Lỗi ngớ ngẩn cười chảy nước mắt trong phim Việt

Câu chuyện “sạn” trong phim ảnh vốn là đề tài không mới trong làng điện ảnh từ trước tới nay. Nhưng đáng nói, dường như các nhà làm phim không quan tâm nhiều đến điều này.

“Sạn” trên phim liên tục lặp lại

Mới đây, phim cổ trang Trần Trung kỳ án khiến nhiều người không khỏi bật cười bởi một phân cảnh bà con dân làng xếp hàng, chờ đón kiệu Trạng Nguyên vinh quy bái tổ, một diễn viên quần chúng đã vô tư rút điện thoại di động ra chụp ảnh. Thế nhưng, lỗi này không được êkíp hậu kỳ phát hiện để chỉnh sửa mà vẫn để nguyên lên sóng truyền hình.

Trước đó, bộ phim Thề không gục ngã của đạo diễn Minh Cao cũng bỗng… nổi tiếng vì sử dụng hình ảnh ca sĩ Chang Min - thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc DBSK làm di ảnh. Vụ việc khiến các fan rất bức xúc và phản ứng gay gắt khiến đạo diễn và nhà sản xuất phim phải xin lỗi khán giả. Êkíp thông tin sẽ chỉnh sửa, cắt bỏ tất cả các phân đoạn có hình ảnh thờ của nghệ sĩ này từ tập 2 trở đi và chỉnh sửa tập 1, đồng thời khẳng định việc này gây bất lợi cho phim nhưng chấp nhận sửa lỗi.

Lỗi ngớ ngẩn cười chảy nước mắt trong phim Việt - 1

Một diễn viên quần chúng vô tư dùng điện thoại chụp ảnh trong phim “Trần Trung kỳ án”

Đó là phim truyền hình, với riêng phim chiếu rạp lỗi ngớ ngẩn cũng không thua kém. Phân cảnh Tấm cưỡi ngựa chạy dọc bờ đê có con mương được xây bê tông trong phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể của đạo diễn Ngô Thanh Vân; Phim Dạ cổ hoài lang đã gây chú ý khi bị khán giả phát hiện sử dụng ảnh bà Tống Mỹ Linh, vợ của Tưởng Giới Thạch để làm di ảnh. Ngay sau đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã lên tiếng nhận lỗi và cho biết, anh đã yêu cầu thiết kế dùng hình diễn viên của phim và photoshop sao cho ra hình thờ xưa và nhìn phúc hậu vì không muốn dùng hình người thật và bất kỳ ai. Nhưng khi xảy ra sự việc, nhóm thiết kế đã thừa nhận dùng hình mặt diễn viên áp vào một khung hình có ảnh thờ mà họ tìm trên mạng.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết, ngay khi nhận được thông tin về sự cố di ảnh trong phim Dạ cổ hoài lang, anh và nhà sản xuất đã nghĩ tới việc phải xin sửa. Tuy nhiên, việc này có những cái khó vì nếu muốn sửa phải xem có thể đổi được bản ở rạp không. Việc thay hàng trăm ổ cứng ở các rạp chiếu phim trên toàn quốc là điều khó và tốn kém. Ngoài ra, anh còn phải làm công văn để xin Cục Điện ảnh cho chỉnh sửa và đổi bản phim, khi Cục Điện ảnh đồng ý mới có thể đổi được, nếu không phải dừng bản chiếu để duyệt lại. “Việc chỉnh sửa chỉ mất khoảng 2 - 3 ngày. May mắn là trong việc này, Cục Điện ảnh rất chia sẻ với êkíp. Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ của nhà sản xuất trong việc chỉnh sửa hậu kỳ nên mọi việc cũng không quá khó khăn”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ.

Thiếu chuyên nghiệp

Lỗi ngớ ngẩn cười chảy nước mắt trong phim Việt - 2

Lỗi trong phim Dạ cổ hoài lang

Sự việc lần này là hy hữu và ngoài mong muốn, nhưng theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, điều này không chỉ giúp anh mà còn nhiều người khác rút được kinh nghiệm trong quá trình làm phim. Anh thừa nhận, trong nhiều khâu thực hiện, các nhân viên còn vô tư, chưa có ý thức trong làm việc chuyên nghiệp. Anh cho biết: “Ở nước ngoài, mỗi tổ có hợp đồng riêng về trách nhiệm làm việc, còn ở mình đạo diễn chịu trách nhiệm chung hết. Nhưng đúng là nhân viên của mình thì mình phải chịu trách nhiệm, lỗi của mình thì mình nhận và sửa lỗi”.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn nhìn nhận, mắc những lỗi cơ bản đã thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của một số người làm nghề. Ông khẳng định, trong một nền điện ảnh mới phát triển nhưng vẫn thiếu chuyên nghiệp thì những chuyện này xảy ra cũng là điều dễ hiểu.

“Thông thường, với những ảnh thờ thì sẽ dùng chính ảnh của diễn viên đóng vai nhân vật đó. Còn với những nhân vật không có lý lịch cụ thể, không xuất hiện trong phim thì họa sĩ sẽ vẽ bịa ra hình ảnh một ai đó. Hiện nay, các bộ phim thường làm trong thời gian khá gấp rút nên việc cân nhắc, tính toán sao cho phim hay, đúng, chính xác… chưa được đảm bảo. Quan trọng nhất vẫn là mọi người cần làm việc có trách nhiệm hơn, tập trung cao hơn cho công việc của mình”, đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ.

Một họa sĩ thiết kế nổi tiếng (xin giấu tên) cho biết, hiện nay bất cứ thứ gì cũng có thể lấy trên mạng, nhưng sử dụng như thế nào mới là vấn đề. Như hình ảnh, nếu lấy trên mạng rồi chỉnh sửa, người khác không phát hiện ra sẽ vô hại. Nhưng nếu bê nguyên xi hình ảnh về để sử dụng lại là chuyện khác, đó là sự thiếu hiểu biết về chuyên môn, coi thường khán giả. Theo ông, làm đạo cụ trong phim không đơn thuần chỉ là cho có mà cần phải có tâm, có hiểu biết. Không ít người luôn chỉ muốn làm cho nhanh và quen ăn sẵn. “Như việc dùng ảnh thờ, đúng ra, sử dụng bất cứ thứ gì cũng phải xin phép. Ở nước ngoài làm phim, dù không sử dụng cả bản nhạc nhưng vẫn phải thanh toán tiền bản quyền. Còn ở nước mình, mọi người quen xài chùa rồi, không quan tâm nhiều đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Nói chung, cũng do nhiều người làm phim hiện nay đều là dân tay ngang, những người có chuyên môn rất ít nên mới xảy ra nhiều lỗi ngớ ngẩn đến thế”, ông nói. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ An (Báo Giao Thông)
Hậu trường phim Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN