Nhạc sĩ "Nhật ký của mẹ": Phim "Quỳnh búp bê" đến giờ chưa trả tác quyền

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói lên những bất cập trong việc "xài chùa" các ca khúc tới khi bị phát hiện chỉ quay ra xin lỗi.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng, do nhiều thế hệ hát như Nhật ký của mẹ, Bay giữa ngân hà, Cám ơn chú bộ đội, Vui đến trường, Chiếc khăn gió ấm, Mùa đông không lạnh, Chuyện tình dưới mưa...

Mới đây, ca khúc Nhật ký của mẹ do anh sáng tác và đăng ký tác quyền lại bị sử dụng trong một tập phim của Quỳnh búp bê nhưng không xin phép. Sau đó, đạo diễn Mai Hồng Phong và đại diện của VFC đã gọi điện thoại xin lỗi và hứa sẽ thực thi nghĩa vụ tác quyền với ca khúc này.

Ca khúc "Nhật ký của mẹ" - Sáng tác: nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Bên cạnh đó, không ít trường hợp ca sĩ, chương trình "xài chùa" ca khúc đã đăng ký bản quyền mà không xin phép. Đơn cả như trường hợp nam ca sĩ Bùi Anh Tuấn gần đây không xin phép khi hát ca khúc Hãy yêu anh của nhạc sĩ Lê Phương đã đăng ký bản quyền. Khi nhạc sĩ phát hiện ra, Bùi Anh Tuấn nói lời xin lỗi và mong nhận được sự thông cảm của tác giả.

Vấn đề tác quyền với ca khúc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại thị trường âm nhạc Việt Nam. Nói về vấn đề này, nhạc sĩ Nhật ký của mẹ chia sẻ những điều còn bất cập cũng như thực tế về khoản thu của anh nhờ vào việc thực thi tác quyền âm nhạc.

Nhạc sĩ "Nhật ký của mẹ": Phim "Quỳnh búp bê" đến giờ chưa trả tác quyền - 1

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sở hữu nhiều bài hát tạo "hit"

Thói quen xài chùa vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người

- Anh nghĩ sao về hiện trạng vẫn còn nhiều ca sĩ hát nhạc không xin phép, tới khi nhạc sĩ phát hiện ra thì lên tiếng xin lỗi cho qua chuyện?

- Trước đây và hiện tại có khá nhiều trường hợp như vậy, trước kia thì có thể lấy lý do là "chưa biết rõ về quyền tác giả" hoặc "không biết cách liên lạc với tác giả" và xin lỗi cho qua chuyện! Nhưng bây giờ, sau bao nhiêu vụ lùm xùm trên mặt báo, và nhất là chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, thì những lý do trên không còn hợp lý nữa, mà lý do chính là "thói quen xài chùa vẫn còn in đậm trong tâm trí" của mỗi cá nhân, hoặc các đơn vị sản xuất.

Hiện nay, luật pháp quy định rõ ràng về Luật bản quyền và Luật sở hữu trí tuệ, bất cứ ai có những sản phẩm sáng tạo đều được Pháp luật bảo vệ và giới nhạc sĩ thì uỷ thác cho 1 đơn vị là Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Âm Nhạc Việt Nam đại diện để thực thi quyền lợi của mình!

Nhạc sĩ "Nhật ký của mẹ": Phim "Quỳnh búp bê" đến giờ chưa trả tác quyền - 2

Xài chùa các ca khúc đã đăng ký bản quyền là chuyện vẫn xảy ra trên truyền hình thực tế Việt Nam

- Không ít khán giả cảm thấy bức xúc vì tình trạng xài nhạc chùa hiện nay của nhiều chương trình truyền hình, phim truyện lẫn các ca sĩ. Anh nghĩ cơ quan quản lý văn hóa cần phải có thêm động thái nào để hạn chế vấn nạn này?

- Các cơ quan quản lý văn hoá nhiệm vụ chính là quản lý và cấp phép các tác phẩm văn hoá, các chương trình, các hoạt động biểu diễn văn hoá văn nghệ là chính. Trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho các nhạc sĩ, các nhà sáng tạo vẫn còn bỏ ngỏ và chưa thật sự được quan tâm đúng mức.

- Luật Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay, theo anh đã chuẩn chưa? Và vì sao nhiều người, nhiều đơn vị vẫn vi phạm mà không bị xử lý?

- Luật thì chuẩn, nhưng các đơn vị thi hành Luật thì chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các nhạc sĩ, các thủ tục kiện cáo rất phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Điều này gây sự lo ngại và phiền phức cho đa số nhạc sĩ, nên hầu như ai cũng tặc lưỡi cho qua, để dành thời gian làm việc khác.

Ngoài ra, chưa có các biện pháp quyết liệt ép buộc bên sai phải nhanh chóng xử lý sai phạm, hầu như chỉ xử đúng sai là xong, còn bên sai thi hành hay không, trong bao lâu thì không ai quản được.

Có khi nhận được hơn 600 triệu đồng tiền tác quyền nhưng nhiều lúc tặng miễn phí

Nhạc sĩ "Nhật ký của mẹ": Phim "Quỳnh búp bê" đến giờ chưa trả tác quyền - 3

Ca khúc "Nhật ký của mẹ" mang về nhiều giá trị tác quyền cho nhạc sĩ sáng tác

- Khi làm việc, ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội (VCPMC) thu tiền tác quyền các ca khúc do anh sáng tác, số tiền mỗi năm anh nhận được khoảng bao nhiêu?

- Năm ngoái, số tiền tôi nhận được từ VCPMC là hơn 600 triệu đồng, con số ấy tăng qua từng năm do mở rộng thu nhiều lĩnh vực hơn và nhiều đơn vị hơn.

Dần dần, Trung tâm trở thành 1 nơi đáng tin cậy cho hàng ngàn nhạc sĩ Việt Nam trên khắp đất nước và cả ở nước ngoài, kể cả những cố nhạc sĩ, số tiền tác quyền họ nhận được vẫn được trao trả về gia đình của họ.

- Trên trang cá nhân, anh chia sẻ có nhiều người quen hoặc đơn vị sản xuất xin phép anh sử dụng bài hát, anh đồng ý và cho sử dụng miễn phí. Sự khác biệt giữa việc một nhạc sĩ cho phép sử dụng tác phẩm phi lợi nhuận với tính phí là gì?

- Đó là quyền tự do của mỗi nhạc sĩ. Trên nguyên tắc, cứ dùng tác phẩm của nhạc sĩ nào là phải trả tiền! Xem tivi, lướt web, hát karaoke, ghi âm, ghi hình, biểu diễn, bật tại nhà hàng, khu vui chơi, ghép vào phim, vào chương trình, vào clip đăng trên You Tube... cứ dùng là phải trả tiền, và số tiền ít hay nhiều đều có hạn mức quy định trong bản thoả thuận giữa các nhạc sĩ với Trung tâm tác quyền được tham khảo trên Luật bản quyền và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bản thân mỗi nhạc sĩ đều có quyền hạn cao nhất với mỗi tác phẩm của mình. Họ có quyền cho không, hoặc có quyền đề nghị VCPMC thu mức cao gấp đôi barem giá cơ bản.

Về cá nhân tôi, tôi luôn ủng hộ những chương trình nhân văn, từ thiện, phi lợi nhuận, có giá trị xã hội, và các mối quan hệ anh em rất thân thiết nên tôi sẽ miễn tác quyền trong những trường hợp đó.

Nhạc sĩ "Nhật ký của mẹ": Phim "Quỳnh búp bê" đến giờ chưa trả tác quyền - 4

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ hình ảnh chụp với nghệ sĩ Hồng Vân. Cô là người đã hát ca khúc "Nhật ký của mẹ" trong ngày cưới của con gái.

Phim "Quỳnh búp bê" vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tác quyền với ca khúc "Nhật ký của mẹ"

- Một số nhạc sĩ đã rút các tác phẩm của mình khỏi VCPMC vì vấn đề thu-chi tiền tác quyền âm nhạc thiếu minh mạch. Bản thân anh thấy sao về vấn đề này?

- Nói thẳng, đó là do động cơ cá nhân riêng của họ. Tôi biết có một số trường hợp như vậy, và họ tự đứng ra thành lập 1 đơn vị thu tác quyền riêng của họ, nhưng sau một thời gian không trụ nổi lại quay về VCPMC.

Thậm chí, tôi biết họ còn chèo kéo một số nhạc sĩ khác ký với họ. Thế nhưng qua 1 thời gian, người ta thấy hoạt động không hiệu quả lại quay về với VCPMC.

Đơn cử như gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sau 1 thời gian uỷ thác cho các đơn vị ngoài lề, họ đã quay lại với VCPMC và càng ngày càng tin tưởng hơn khi mỗi quý, số tiền của bác cao nhất hiện nay, gấp 3 lần số tiền của người đứng thứ 2.

Nhạc sĩ "Nhật ký của mẹ": Phim "Quỳnh búp bê" đến giờ chưa trả tác quyền - 5

Quỳnh "búp bê" hát ca khúc "Nhật ký của mẹ" trong một cảnh quay

- Bộ phim Quỳnh búp bê đã sai sót khi sử dụng ca khúc “Nhật ký của mẹ “do anh sáng tác mà chưa xin phép. Ngoài chuyện xin lỗi, vấn đề thanh toán theo nghĩa vụ tiền tác quyền đến nay đã được giải quyết cho anh hay chưa?

- Tôi không muốn nói nhiều đến đơn vị này, vì tôi đã uỷ thác cho VCPMC làm việc từ sau lùm xùm hôm trước. Và theo như lời của đại diện bên VCPMC mới thông báo cho tôi chiều ngày 6.11 thì đến giờ họ vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ ấy.

- Cám ơn anh về những chia sẻ!

Phim 18+ ”Quỳnh búp bê” bất ngờ bị khiếu nại vi phạm bản quyền

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khiếu nại phim vi phạm quyền tác giả đối với ca khúc của anh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Vũ ([Tên nguồn])
Hậu trường những ngôi sao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN