Xôn xao việc Cục NTBD gây khó khăn việc cấp phép nhạc Bolero
Thực hư việc cơ quan quản lý là cục NTBD cố tình gây chậm trễ khi cấp giấy phép các ca khúc nhạc Bolero là như nào và có gì “uẩn khúc” trong việc cấp giấy phép nhạc xưa?
Thời gian gần đây, nhiều đơn vị nghệ thuật “phàn nàn” rằng, khi họ muốn tổ chức biểu diễn các ca khúc nhạc xưa thì thường bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) “gây khó dễ” khi làm các thủ tục cấp phép, khiến cho nhiều chương trình biểu diễn bị chậm trễ hoặc các MV phải dừng sản xuất để… chờ đợi giấy phép lưu hành.
Thời gian gần đây, các ca khúc nhạc xưa được nhiều người yêu thích và tìm nghe nên các chương trình về nhạc xưa (Bolero) được nở rộ như: Solo cùng Bolero, Tình Bolero 2016…
Vậy thực hư việc cơ quan quản lý là cục NTBD cố tình gây chậm trễ khi cấp giấy phép các ca khúc nhạc Bolero là như nào và có gì “uẩn khúc” trong việc cấp giấy phép tưởng chỉ là một thủ tục hành chính bình thường ấy?
Nhiều người bị vướng “bẫy” bài hát xưa…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên thị trường âm nhạc Việt Nam có gần 2.500 bài hát nhạc xưa được cấp phép biểu diễn. Nhạc sỹ Duy Minh cho biết, số lượng ca khúc cấp phép này chỉ là “giọt nước nhỏ” trong biển ca khúc Bolero sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam và trước năm 1954 tại miền Bắc. Theo nhạc sỹ Duy Minh, hiện nay nhiều khán giả thích nghe các ca khúc nhạc xưa, thì cũng là một cơ hội tốt để phổ biến những bài hát Bolero tưởng rất kén khán giả ấy.
Nhạc sỹ Lê Long chia sẻ: “Cách đây một vài năm, Cục NTBD có đi thu thập các bài hát nhạc xưa được sáng tác trước năm 1975 để xét duyệt và công bố “chỉ số an toàn” của các ca khúc này, để mọi người biết mà sử dụng. Việc làm này đã làm cho việc cấp phép biểu diễn các ca khúc nhạc Bolero được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc cấp phép này rất nhỏ giọt và khó khăn, các thủ tục hành chính về việc cấp phép này cũng không “thuận buồn xuôi gió, thời gian cấp duyệt cũng kéo dài hơn …”.
Quý Bình song ca tình cảm bên doanh nhân Việt Hòa trong chương trình Tình Bolero 2016
Nhạc sỹ Lê Long cho biết thêm, vào tháng 6/2012, ca sỹ Vi Thảo và Công ty Phương Nam Film phát hành album Chuyến tàu đêm được một tháng thì bị cục NTBD ra văn bản thu hồi, lý do là ca khúc Tàu đêm năm cũ trong album có một số ca từ chưa phù hợp. Công ty Phương Nam Film đã phải chủ động gom về toàn bộ số album chưa phát hành. Sau nhiều nỗ lực cũng như đầu tư hơn 100 triệu đồng cho album, thì ca sỹ Vi Thảo đã phải “làm lại” từ đầu sau sự cố trên và đành gác lại dự định làm thêm album Bolero nữa vì quá nhiều ách tắc trong thủ tục xin cấp phép các bài hát nhạc xưa.
Hà Ngân – một thí sinh tham gia chương trình Tình Bolero 2016 cho biết: “Nhiều thí sinh đã chọn giải pháp an toàn là hát những ca khúc đã được Cục NTBD cấp phép, thay vì hát những ca khúc mới và đi xin giấy phép, vì mọi người đều “đồn thổi” nhau rằng, việc cấp phép ca khúc mới rất khó khăn và thời gian kéo dài. Kho bài hát cấp phép thì chỉ có thế, nhiều lúc muốn tìm những ca khúc mới nhưng nhiều người sợ bị làm khó nên chỉ hát đi hát lại nhưng ca khúc cũ mà thôi…”.
Ca sĩ hát trong chương trình Tình Bolero 2016
Nhạc sỹ Duy Minh cho biết thêm: “Nhạc Bolero là những bài hát sáng tác trước năm 1975 được phổ biến tại miền Nam và những bài hát sáng tác trước năm 1954 tại miền Bắc đang được ca sỹ hiện nay sử dụng trình diễn trên các sân khấu ca nhạc và sản xuất đĩa nhạc. Những bài hát ấy được sử dụng nhiều vì nhiều người có nhu cầu nghe và thưởng thức nhạc xưa. Tuy nhiên, do mù mờ về lai lịch của nó nên nhiều ca sỹ đã bị vướng vào “bẫy” những bài hát chưa được cấp phép biểu diễn, hay có ca từ nhạy cảm. Việc các cơ quan chức năng như cục NTBD thận trọng trong việc cấp phép các bài hát nhạc xưa ấy là chuyện bình thường, vị họ cần phải thẩm định nội dung, lai lịch bài hát ấy nữa chứ. Thậm chí, có những bài hát đã cấp phép biểu diễn những lại bị thu hồi lại là chuyện không có gì lạ…”.
Sẽ cấp phép trong danh sách bài hát đã thẩm định?
Theo đó, một số ca khúc đã từng được Cục NTBD cấp phép nhưng đã bị thu hồi lại như: Ai biểu anh làm thinh (Trầm Tử Thiêng), Rừng xưa (Lam Phương), Tình bơ vơ (Lam Phương), Hạnh phúc đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Tàu đêm năm cũ (Trúc Phương), Cánh thiệp đầu xuân (Minh Kỳ - Lê Dinh), Còn chút gì để nhớ (Phạm Duy - thơ: Vũ Hữu Định...
Tuy nhiên, những bài hát này sau khi được cơ quan chức năng cấp phép phổ biến đã được các ca sỹ ghi âm và làm MV cầu kỳ, nên dù có quyết định thu hồi hay tạm ngưng thì sản phẩm ghi âm này đã được đưa lên mạng, được phổ biến qua các phương tiện nhạc số.
Chính vì những bấp cập này mà nhiều ca sỹ, thí sinh tham gia biểu diễn, ghi danh trong các chương trình hát Bolero cũng khó mà biết “đường nào mà lần”, chỉ khi bị “tuýt còi” mới “giật mình” biết là bài hát đã bị thu hồi.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục NTBD cho biết: “Việc thẩm định và cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 phải tuân theo quy định của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu.
Theo đó, tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phải nộp hồ sơ đến Cục NTBD để xin cấp phép phổ biến. Sau khi có đơn đề nghị của đơn vị sử dụng xin cấp phép phổ biến, Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ thành lập hội đồng nghệ thuật của cục. Các thành viên này sẽ nghe, xem, đọc, phân tích và cho ý kiến đối với ca khúc. Nếu thấy cho phép phổ biến được thì có biên bản, sau đó căn cứ vào biên bản đó để ra quyết định cho phổ biến…”.
Ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục NTBD
Trước câu hỏi vì sao nhiều ca khúc đã từng được Cục NTBD cho phép phổ biến, nhưng sau đó bị thu lại, thì lý do ở đây là gì, ông Nguyễn Đăng Chương lý giải: “Ở Cục Điện ảnh, khi duyệt phim chiếu ra rạp thì hội đồng duyệt phim gồm nhiều thành viên đến từ nhiều đơn vị nghệ thuật thậm chí, cả những đạo diễn gạo cội nên việc thẩm định được chính xác và chuẩn chỉ hơn. Đối với việc thẩm định bài hát Bolero ở Cục NTBD thì hơi khó, vì hội đồng thẩm định bài hát nhạc xưa không có mặt của cơ quan an ninh văn hóa hay phía Hội Nhạc sỹ Việt Nam, các nhạc sỹ gạo cội, nên đã xảy ra các trường hợp sai sót là bài hát được phép phổ biến nhưng sau khi thậm định thấy chất lượng không ổn thì bị thu lại... Đây cũng là một bất cập mà trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện”.
Trước thông tin Cục NTBD gây khó dễ cho nhiều đơn vị nghệ thuật khi đến xin giấy phép phổ biến nhạc xưa, Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương khẳng định: “Không cho chuyện Cục NTBD dây khó dễ khi cấp phép bài hát Bolero, không thể có chuyện những tác phẩm hay lại bị cấm, chúng tôi không làm chuyện vô lý như vậy. Nếu những bài hát ấy nằm trong danh sách bài hát được phép phổ biến thì chúng tôi sẵn sàng cho biểu diễn. Nhiều người hiểu lầm là Cục NTBD khắt khe, làm khó đơn vị biểu diễn nghệ thuật, ca sỹ hát nhạc xưa có thể vì việc cấp phép này chưa được nhiều, chưa thường xuyên…”.