nhiên mất thời gian đưa đón, rồi còn phải tốn tiền cho cháu lót dạ trước khi vào học bởi giờ học khá lỡ cỡ.  

Bơ phờ vì học thêm - 1

Sau giờ tan trường, phụ huynh liền cho con ăn vội thứ gì đó rồi tiếp tục chở con đi học thêm.

Chị Nguyễn Thị Thu Trân, quận 4, TPHCM cũng than trời bởi lịch học của 2 con. Cháu lớn học thêm 3 môn gồm Văn, Toán và Vật lý nên các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 cháu phải học từ 1 giờ chiều đến 9 giờ tối mới xong, riêng thứ 4 và thứ 6, cháu còn phải học các môn nâng cao chính khóa tại trường. Còn bé lớp 9, ngoài học hai buổi/ngày, mỗi buổi chiều chị còn chở bé đi học thêm ở trung tâm văn hóa ngoài giờ. Bên cạnh đó, riêng ngày thứ 7 và Chủ nhật, chị cho con học thêm môn Anh văn ở nhà cô giáo chủ nhiệm từ 14h- 15h30.

“Thấy con học cả ngày, vợ chồng tôi cũng xót lắm. Nhiều tối cháu về nhà mà mặt mày phờ phạc, không thèm ăn cơm nên phải mất công dỗ cháu nữa”, chị Trân nói.

Không ít lần chị Trần Thị Thanh Phương, ngụ quận Gò Vấp có con đang học lớp 3 tại quận này bị cô giáo “gợi ý” cho con đi học thêm. Theo chị Phương, trong lần họp phụ huynh cách đây ít tuần, chị được cô giáo nhắc nhở là con chị học tương đối yếu, trình bày bài vở xấu nên cháu cần phải đi học thêm để theo kịp bạn bè. “Vài ngày sau con về nhà nói với tôi: Cô giáo nói cô có dạy thêm ở nhà đường Phan Văn Trị, mỗi tháng 500 ngàn đồng, mẹ rảnh thì chở con đến đó học với các bạn luôn”, chị Phương kể.

Học thêm nhiều phản tác dụng…

Nói về chuyện học thêm, dạy thêm, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, đây là nhu cầu tất yếu của phụ huynh học sinh lẫn của giáo viên bởi một bên muốn cho con theo kịp bạn bè, một bên muốn nâng cao thu nhập. “Nguyên do là chương trình học hiện nay quá nặng, với thời lượng trên lớp thì rất khó có thể để giáo viên truyền tải hết kiến thức cho các em học sinh”, ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng tất cả giáo viên dù dạy thêm 1 học sinh vẫn phải có giấy phép do Phòng giáo dục cấp (đối với dạy thêm cấp 1 và 2) và giấy phép do Sở giáo dục cấp (đối với cấp 3). Giáo viên dạy thêm không được dạy cho chính học trò của mình đang dạy, trường hợp có, phụ huynh phải làm đơn đề nghị gởi hiệu trưởng mới được phép. “Tuy nhiên, tình trạng giáo viên không dạy hết năng lực, kiến thức trên lớp để buộc học sinh phải về nhà học thêm hoặc dạy thêm cho chính học sinh của mình đã dạy trên lớp vẫn xuất hiện, mặc dù không nhiều”, ông Hoàng nói.

Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính TPHCM phản đối việc học thêm đối với học sinh và cho rằng, học thêm chỉ xuất hiện trong trường hợp học sinh bị kém môn nào đó mới phải kèm cặp để không tụt hậu so với bạn bè.

“Học thêm nhiều sẽ rất có hại cho trẻ bởi trẻ đã học cả ngày ở trường rồi, nếu học thêm nữa trẻ sẽ học trong trạng thái mệt mỏi, không tiếp thu được bài vở. Hơn nữa, trí não của trẻ nếu coi như cái bình nước, khi rót quá đầy thì nó chỉ tràn ra ngoài mà thôi. Vì thế, học thêm là cách nhanh nhất làm thiểu năng trí tuệ của trẻ, thậm chí còn thui chột tư duy, sáng tạo của trẻ”, bà Thúy nói.

Theo bà Thúy, học thêm không có tác dụng bao nhiêu ngoài việc giải một số bài toán trên lớp trong khi ở lứa tuổi tiểu học, trẻ cần chơi đùa để lớn lên có được mắt tinh nhanh, người có cơ bắp nhưng nếu bắt trẻ ngồi học thêm suốt ngày sẽ khiến trẻ mắt cận, ngực lép, thiếu cân hoặc béo phì”.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, theo báo cáo của Phòng GD quận Tân Bình, đơn vị này vừa đình chỉ công tác giảng dạy đối với cô V.B.L giáo viên lớp 1/3 trường Tiểu học Bành Văn Trân do dạy thêm sai quy định. Cụ thể, cô này đã dạy thêm khi chưa có giấy phép của Phòng GD trong khi 9 học sinh của lớp học thêm này là học trò do chính cô chủ nhiệm ở giờ học chính khóa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN