Bằng cấp hay thực học, thực làm ?

Kiến thức sinh viên học trong trường là những điều họ không mấy khi dùng được trong thực tế nghề nghiệp, còn những gì thực sự cần thiết mà thế giới việc làm đòi hỏi cho công việc tương lai thì họ lại không được học

Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) thực hiện với quy mô gần 3.000 cựu sinh viên (SV) thuộc 5 khóa khác nhau (ra trường từ năm 2006- 2010) của 3 ĐH: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM và ĐH Huế, đã cho thấy những con số đáng báo động.

Những con số biết nói

Có đến 26,2% cử nhân cho biết chưa tìm được việc làm, dù khái niệm việc làm ở đây được hiểu rất rộng là bất cứ công việc gì tạo ra thu nhập, không nhất thiết phải đúng với trình độ, chuyên ngành đào tạo. Trong số này, 46,5% cho biết đã đi xin việc nhưng không thành công; 42% lựa chọn một giải pháp an toàn là… tiếp tục học lên hoặc học thêm một chuyên ngành khác.

Bằng cấp hay thực học, thực làm ? - 1

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM) trong lễ tốt nghiệp Ảnh: Gia thùy

Thậm chí, có 27% cử nhân được hỏi cho biết họ rất khó kiếm việc làm do ngành học của mình không phù hợp với thị trường. Số người rơi vào cảnh nhà tuyển dụng không hiểu về ngành học cũng chiếm tới 18%. Các khảo sát trên đây đa số được thực hiện tại các trường “đầu tàu” của Việt Nam, còn ở những trường ĐH khác có lẽ kết quả còn báo động hơn.

Những con số trên đây đã cho thấy ít nhất là hai vấn đề nghiêm trọng. Thứ nhất, chất lượng giáo dục hiểu theo ý nghĩa hẹp nhất là năng lực, kỹ năng thụ đắc được sau quá trình 4 năm học ở bậc ĐH, đã thấp đến nỗi hơn 1/4 SV sau khi ra trường từ 1-5 năm vẫn chưa tìm được việc làm, kể cả những việc trái ngành nghề hay những việc không cần được đào tạo ở bậc ĐH.

Thứ hai, giữa nhà trường và thế giới việc làm bên ngoài đang có một khoảng cách quá lớn. Trong lúc các doanh nghiệp (DN) không ngớt than phiền thiếu người làm được việc và khẳng định nguồn nhân lực có chất lượng cao đang là chỗ “thắt cổ chai” cản trở những kế hoạch phát triển của họ thì cử nhân mà các trường ĐH tạo ra vẫn không lấp được chỗ trống ấy vì họ được học trong trường những điều mà họ không mấy khi dùng được trong thực tế nghề nghiệp.

Đó là một sự lãng phí vô cùng to lớn. Bốn năm học ĐH của một SV đối với nhiều gia đình nông dân là một hy sinh lớn lao. Học phí ĐH ở Việt Nam dù thấp cũng vẫn là gánh nặng với bao nhiêu gia đình. Lãnh đạo các trường ĐH cần cảm thấy mình đã có lỗi với những gia đình ấy khi không đem lại cho SV một nền giáo dục đủ để họ có thể thích ứng, tồn tại và phát triển được trong thế giới việc làm.

Một lãnh đạo DN liên doanh đã nói với nhóm nghiên cứu chúng tôi rằng khi nhận SV mới tốt nghiệp vào làm việc, ông mất 2 năm để “tẩy rửa” những gì các em đã được học và thêm 2 năm nữa để dạy những kỹ năng cần thiết thì mới đáp ứng được công việc của DN.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Thị Ly (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN