Báo động học sinh, sinh viên trầm cảm sau dịch COVID-19

Sự kiện: Giáo dục

Kết quả khảo sát do các chuyên gia tâm lý thực hiện đối với hàng trăm sinh viên, trẻ vị thành niên sau dịch COVID-19 cho thấy có tỉ lệ lớn sinh viên trầm cảm và trẻ vị thành niên có nguy cơ tự hủy hoại bản thân.

Trong hơn 600 sinh viên (SV) tham gia khảo sát, có đến 42,2% em được đánh giá có mức độ trầm cảm nặng. Số liệu đáng chú ý được học viên cao học Lâm Thanh Nghĩa (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ tại hội thảo khoa học “Chăm sóc sức khỏe tinh thần” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 27-12.

Học sinh giỏi cũng có ý định tự sát

Theo ông Lâm Thanh Nghĩa, ông và đồng nghiệp đã thực hiện khảo sát trên 604 SV tại TP.HCM (phản hồi chính thức và đạt yêu cầu) để đánh giá thực trạng sức khỏe tâm thần, khó khăn lớn nhất mà SV gặp phải ở một trong bốn đợt dịch COVID-19 vừa qua.

255/600 SV được khảo sát có nguy cơ trầm cảm nặng (42,2%), nguy cơ trung bình 33,2%. Trong đó, biểu hiện trầm cảm có mức độ xuất hiện 7-12 ngày. Biểu hiện cao nhất là “ít hứng thú hoặc không có niềm vui thích làm việc gì” và “khó tập trung vào một việc gì đó, như đọc sách, đọc báo, xem tivi”, kế đến là các biểu hiện như cảm thấy chán nản, kiệt sức, chán nản hay tuyệt vọng hoặc khó ngủ, ngủ không sâu hoặc ngủ quá nhiều...

Về thực trạng lo âu, có đến 41% SV được khảo sát có mức độ lo âu nặng, 39% lo âu trung bình. Trong đó, biểu hiện cao nhất là “lo lắng nhiều về nhiều chuyện”…

Không chỉ vấn đề trầm cảm, vấn đề tự hủy hoại bản thân ở trẻ vị thành niên cũng rất nghiêm trọng được ThS Mai Thị Hạnh, Phó Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ tại hội thảo.

Bà Hạnh cho biết trong một kết quả khảo sát sàng lọc lần một của trẻ vị thành niên ở các đô thị phía Nam Việt Nam, có 37,04% trẻ được khảo sát có nguy cơ tự hủy hoại bản thân. Đến kết quả nghiên cứu sàng lọc lần hai, có 6,1% (213 trẻ) cố ý tự thực hiện hành vi gây hại, gây tổn thương, thương tích cho chính mình trong 1-4 lần/năm.

Theo bà Hạnh, nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ nhiều yếu tố, chẳng hạn đây là lứa tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, mô hình phòng ngừa các vấn đề tâm lý chưa được quan tâm và một phần đại dịch COVID-19 cũng tác động lớn đến tâm lý lứa tuổi…

Liên quan sức khỏe tâm thần của trẻ vị thành niên, nhóm nghiên cứu của nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ, khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho thấy trong số 400 trẻ vị thành niên được khảo sát, có đến tám trẻ có chỉ số ý định tự sát ở nguy cơ cao. Trong đó, có ba nam và năm nữ, ba em có học lực giỏi, còn lại là khá với hoàn cảnh gia đình đa dạng, thu nhập từ thấp đến khá giả. Theo tác giả, cả tám em đều có biểu hiện trầm cảm ở mức độ thường xuyên trở lên. Nhóm nghiên cứu cho rằng đây là những phát hiện cần báo động, cần có những giải pháp nâng cao nhận thức, phòng ngừa cho phụ huynh, học sinh và lực lượng làm công tác giáo dục.

Thách thức thiếu hụt nhân lực

Bàn về giải pháp để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, SV, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhìn nhận vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân ở TP.HCM ngày càng được quan tâm nhưng còn nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là thiếu hụt nhân lực có chuyên môn, nhất là thời điểm sau dịch COVID-19. Kế đến là nhận thức của người dân về các vấn đề sức khỏe tâm thần còn hạn chế, sự phối hợp giữa các ban ngành chưa chặt chẽ…

Từ đó, PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp đưa ra một số giải pháp như xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng; thí điểm đường dây nóng sức khỏe tâm thần miễn phí cho thân chủ và gia đình; tập trung truyền thông; xây dựng nguồn nhân lực…

PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: P.ANH

PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: P.ANH

“Giải pháp quan trọng nhất theo tôi là làm sao để mỗi người dân là bác sĩ của chính mình, họ phải tự hiểu họ đang gặp vấn đề gì, còn thầy thuốc chỉ là người hỗ trợ. Có những người đi khám vì chán ăn, viêm loét dạ dày…, cho kiểm tra thì có tổn thương thật nhưng đó chỉ là phần ngọn trong khi đó nguyên nhân gốc là vấn đề bất ổn tâm lý. Nếu không trị tận gốc thì bệnh nhân phải gặp bác sĩ hoài” - PGS Hiệp trăn trở.

Trong bài chia sẻ của mình, GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng nhìn nhận đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, các xu hướng này đặt ra nhiều thách thức, hạn chế, cần xem xét tiềm năng của ứng dụng công nghệ và trị liệu theo kiểu truyền thống hay kết hợp cả hai. Bên cạnh phát triển hệ thống chuyên gia, cần có khung pháp lý rõ ràng để giải quyết các vấn đề đạo đức do việc sử dụng công nghệ gây ra.

Sinh viên sư phạm cần được trang bị kiến thức, kỹ năng tâm lý

Việc có cán bộ tâm lý chuyên trách trong mỗi trường học rất quan trọng nhưng giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm mới đóng vai trò cốt cán. Đây là những người gần gũi với học sinh, phát hiện những vấn đề sớm nhất và có hướng giải quyết ban đầu.

Để làm được, giáo viên phải có kiến thức, kỹ năng về tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh. Điều này không phải tự nhiên có, mà cần được trang bị trong chương trình đào tạo sư phạm. Vì vậy, trong chương trình học, các trường sư phạm cần trang bị kiến thức, kỹ năng này cho SV để có hiểu biết nhất định khi ra trường. Bởi giáo viên đang công tác mà chờ bồi dưỡng, tập huấn rất khó để hiệu quả.

Ông TRỊNH DUY TRỌNG,Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM

Nguồn: [Link nguồn]

Những dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ

Các chuyên gia Y tế cho rằng, dấu hiệu rối loạn trầm cảm ở trẻ tuổi học đường cũng giống ở người lớn, tuy nhiên có vài sự khác biệt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHẠM ANH ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN