Đình làng 800 tuổi chờ “hồi sức"

Trăn trở về ngôi đình làng 800 tuổi đang xuống cấp dù vừa tổ chức lễ rước đón nhận danh hiệu Di tích Lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Ngày 17/11, người dân thôn Bồng Lai (xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, Thái Bình) tổ chức lễ rước đón nhận danh hiệu Di tích Lịch sử văn hoá cấp tỉnh cho ngôi đình làng mình. Nhưng vẫn còn đó những trăn trở về ngôi đình khoảng 800 năm tuổi đang xuống cấp.

Đình làng Bồng Lai cách TP.Thái Bình khoảng 12km. Theo các thư tịch cổ thì huyện Vũ Tiến có từ thời Hậu Lê, song đất đai, làng mạc được hình thành từ thời Lý, Trần. Đình Bồng Lai được xây dựng vào khoảng cuối đời Trần, đầu đời Hậu Lê, như vậy ngôi đình đã có tuổi thọ khoảng 800 năm. “Dựa trên những thần tích truyền đời, kể từ khi khai khẩn lập làng, lập ấp, người dân nơi đây đã quyên góp xây đình, rước Thánh Yết Kiêu về làm Thành hoàng làng, bởi khúc sông này cũng gắn bó với những chiến tích oai hùng của ngài. Ngài được phong là Tuấn Lương dực bảo trung hưng linh tế”- ông Trần Văn Rung- Phó ban Khánh tiết đình Bồng Lai cho biết.

Đình làng 800 tuổi chờ “hồi sức" - 1

Một góc ngôi đình cổ 800 năm tuổi

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình Bồng Lai là nơi các cán bộ Việt Minh địa phương hội họp, và các phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, chuẩn bị kháng chiến trường kỳ cũng đều được phát động tại đây. Đình được xây dựng theo kiến trúc chữ tam, bao gồm 3 toà: Tiền đường, trung đường và hậu cung. Trải qua thời gian vài lần đã được sửa sang, phục chế qua các triều Lê, Nguyễn, hiện, ngôi đình còn lưu giữ những đồ thờ phụng hàng trăm năm tuổi như bộ ngai mũ của danh tướng Yết Kiêu, 13 bài vị sắc phong của vua chúa các triều đại Lê, Nguyễn, kiệu võng chấp kích, cuốn thư, câu đối...

Đặc biệt gian hậu lâu có thờ một tấm bài vị lớn, luôn đóng cửa quanh năm, không ai được vào. Chỉ đến thời điểm sang canh đêm giao thừa đón năm mới, các vị trưởng lão trong làng mới mở cửa để bao sái (thay áo) cho tấm bài vị.

Ông Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch xã Vũ Tiến cho hay: “Sau khi vinh dự được công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá cấp tỉnh, chính quyền và bà con Bồng Lai rất mong muốn được Bộ VHTTDL nghiên cứu, khảo sát để trao danh hiệu Di tích Lịch sử văn hoá cấp quốc gia cho ngôi đình, để xứng đáng với công lao to lớn của danh tướng Yết Kiêu”.

Theo thời gian, hiện tại ngôi đình cổ khoảng 800 năm tuổi đang xuống cấp, nhất là khu nhà hậu lâu. Mái ngói đã quá cũ, nhiều cột gỗ đã mục ruỗng, các đồ thờ phụng trong đình trải qua thời gian cũng mối mọt, sứt mẻ. Theo ông Trần Văn Rung- Phó ban Khánh tiết đình Bồng Lai, nhiều hạng mục trong đình đã xuống cấp, dựa vào sự hảo tâm, đóng góp của người dân trong thôn nên một số hư hỏng cũng đã được khắc phục.

Tuy nhiên, vấn đề làm người dân nơi đây trăn trở nhất ngoài chuyện không đủ kinh phí sửa chữa, phục chế do đời sống người dân còn khó khăn, chính quyền địa phương hỗ trợ phần nào... thì quan trọng hơn cả là không có được những hướng dẫn cụ thể về bảo tồn, khi sửa chữa dễ dẫn đến những chắp vá, sai lệch thiết kế cổ kính của ngôi đình.

Theo ông Rung, trước sự xuống cấp theo thời gian, UBND xã Vũ Tiến đã có văn bản đề nghị lên Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình xin cấp bằng danh hiệu Di tích Lịch sử văn hoá từ năm 1991 nhằm có sự chỉ đạo, hỗ trợ trong việc sửa chữa, phục chế ngôi đình. Nhưng do điều kiện khách quan, mãi tới ngày 8/10/2013 vừa qua, người dân nơi đây mới vinh dự đón nhận danh hiệu này.

“Bà con quê hương cũng như ở nơi xa rất phấn khởi, vinh dự và tự hào cho quê hương lắm dù vẫn còn đó những lo lắng về sự xuống cấp của ngôi đình. Chúng tôi sẽ cố gắng bảo tồn cũng như duy trì sự thờ phụng chu đáo vị Thành hoàng làng và rất mong sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương, Phòng Văn hoá huyện Vũ Thư cũng như Sở VHTTDL tỉnh và các nhà hảo tâm giúp đỡ về kinh phí cũng như kỹ thuật bảo tồn cho ngôi đình”, ông Rung cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chu Hồng Châu (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN