Bằng cấp hay thực học, thực làm ?

Kiến thức sinh viên học trong trường là những điều họ không mấy khi dùng được trong thực tế nghề nghiệp, còn những gì thực sự cần thiết mà thế giới việc làm đòi hỏi cho công việc tương lai thì họ lại không được học

Xem lại sứ mệnh đào tạo ĐH

Lối ra cho tình trạng đó, là các trường phải tư duy lại về sứ mạng của mình. Sứ mạng của một trường ĐH là một tuyên ngôn cho thấy lý do tồn tại của trường ĐH. Nó sẽ dẫn dắt và quyết định mọi hành động tiếp theo của nhà trường, cũng như cách mà nhà trường lựa chọn chiến lược để thực hiện mục tiêu của mình.

Đề án Đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã nêu rõ mục tiêu trước năm 2020 cần đạt được “70%-80% tổng số SV theo học các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng”. Ứng với mục tiêu này là quy hoạch Tổng thể hệ thống giáo dục ĐH 2012-2030 với 3 hoặc 4 tầng bậc, trong đó chỉ 5% số SV trong toàn hệ thống sẽ theo học tại các trường ĐH nghiên cứu và được đào tạo để trở thành các nhà khoa học tương lai. Số còn lại sẽ học trong các trường định hướng nghiên cứu (20% số SV), các trường tập trung giảng dạy (25% số SV), các trường CĐ 2 hoặc 3 năm (50% số SV).

Theo kế hoạch đó, sẽ chỉ có một số ít các trường tập trung vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo ra các nhà khoa học. Các trường này sẽ thu hút những tài năng lỗi lạc nhất trong mọi ngành học và cũng sẽ đào tạo giảng viên có bằng tiến sĩ cho các trường ĐH khác trong cả hệ thống. Phần lớn các trường còn lại sẽ thực hiện hoạt động nghiên cứu ở mức độ cập nhật những tiến bộ mới nhất trong chuyên ngành để phục vụ cho hoạt động giảng dạy và đào tạo của mình. Do đó, trọng tâm của những trường này sẽ là đào tạo theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng, nghĩa là đào tạo những người có đủ năng lực vận hành khu vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong xã hội.

Như vậy, sứ mạng quan trọng nhất của những trường này là đem lại cho SV những phẩm chất, kỹ năng, tri thức mà thế giới việc làm đòi hỏi. Trong một thế giới ngày càng trở nên tương thuộc, các trường ĐH phải là nơi chủ động tạo ra mối quan hệ các bên cùng có lợi với giới DN. Mối quan hệ này không chỉ là một chiều, theo nghĩa DN hỗ trợ cho nhà trường cải thiện chương trình và nâng cao chất lượng đào tạo; mà là quan hệ hai chiều, theo nghĩa nhà trường có thể thực hiện những công trình nghiên cứu nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể của DN, tăng năng suất và hiệu quả hoạt động của DN với nguồn tài trợ từ DN. Sự hợp tác đó còn là chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, giúp tăng thu nhập cho nhà trường và giảng viên, đưa kiến thức khoa học vào cuộc sống, chương trình đào tạo được thường xuyên cập nhật.

Tuy vậy, để mở rộng những kết quả đó trong cả hệ thống, vẫn còn nhiều rào cản mà trước hết là rào cản trong nhận thức. Văn hóa trọng bằng cấp hơn thực học, bệnh thành tích và hiếu danh là những yếu tố không hỗ trợ. Trong bối cảnh đó, tầm nhìn và ý chí của người lãnh đạo sẽ là một nhân tố cốt yếu bảo đảm cho thành công của nhà trường. 

Dựa vào doanh nghiệp

Nếu các trường ĐH nghiên cứu tập trung chủ yếu cho khoa học cơ bản và cần được ngân sách quốc gia đầu tư mạnh mẽ thì những trường ĐH chọn lựa sứ mạng định hướng nghề nghiệp - ứng dụng sẽ đặt trọng tâm vào nghiên cứu ứng dụng và không cần phải dựa vào nguồn ngân sách nhà nước mà hoàn toàn có thể dựa vào các doanh nghiệp để thực hiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Thị Ly (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN