Điểm danh những thương hiệu "hốt bạc" của “ông hoàng phim kinh dị”

Đối với “ông hoàng kinh dị” Blumhouse, những phần phim nối dài nhau trở thành thương hiệu hốt triệu đô.

Các phần phim nhiều phần có thể là mảnh đất hứa đối với các nhà làm phim, tuy nhiên cũng có thể trở thành “cái bẫy” đầy rủi ro về doanh thu tại rạp. Tuy nhiên đối với “ông hoàng kinh dị” Blumhouse, nhiều khi từ một phần phim gốc thành công và ý tưởng độc đáo là có thể “hô biến” thành các loạt phim “hốt vàng hốt bạc” mà vẫn khiến khán giả thích thú. Nhân dịp tác phẩm mới nhất của hãng là Happy Death Day 2U (Tựa Việt: Sinh Nhật Chết Chóc 2) sắp ra rạp vào dịp lễ tình nhân tới đây, hãy cùng điểm lại top 3 thương hiệu phim kinh dị nhiều phần của xưởng Blumhouse đã đạt được thành công phòng vé đầy ngưỡng mộ.

Happy Death Day

Câu chuyện về một cô nàng phát hiện ra mình bị mắc kẹt trong vòng lặp thời gian ngày sinh nhật và đến tối thì bị một tên sát thủ bí ẩn giết chết chỉ để sáng tỉnh dậy thấy mọi thứ y nguyên như vậy trong Happy Death Day (2017) đã thu hút được lượng khán giả không hề nhỏ. Bộ phim với kinh phí 4,8 triệu USD để Blumhouse đã xuất sắc cạnh tranh tại rạp chiếu và đem về doanh thu toàn cầu lên tới 125,5 triệu USD – gấp 26 lần chi phí sản xuất ban đầu.

Điểm danh những thương hiệu "hốt bạc" của “ông hoàng phim kinh dị” - 1

Kẻ sát nhân mang mặt nạ gương mặt trẻ con kỳ bí chính là điểm thu hút của bộ phim.

Ngoài một ý tưởng khá mới mẻ cùng chút hoài cổ gợi nhắc tới các tựa phim kinh dị slasher (giết người hàng loạt) kinh điển như Groundhog Day hay Scream, Happy Death Day còn có thời điểm ra mắt “vàng” khi đổ bộ phòng vé vào đúng vào dịp lễ ma quỷ Halloween trong tháng 10. Bộ phim trở thành tác phẩm thứ 9 của Blumhouse mở màn với vị trí quán quân phòng vé, cũng là phim thứ 14 của hãng phim kinh dị kinh phí thấp này đạt mốc 100 triệu USD.

Điểm danh những thương hiệu "hốt bạc" của “ông hoàng phim kinh dị” - 2

Nhận thấy sức hút của “con gà đẻ trứng vàng” mang tên Happy Death Day, hãng phim Universal và Blumhouse quyết định chính thức đưa kẻ sát nhân đeo mặt nạ kì dị tưởng như đã chết tái xuất bằng chính vòng lặp thời gian trong phần 2 này.

Luôn biết cách làm mới và tạo bất ngờ cho khán giả, xưởng phim Blumhouse đã ấn định ngày khởi chiếu cho phần hậu truyện của Happy Death Day với tựa đề Happy Death Day 2U vào dịp lễ tình nhân năm nay. Tiếp tục kể câu chuyện của cô nàng “ong chúa” Tree Gelbman (Jessica Rothe), tưởng như sẽ được yên ổn sau khi đã tiêu diệt được kẻ sát nhân luôn đeo bám thì nay cô phát hiện ra mình bị mắc kẹt trong vòng lặp thời gian quái ác một lần nữa. Với phần kịch bản tiếp nối câu chuyện hấp dẫn từ phần 1, Happy Death Day 2U được kỳ vọng sẽ tiếp tục là một phần phim thành công của xưởng Blumhouse.

Paranormal Activity (6 phần)

Một trong những thương hiệu không thể không nhắc tới của Blumhouse khiến nhiều người mất ăn mất ngủ là Paranormal Activity khi đây là loạt phim kinh dị đúng chất “ngon, bổ, rẻ” nhất. Lấy bối cảnh đơn giản bên trong căn hộ của các gia đình, 6 phần Paranormal Activity khám phá những sự kiện siêu nhiên đáng sợ không thể giải thích nổi. Ngoài việc tiết kiệm không gian bối cảnh quay, các phần phim của Paranormal Activity còn chẳng cần thuê các ngôi sao nổi tiếng mà lựa chọn các gương mặt mới thay thế, cùng hiệu ứng máy quay cầm tay vừa rung lắc vừa tối khiến bộ phim giống như một đoạn phim tài liệu rùng rợn về những thứ xảy ra trong căn nhà của bạn.

Đạo diễn Oren Peli đã quay Paranormal Activity trong 7 ngày tại nhà riêng của mình với ngân sách chỉ 15.000 USD. Tuy nhiên, với độ hot của mình, bộ phim đã thu về 193 triệu USD trên toàn thế giới, điều này đã thúc đẩy nhà sản xuất làm thêm các phần tiếp theo. 5 phần sau của series Paranormal Activity hiện đã thu được tổng cộng 890,5 triệu USD trên toàn thế giới.

Điểm danh những thương hiệu "hốt bạc" của “ông hoàng phim kinh dị” - 3

Paranormal Activity là cái tên quen thuộc đối với các fan hâm mộ phim kinh dị với nhiều phần phim ra mắt kể từ năm 2009 đến nay. 

Insidious (4 phần)

Bốn phần phim của Insidious từ năm 2011 tới năm 2018 đã đem về cho Blumhouse gần nửa tỉ đô (539 triệu USD) từ nguồn kinh phí sản xuất ít ỏi – chứng minh hãng phim quả là một nhà ảo thuật trong việc “hô biến” các phim kinh phí thấp thành những con gà đẻ trứng vàng tại phòng vé. Tính ra mỗi phim Insidious có doanh thu toàn cầu gấp 20 lần so với kinh phí bỏ ra – tỉ lệ “siêu lợi nhuận” mà mọi hãng phim đều mơ tới. Ấn tượng nhất phải kể tới là phần phim đầu chỉ với 1,5 triệu USD kinh phí đã thu về 97 triệu USD doanh thu.

Điểm danh những thương hiệu "hốt bạc" của “ông hoàng phim kinh dị” - 4

Nữ diễn viên gạo cội người Mỹ Lin Shaye trong phần 4 của loạt phim với tựa đề Insidious: The Last Key (2018)

Hai phần phim đầu là Insidious (2010) và Insidious: Chapter 2 (2013) được đạo diễn bởi James Wan, trong khi hai phần cuối Insidious: Chapter 3 (2015) và Insidious: The Last Key (2018) do Leigh Whannell cầm trịch. Tuy nhiên “phù thủy” James Wan cũng không vì lịch làm việc bận rộn mà bỏ rơi thương hiệu Insidious khi anh đã chịu trách nhiệm sản xuất cho cả hai phần cuối cùng. Có được sự chỉ đạo của James Wan, Insidious luôn thống nhất là một loạt phim kinh dị giải trí với “đặc sản” là các cảnh hù dọa jump-scare cùng nội dung đơn giản, dễ hiểu nhưng vẫn cực kỳ lôi cuốn khán giả.

Dựng tóc gáy với vụ án có thật phía sau phim kinh dị về ngôi nhà nổi tiếng

Tên sát nhân bị kết án 150 năm tù và hiện vẫn bị giam giữ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An An ([Tên nguồn])
Hậu trường phim Hollywood Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN