Đạo diễn Việt: Kẻ thét ra lửa hay tên bù nhìn rơm?

Một thực tế đáng buồn, nhiều đạo diễn lên phim trường chỉ để ngủ, phó mặc cho diễn viên và phó đạo diễn chỉ đạo.

Nhiều người vẫn nghĩ đạo diễn là “vua hét ra lửa” ở trường quay, nhưng thực tế họ không phải người quyết định “số phận” của bộ phim. Vậy, ai mới là người nắm giữ quyền lực thật sự?

Nhà sản xuất can thiệp thô bạo đến đạo diễn thế nào?

Thực tế, người bỏ tiền đầu tư phim mới có tiếng nói lớn nhất. Một vài đạo diễn sẽ tự “chào hàng” để làm bộ phim họ yêu thích hoặc đơn giản hơn, nhà sản xuất đã có kế hoạch làm phim và họ chỉ việc mời ai đó ngồi vào ghế đạo diễn. Dù cách hợp tác thế nào, đạo diễn cũng hoàn toàn phụ thuộc vào nhà đầu tư. Họ sẽ quyết định kinh phí, thậm chí là diễn viên chính.

Tất nhiên, một vài người sẽ đấu tranh quyết liệt nếu đó là bộ phim tâm huyết. Song, phần lớn đều phải chấp nhận thỏa thuận này để được làm phim. Và quyền hành của đạo diễn không nhiều. Về kinh phí, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cố gắng đẩy con số thấp nhất để tiết kiệm. Nhiều đạo diễn đôi khi bất lực, bởi sự eo hẹp về tiền bạc cũng đồng nghĩa với việc thiếu sự sáng tạo.

Đạo diễn Việt: Kẻ thét ra lửa hay tên bù nhìn rơm? - 1

Ngô Thanh Vân tự làm đạo diễn bộ phim Tấm Cám do chị và nhiều nhà đầu tư khác hùn vốn nhưng cũng gặp khó khăn về tiền bạc.

Về diễn viên, thường đạo diễn sẽ quyết định vì họ hiểu nhân vật nào phù hợp. Thế nhưng, hiện nay nhà sản xuất lại chi phối yếu tố này. Trước khi làm phim, họ đã nhắm đến một vài gương mặt ăn khách, không quan tâm nhiều đến yếu tố hợp vai. Còn có trường hợp, nhiều người bỏ tiền làm phim để người yêu của họ được đóng chính. Và một khi nhà đầu tư quyết định, đạo diễn sẽ phải nghe theo bởi việc thay thế đạo diễn không phải điều khó khăn.

Nếu nhìn vào số lượng học đạo diễn ở trường Điện ảnh, hoặc nhiều đạo diễn phim truyền hình cũng khát khao làm phim điện ảnh thì có không ít người dễ dàng thỏa hiệp để làm phim.

Không chỉ dừng ở đó, đơn vị sản xuất còn can thiệp vào kịch bản. Họ thường chạy theo thị hiếu của khán giả để diễn biến hoặc kết thúc làm số đông hài lòng. Không ít đơn vị còn thêm thắt, cài cắm cảnh nóng để câu khách, bất chấp sự phản đối của đạo diễn hoặc biên kịch.

Với số lượng được sản xuất đại trà, nhà đầu tư thường lo lắng phim của họ sẽ không hút khách nên sản sinh chiêu trò nhằm lôi kéo người xem. Thực tế, không ít trường hợp bất đồng, dừng hợp tác chỉ vì nhà sản xuất can thiệp thô bạo vào bộ phim của đạo diễn.

Đây là hậu quả của việc người người đổ xô vào lĩnh vực sản xuất mà không nắm được chuyên môn. Đạo diễn Charlie Nguyễn phát biểu rằng không có nhiều người sống chết chỉ để làm bộ phim họ yêu thích, mà đơn thuần chỉ vì người ta bỏ tiền làm phim để kinh doanh.

Đạo diễn Việt: Kẻ thét ra lửa hay tên bù nhìn rơm? - 2

Charlie Nguyễn nói nhà làm phim phải quyết liệt với sản phẩm của mình.

Thế nhưng, cũng có không ít vị đạo diễn nổi tiếng cứng rắn, cự tuyệt sự chi phối quá đà từ phía đơn vị sản xuất. Sau nhiều bộ phim ăn khách, Charlie Nguyễn lui về hậu trường để giúp đỡ các gương mặt trẻ tỏa sáng. Victor Vũ là một trong số ít người quyết liệt với các dự án của mình.

Xóm trọ 3D là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường. Bộ phim hài tình cảm có vốn đầu tư lên đến 10 tỷ đồng, con số làm không ít người ngạc nhiên vì so với thể loại này, nhiều phim có kinh phí thấp hơn nhiều. NSND Hồng Vân, một trong 2 nhà đầu tư cho biết Tuấn Cường rất kiên định với lập trường.

Đạo diễn Việt: Kẻ thét ra lửa hay tên bù nhìn rơm? - 3

Ở vai trò sản xuất, NSND Hồng Vân tạo điều kiện cho đạo diễn Hoàng Tuấn Cường.

Chị kể khi tìm bối cảnh, đạo diễn đã quyết định cải tạo khu ổ chuột ở quận 4, nhất quyết không thuê một xóm trọ nào đó. Vì kinh phí quá cao, xây xong lại phải đập bỏ theo yêu cầu của chính quyền nên chị từ chối. Thế nhưng, Hoàng Tuấn Cường đã thuyết phục NSND Hồng Vân đến xem và khiến chị gật đầu.

“Thậm chí, cậu ấy còn loại hết dàn diễn viên bên kịch, chỉ giữ lại Minh Nhí, Hoàng Linh và tìm kiếm gương mặt mới. Các em rất giận, trách tôi không can thiệp vì họ đã gắn bó với vở kịch này từ 3 năm nay. Tôi có nói chuyện với Cường, nhưng cậu ấy rất kiên quyết. Ngay cả vai diễn Lão Đại, Cường cũng yêu cầu tôi casting như bao người”, Hồng Vân kể.

Đạo diễn lên trường quay để ngủ?

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, tư tưởng này đã chi phối không ít đạo diễn. Với xu hướng làm phim dễ dãi sản sinh ra nhiều đạo diễn dễ dãi. Số này thường chỉ thỏa mãn hư danh, khi được gắn mác là đạo diễn điện ảnh. Còn lại, họ không quan tâm nhiều đến yếu tố sống còn hay chất lượng thật sự của bộ phim.

Có trường hợp, đạo diễn ngồi vào ghế chỉ để hợp thức hóa tên tuổi. Nghệ sĩ N.G là một ví dụ. Ông là những gương mặt lão làng trong nghề, nhưng hiện tại không còn sức sáng tạo, dùng thương hiệu để kiếm tiền. Và khi có vị đạo diễn đó, bộ phim chắc chắn sẽ có một ngôi sao ăn khách hàng đầu H.L bởi tên tuổi của họ đi liền với nhau.

Đạo diễn Việt: Kẻ thét ra lửa hay tên bù nhìn rơm? - 4

Không ít đạo diễn để mặc diễn viên muốn đóng thế nào cũng được.

Nhưng thực tế nhiều mùa Tết trôi qua, các phim của nghệ sĩ N.G đều bị chê “nhảm”. Bởi, ông gần như không có vai trò gì, mọi thứ đều phó mặc cho phó đạo diễn và diễn viên diễn thế nào cũng không quan tâm. Việc của vị này là lên trường quay, nói vài ba câu, giao việc cho mọi người rồi ngồi chơi. Khi nào mệt, lại kiếm chỗ nằm ngủ.

Với những đạo diễn “vô danh tiểu tốt”, họ sẵn sàng nghe “răm rắp” nhà sản xuất để thị uy với người khác. Không ít người tìm đủ mọi cách ngồi vào chiếc ghế đạo diễn để dùng làm vật trao đổi, đặc biệt với các gương mặt trẻ cũng đang khát khao nổi tiếng.

Số này “làm rầu” không ít những nhà làm phim thật sự.

Một cái khó khác của đạo diễn, chính là việc không có tiếng nói trên phim trường. Ngoài việc bị chi phối từ đơn vị sản xuất, họ còn chịu lép vế trước diễn viên. Đặc biệt với các đạo diễn còn trẻ, tuổi đời và tuổi nghề của họ còn thua diễn viên nên thường có trường hợp không dám góp ý kiến hay chê bai.

Kết quả, họ để mặc diễn viên diễn theo cách họ cảm nhận. Xem một số bộ phim, khán giả dễ dàng nhận ra “bàn tay” của đạo diễn nằm đâu.

Minh Nhí cho biết khi đóng Xóm trọ 3D, anh rất áp lực vì nhiều năm vắng bóng điện ảnh, sợ quen với không khí của kịch. Vì thế, anh chủ động nói chuyện với đạo diễn, nhờ Hoàng Tuấn Cường “nắn gân” nếu anh diễn quá lố.

“Đôi khi đạo diễn còn e ngại, không dám bộc lộ ý kiến vì sợ mình phật ý. Nhưng với tư cách diễn viên, tôi cần lắng nghe sự góp ý của đạo diễn để bộ phim đi đúng mạch. Một mình diễn viên không làm nên thành công của bộ phim, nó là sự đóng góp của tập thể”, nghệ sĩ Minh Nhí chia sẻ.

Sao Việt bỏ tiền túi làm phim: Mơ hão và nguy cơ sạt nghiệp

NSƯT Nguyễn Chánh Tín nhận định làm phim là giấc mơ hão huyền bởi có đến 80% xảy ra nguy cơ sạt nghiệp, thua lỗ, 20% là...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kim Chi ([Tên nguồn])
Hậu trường phim Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN