Học trực tuyến, nhiều trẻ có dấu hiệu trầm cảm

Sự kiện: Giáo dục

Học trực tuyến kéo dài là một trong những nguyên nhân khiến trẻ rối loạn lo âu, căng thẳng hay trầm cảm

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh Phòng khám Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược 1 TP HCM, cho biết trong tình hình bình thường mới, số lượng trẻ đến khám tại đây tăng gấp 2 lần so với trước khi có dịch.

Ngại giao tiếp, luôn hoảng loạn

Nhiều học sinh ở độ tuổi phổ thông đến khám do rối loạn lo âu kèm theo trầm cảm nhẹ. Bác sĩ Khuyên nhận định giãn cách xã hội kéo dài vì dịch Covid-19, bệnh lý về rối loạn lo âu, trầm cảm tăng rất cao. Ở học sinh, có nhiều lý do khiến trẻ stress như: học trực tuyến nhiều, ở nhà lâu ngày, thay đổi thói quen hằng ngày, cuộc sống bị đảo lộn, không có điều kiện tiếp xúc xã hội...

Nhiều phụ huynh cho biết trẻ ngại giao tiếp, thu mình hơn sau thời gian học trực tuyến kéo dài

Nhiều phụ huynh cho biết trẻ ngại giao tiếp, thu mình hơn sau thời gian học trực tuyến kéo dài

Một tuần nay, chị Thu Hằng (quận Bình Thạnh, TP HCM) đưa con trai 14 tuổi đến nhiều phòng khám tâm lý, tâm thần để thăm khám. Do con chị có những biểu hiện tâm lý bất thường, hay cáu gắt mỗi khi nói chuyện với mọi người trong gia đình, ngoài thời gian ăn cơm và học trực tuyến, em chỉ chơi game trong điện thoại chứ không giao tiếp với ai. Chị Hằng kể có đêm đang ngủ, bé bỗng bật dậy hoảng loạn nhắc đi nhắc lại phải làm bài tập để kịp trả bài cho cô giáo. Lúc đang học trực tuyến, bé tắt camera, gục xuống bàn khóc. Chị lo lắng con mình bị rối loạn lo âu vì áp lực học trực tuyến kéo dài.

Trong quá trình dạy học trực tuyến, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho biết nhiều phụ huynh phản ánh con mình hay bức bối, lớn tiếng với mọi người trong gia đình, dù trước đây em rất hòa đồng và nhỏ nhẹ. Có nhiều học sinh cảm thấy mệt mỏi, uể oải khi học trực tuyến, cha mẹ phải xin cho con nghỉ học vài ngày. Ngoài ra, theo chia sẻ của phụ huynh, độ cận thị và béo phì của học sinh tăng rất nhanh. Ngoài giờ học, các em chỉ chơi game, lười ra ngoài hoạt động.

Theo bác sĩ Trần Minh Khuyên, khi học trực tuyến, trẻ bị gò bó trong môi trường chật, không có cơ hội giao lưu với bạn bè, kèm theo đó là áp lực bài vở, kiểm tra khiến các em lúc nào cũng bồn chồn, ngủ không được, hoảng hốt, đang ngủ thì bật dậy, lúc nào cũng lo lắng về bài tập, thậm chí bỏ ăn để làm bài tập. Khi các em có stress cấp tính là những bài tập, bài kiểm tra phải thực hiện, cơ thể sẽ vận động làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng dopamine... giúp trẻ chú ý hơn, làm việc hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề.

Nhưng khi stress cấp xảy ra liên tục, cơ thể không trở về được bình thường, tinh thần không được cân bằng dẫn đến stress mạn tính gây ra rối loạn lo âu và trầm cảm. Thực tế, stress là bệnh tâm lý nhưng đến lúc cơ thể có vấn đề và không được giải quyết sẽ chuyển thành bệnh lý thực sự.

"Khi rối loạn lo âu, người bệnh có thể mất ngủ, đau đầu, đau cổ gáy, tim đập nhanh, mệt, bất an... kèm theo trầm cảm nó có thể khiến người bệnh rơi vào trạng thái trầm buồn, mệt mỏi, mất năng lượng. Tùy theo mức độ cụ thể sẽ ảnh hưởng đến người bệnh, nếu nặng, đứa trẻ có thể tự làm đau bản thân, đấm tay vào tường, lột da, cắt tay... hoặc có ý nghĩ tự tử" - bác sĩ Khuyên nói.

Không nên ép trẻ học quá nhiều

Tiến sĩ Lê Thị Mai Liên, giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, nhận định khi học trực tuyến tại nhà, các em bị cô lập về mặt xã hội và cảm xúc, thiếu các hoạt động vận động, thiếu các tài nguyên học tập, thiếu các phương tiện công nghệ để học. Từ đó, các em có thể thay đổi tâm lý, từ một người hoạt bát, vui vẻ bộc lộ các dấu hiệu như chán nản, lo lắng, buồn, sợ hãi, bối rối, giảm hứng thú, bất an, bồn chồn, mất tập trung, mệt mỏi, khó quản lý cảm xúc, cô đơn, căng thẳng có hại, suy nghĩ tiêu cực, rút lui.

Ngoài ra, một số học sinh nhỏ ngồi trước màn hình lâu khiến mệt mỏi và khó duy trì sự tập trung trong một thời gian dài. Vì vậy, trong giảng dạy trực tuyến, ngoài bảo đảm kỹ thuật, giáo viên phải đóng vai là người truyền lửa từ xa, nếu thiếu các hoạt động thu hút sự chú ý, gợi được hứng thú và niềm vui của người học, học sinh sẽ thiếu hợp tác và không tập trung.

Về phía phụ huynh, bác sĩ Trần Minh Khuyên cho rằng cần quan tâm đến con, không ép các em học quá nhiều hay phải đạt được thành tích, nên chia giờ nghỉ ngơi, vui chơi, thể thao hợp lý với giờ học. Khi thấy con có những biểu hiện như ít nói so với bình thường, hay cáu gắt, ít tiếp xúc với người nhà, không ăn cơm hay có biểu hiện bất thường thì phải gặp riêng, chia sẻ, tìm hiểu lý do thái độ của con thay đổi.

"Nếu không thể giải tỏa cảm xúc cho con, phụ huynh nên tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ giúp trẻ tự cân bằng. Trẻ có biểu hiện rối loạn lo âu nhiều, trầm cảm thật sự thì phải gặp bác sĩ chuyên khoa về tâm thần kinh để can thiệp thuốc trong trường hợp cần thiết" - bác sĩ Khuyên nói. 

Cho phép tổ chức hoạt động vui chơi

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, khi cho phép học sinh đi học trực tiếp thì phải cho tổ chức hoạt động thể thao, vui chơi trong nhà trường, để các em lấy lại tinh thần, sảng khoái và tích cực hơn trong học tập. Từ đó, các em sẽ lấy lại niềm yêu thích các môn học, giải tỏa sự gò bó trong tâm lý sau thời gian dài giãn cách.

Nguồn: [Link nguồn]

Hệ quả từ học trực tuyến bằng điện thoại

Tỉ lệ học sinh sử dụng điện thoại học trực tuyến khá cao. Theo nhiều giáo viên, chuyên gia, học trực tuyến bằng điện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thuận ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN