6 câu nói con cái ước giá như cha mẹ đừng thốt ra

Sự kiện: Dạy con

Có những câu nói mang tính sát thương, khiến trẻ sa sút tinh thần và oán hận cha mẹ mình.

Ngôn ngữ giống như con dao 2 lưỡi, nó có thể khiến một người lâng lâng hạnh phúc, nhưng cũng khiến người ta đau đớn như bị dao đâm.

Trong quá trình trưởng thành của trẻ, một số cha mẹ thường nói chuyện một cách cẩn thận và kiên nhẫn, trong khi số khác lại không kiên nhẫn, hay chỉ quát mắng con cái. Chẳng có đứa trẻ nào lại muốn có cha mẹ là người hung dữ.

Đôi khi trong lúc giáo dục con cái, cha mẹ hoàn toàn không ý thức được những điều có tính sát thương mà mình nói ra đã làm tổn thương sâu sắc tâm hồn non nớt của trẻ. Dưới đây là những câu nói của cha mẹ khiến con cái bị tổn thương nhiều nhất.

1. "Sao mày ngu thế!"

Có một cậu bé luôn ngồi ở cuối lớp, ít giao tiếp với các bạn khiến mọi người cảm thấy rất khó hiểu. Một lần giáo viên Toán gọi cậu làm bài tập, cậu bé cúi đầu nói lí nhí không thể làm được. Thế nhưng, giáo viên không trách mà để cậu ngồi xuống, nhắc nhở chỉ cần lắng nghe giảng bài là có thể làm được.

Đột nhiên, cậu bé bật khóc rồi nói: “Chưa từng có ai nói chuyện với con như thế này, mẹ luôn mắng con là đồ ngu”.

Câu nói của cậu bé khiến tất cả các bạn và cả giáo viên đều đồng cảm, bởi mọi người hiểu rằng đây là câu nói mà các bậc cha mẹ thường mắng mỏ con mình nhất.

Không ai là hoàn hảo, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm, đừng chỉ nhìn thấy khuyết điểm của một người mà quên đi họ cũng có ưu điểm của mình. Trẻ sẽ càng trở nên kém cỏi, hèn nhát, thiếu tự tin nếu thường xuyên bị gán cho cái mác “ngu ngốc”.

2. "Nếu con không nghe lời, mẹ không muốn có con nữa”

Trên thực tế, dù tức giận đến đâu cũng không nên bỏ con ở bên ngoài một mình, có nhiều mối nguy hiểm khó lường, hơn nữa hành động này còn tổn thương tâm hồn của trẻ, từ đó khiến trẻ luôn nơm nớp nổi lo sớm muộn gì mẹ cũng bỏ rơi mình.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

3. "Không đời nào"

Nhiều bậc cha mẹ khi đối mặt với một số yêu cầu của con cái, họ thường trả lời một cách tiêu cực, sợ con gặp vấn đề về an toàn, hoặc cho rằng con mình không thể làm tốt một số việc nào đó, chẳng hạn như "Mẹ ơi, con có thể tự nấu ăn được không?", “Mẹ ơi, con đi mua sắm một mình được không?”.

Rất nhiều lần lời thỉnh cầu của trẻ bị người mẹ dập tắt ngay bằng câu nói “không đời nào”, “không được”.

Bạn có bao giờ nghĩ rằng, mỗi khi trẻ muốn hoàn thành một việc gì đó một mình mà không được phép, tất cả nhiệt huyết sẽ bị phá vỡ trong quá trình cố gắng, điều này sẽ khiến trẻ không còn tự tin để làm việc khác nữa.

Bạn có thể thay đổi cách nói khiến con mình thông minh và tự tin hơn, chẳng hạn như "con có thể thử", "mẹ luôn ở bên con", v.v.

4. “Nhìn con nhà người ta kìa”

Đây là vấn đề chung của rất nhiều bậc cha mẹ, khi con mình làm điều gì không vừa ý, họ thường so sánh với con nhà người khác. Con nhà người khác bao giờ cũng hoàn hảo và giỏi giang nhất. 

Thực ra, hết lần này đến lần khác nói câu “nhìn con nhà người ta”, nỗi đau trong lòng đứa trẻ cứ thế tăng lên, có lẽ ở một mức độ nào đó, trẻ thực sự không muốn có động lực để tiến về phía trước bởi làm gì cũng thua kém người ta mà thôi.

Trên đời không có hai chiếc lá giống nhau, con người đều có điểm mạnh riêng, đừng luôn so sánh điểm mạnh của người khác với điểm yếu của mình, nói ra điều này sẽ không có tác dụng tốt, ngược lại sẽ khiến trẻ càng thêm tự ti, hèn nhát.

5. "Mẹ sẽ mua cho con cái này nếu con ngoan"

Nhiều bậc cha mẹ luôn nói: “Nếu con ngoan ngoãn nghe lời, mẹ sẽ mua đồ chơi cho con”. Câu nói này rất hiệu quả, khiến trẻ ngoan ngoãn ngay lập tức. Trên thực tế, khi cha mẹ luôn thoả hiệp hết lần này tới lần khác, dùng giao dịch để yêu cầu con cái làm theo ý mình, sau này khi làm bất cứ điều gì trẻ sẽ ra điều kiện cho cha mẹ.

Ví dụ: “Mẹ ơi, nếu con đi ngủ đúng giờ, ngày mai mẹ sẽ mua xe cho con nha”. Lúc này, bạn sẽ đột nhiên phát hiện ra rằng, con cái làm chuyện gì cũng mặc cả với mình.

Trên thực tế, cha mẹ cũng có thể giáo dục con cái bằng cách kể chuyện, chơi trò chơi, hướng dẫn và khuyến khích chúng, chỉ cần kiên nhẫn một chút sẽ nhận được những kết quả bất ngờ.

6. "Ai bảo không chịu nghe lời mẹ, giờ thì quá muộn rồi”

Trong kỳ thi cuối kỳ, một học sinh đứng đầu lớp không được điểm cao nên về nhà mẹ mắng: “Ai bảo mày không chịu khó học, bây giờ đã muộn rồi, nói không chịu nghe”. Câu nói này khiến đứa trẻ rất khó chịu.

Trong khi đó, một học sinh khác học lực trung bình, dù điểm kiểm tra kém nhưng luôn được mẹ quan tâm, chỉ bảo tận tình, dặn dò lần sau phải chú ý hơn, cuối cùng tiến bộ rất nhanh, trở thành học sinh giỏi của lớp.

Trên thực tế, phương pháp giáo dục bằng ngôn ngữ của cha mẹ đối với con cái rất quan trọng. Khi trẻ mắc lỗi, điều trẻ cần là sự đồng hành, thấu hiểu và bao dung, nếu lúc này cha mẹ không bình tĩnh mà đổ lỗi cho con, con cái sẽ sa sút tinh thần, không muốn vực dậy.

Cha mẹ phải hết sức lưu ý trong quá trình dạy dỗ, lời nói và việc làm của chúng ta đều ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành của con cái.

Nguồn: [Link nguồn]

4 câu nói này của cha mẹ chính là “phao cứu sinh” mỗi khi trẻ giận dữ, mất bình tĩnh

Trong quá trình trưởng thành của trẻ, việc trẻ mắc lỗi là hết sức bình thường. Trong tình huống này cha mẹ cần biết xử trí đúng đắn để không ảnh hưởng đến tâm lý...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo THUỲ LINH (Theo Aboluowang) ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN