Bạn muốn con lớn lên thành công, lúc còn nhỏ nhất định phải dạy 10 điều cần thiết này

Sự kiện: Dạy con

Với những đứa trẻ, phát triển những kỹ năng và hành vi quan trọng trong kinh doanh sẽ giúp chúng tự làm chủ và thành công trong cuộc sống.

1. Đặt câu hỏi

Điều chúng ta mong muốn nhất cho con cái của mình, là có khả năng tự học. Khi đó, bố mẹ không cần phải dạy trẻ tất cả mọi thứ, bất cứ điều gì mà con cần biết, chúng có thể tự tìm hiểu.

Bước đầu tiên để làm điều này là học cách đặt câu hỏi. May mắn là trẻ làm điều này một cách tự nhiên và việc của người lớn là khuyến khích con. Cách tuyệt vời để thực hiện việc đó là làm gương. Khi bạn và con gặp điều gì mới, hãy đặt câu hỏi và khám phá các câu trả lời có thể cùng trẻ. Khi bé hỏi, hãy trả lời thay vì gạt đi hay phạt con (rất nhiều người lớn không khuyến khích con hỏi và thường thấy phiền phức vì điều này).

Khi bạn và con gặp điều gì mới, hãy đặt câu hỏi và khám phá các câu trả lời cùng trẻ. Ảnh minh họa

Khi bạn và con gặp điều gì mới, hãy đặt câu hỏi và khám phá các câu trả lời cùng trẻ. Ảnh minh họa

2. Tự tin

Tự tin là tin tưởng vào năng lực, phẩm chất và sự phán đoán của bản thân. Phát triển sự tự tin là tạo nền tảng cho một cuộc sống thành công. Theo các nghiên cứu tâm lý học, sự tự tin bắt nguồn từ việc chúng ta nhận thức được giá trị của bản thân cả bên trong lẫn bên ngoài.

Giá trị bên ngoài bao gồm: Diện mạo, sự công nhận của người khác và thành tích học tập hay làm việc. Giá trị bên trong bao gồm tấm lòng nhân hậu, nhân cách và phẩm chất đạo đức tốt.

Trẻ em là lứa tuổi dễ dàng nhận thức được bản thân hơn do chúng còn nhỏ, được bao bọc bởi những người thân trong gia đình (những người sẽ dạy dỗ chúng đạo đức, nguyên tắc) và chưa tiếp xúc nhiều với xã hội bên ngoài như độ tuổi thanh thiếu niên. Vì vậy, chúng dễ dàng học hỏi được những kinh nghiệm từ thế hệ trước để thành công.

Việc kinh doanh có thành công hay không còn phụ thuộc một phần vào động lực bên trong của con người. Đó là niềm tin vào những ý tưởng, khả năng của bản thân để vượt qua mọi trở ngại và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp trong kinh doanh và cuộc sống.

Vậy làm thế nào để bạn truyền dạy sự tự tin cho con bạn? Hãy trở thành một tấm gương tốt, luôn thấu hiểu và khuyến khích những ý tưởng của con cái. Bạn phải để các con tự đưa ra quyết định và ủng hộ sự lựa chọn của chúng.

Cho dù bạn cho rằng đây không phải là quyết định sáng suốt thì hãy cứ để con bạn suy nghĩ về những ý tưởng và cố gắng thực hiện. Tự rút ra được bài học từ những kinh nghiệm (không được truyền dạy) là chìa khóa trong việc phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề và tự tin vào bản thân.

3. Sự đồng cảm

Lòng đồng cảm giúp trẻ thấu hiểu, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người khác. Nhà tâm lý học, chuyên gia nuôi dạy con người Mỹ Michele Borba, gợi ý phụ huynh dạy con biết đồng cảm bằng cách giúp trẻ nhận diện cảm xúc của bản thân, đặt câu hỏi để con mô tả con thấy thế nào và cho trẻ cơ hội chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình.

Lòng đồng cảm giúp trẻ thấu hiểu, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người khác. Ảnh minh họa

Lòng đồng cảm giúp trẻ thấu hiểu, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người khác. Ảnh minh họa

4. Giải quyết vấn đề

Nếu trẻ có thể giải quyết vấn đề, bé có thể làm bất cứ việc gì. Một công việc mới có thể khiến bất cứ ai cũng phải lo ngại, nhưng thực sự nó chỉ là một vấn đề khác cần phải giải quyết. Một kỹ năng mới, một môi trường mới, một đòi hỏi mới... tất cả sẽ trở thành vấn đề đơn giản khi biết cách xử lý.

Dạy trẻ giải quyết vấn đề bằng cách làm mẫu xử lý những vấn đề đơn giản, sau đó cho phép trẻ tự làm những việc dễ, phù hợp với lứa tuổi. Đừng ngay lập tức can thiệp, làm hộ tất cả vướng mắc của con, để trẻ tự đối mặt và thử những cách khác nhau có thể, và thưởng cho những nỗ lực này của con. Sau tất cả, trẻ sẽ phát triển được sự tự tin về khả năng giải quyết vấn đề của mình, và từ đó, không có gì là bé không thể làm.

5. Kiên cường và bền bỉ

Phát triển sự kiên cường trong mọi nghịch cảnh là điều tối quan trọng để thành công. Chúng ta đều biết đau đớn và thất vọng trước thất bại, nó là một phần của cuộc sống. Cho dù bạn muốn bảo vệ con cái khỏi những tổn thương do thất bại thì rồi một ngày, bạn sẽ không còn khả năng làm điều đó.

Giống như những mầm cây, trẻ em cần thất bại để trưởng thành. Điều quan trọng trong kinh doanh là học được cách chấp nhận thất bại. Rèn luyện cho con bạn tinh thần kiên cường và giải quyết những thách thức trong cuộc sống, như vậy, bạn có thể yên tâm về con mình hơn là lúc nào cũng che chở, bảo vệ để chúng tự ti và nghi ngờ về năng lực bản thân.

Làm thế nào để giúp các con trở nên kiên cường hơn? Hãy để chúng thoải mái bộc phát cảm xúc và hạn chế vỗ về hay an ủi. Sau khi lĩnh hội và cảm nhận được những cảm xúc đó thì tự khắc chúng sẽ vượt qua thất vọng và dồn sự tập trung cho những ý tưởng mới.

6. Tự chủ

Đây cũng là tố chất của người thành công. Nó là khả năng kiểm soát sự chú ý, cảm xúc, suy nghĩ, hành động và mong muốn. Người lớn có thể rèn cho trẻ tính tự chủ bằng cách sử dụng tín hiệu để trẻ tuân thủ, hướng dẫn con tạm dừng khi căng thẳng, ví dụ, họ có thể dặn con dừng lại, đếm đến 10 khi cảm thấy tức giận.

Tự chủ cũng là tố chất của người thành công. Ảnh minh họa

Tự chủ cũng là tố chất của người thành công. Ảnh minh họa

7. Sáng tạo và tư duy sáng tạo

Tư duy sáng tạo là suy nghĩ đưa ra các ý tưởng mới để giải quyết mọi vấn đề phức tạp. Công việc kinh doanh rất cần những tư duy sáng tạo như vậy.

Hãy dành thời gian suy nghĩ về sự sáng tạo và đưa ra những ý tưởng sáng tạo với con bạn. Bạn có thể khơi gợi cảm hứng cho các con bằng những câu hỏi: "Con có cách nào tốt hơn để giải quyết rắc rối này không?"; hay "con có bao nhiêu cách để giải quyết vấn đề này?".

Hãy đặt ra nhiều câu hỏi và cùng tìm ra câu trả lời với con. Tư duy sáng tạo là chìa khóa để đổi mới mọi thứ, thế giới đang thay đổi chóng mặt, vì vậy, con người phải sáng tạo để bắt kịp sự thay đổi đó và thành công.

8. Tinh thần lạc quan

Tinh thần lạc quan giúp trẻ coi những khó khăn, thử thách chỉ mang tính tạm thời và mình có thể vượt qua được. Nhờ đó, khi trưởng thành, với tính cách này, trẻ dễ thành công hơn. Cách tốt nhất để dạy con lạc quan là bố mẹ nêu gương, tức bản thân họ cần sống lạc quan, để con cảm nhận được tinh thần đó.

9. Đặt mục tiêu

Các doanh nhân đều biết rằng "what gets measured, gets done" (có nghĩa là: "Cái gì đo lường được thì mới thực hiện được"). Để đạt được một thành tựu lớn cần phải có khoảng thời gian nhất định và bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ hơn. Từng mục tiêu sẽ giúp chúng ta tiến dần đến ước mơ trong cuộc sống. Vì vậy, xây dựng các mục tiêu và phân chia thời gian thực hiện là kỹ năng quan trọng để thành công.

Dạy con cái kỹ năng xây dựng mục tiêu bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của chính bạn. Hãy nói về ý tưởng và kế hoạch để thực hiện chúng. Đồng thời, hãy giúp các con đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn bằng việc xác định điều gì quan trọng với chúng, những gì chúng muốn học, muốn thay đổi và sở hữu.

Bạn nên làm việc cùng con để xây dựng các bước hoàn thành mục tiêu, chia sẻ những tiến bộ cũng như thách thức trong thời gian thực hiện. Mỗi người cần biết đâu là điểm kết thúc của một đường đua và các mục tiêu trong cuộc sống cũng tương tự như vậy. Học kỹ năng này sớm giúp trẻ hoàn thành mục tiêu nhanh hơn, nhưng quan trọng nhất vẫn là để chúng hiểu được rằng chỉ có chúng mới quyết định được vận mệnh của mình.

10. Đối phó với sự thay đổi

Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất cần cho trẻ khi chúng trưởng thành, khi thế giới luôn thay đổi. Có khả năng chấp nhận sự thay đổi, đối phó với nó, chuyển hướng dòng chảy này, sẽ là một lợi thế cạnh tranh. Điều này rất quan trọng, đặc biệt khi so sánh với những người chống lại hay sợ sự thay đổi, những người thiết lập mục tiêu và các kế hoạch rồi cố gắng tuân thủ một cách cứng nhắc thay vì thích ứng và linh hoạt trước mọi đổi thay.

Một lần nữa, hãy làm gương kỹ năng này với con bất cứ khi nào có cơ hội, và thể hiện cho trẻ thấy thay đổi là tốt, bạn có thể thích nghi, nắm lấy cơ hội mới chưa từng có, và đó là một quyền lợi. Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu và mọi thứ có thể sai khác, biến hóa nhiều hơn mức bạn tưởng. Và hãy dạy con luôn sẵn sàng trước những biến hóa đó.

Nguồn: [Link nguồn]

Từ nghiên cứu có thể thấy cách dùng điện thoại phá hủy cuộc đời của một đứa trẻ là cho trẻ dùng một chiếc điện thoại không kiểm soát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tường Vy ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN