Số phận kỳ lạ của nữ diễn viên người Việt làm con nuôi Tổng thống Pháp

Khi báo chí phương Tây gọi Hoàng Thị Thế là "công chúa Trung Hoa", bà đã tự sửa lại danh xưng thành "công chúa Hoàng Thị Thế".

Năm 1931, lần đầu tiên một người Việt Nam xuất hiện trong một bộ phim phương Tây. Đó là Hoàng Thị Thế, vào vai công chúa Li-Ti trong phim Pháp Bức thư (Le Lettre). Khi đó nữ diễn viên này đang là còn nuôi của hai người quyền lực tại Pháp: Cựu Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut và Tổng thống Pháp kiêm Toàn quyền đương nhiệm Paul Doumer.

Hoàng Thị Thế trong phim Bức thư (1931).

Hoàng Thị Thế trong phim Bức thư (1931).

Đã có rất nhiều bước ngoặt diễn ra trong cuộc đời Hoàng Thị Thế trước khi bà xuất hiện như một diễn viên có phần bất đắc dĩ nơi đất khách. Số phận kỳ lạ đưa bà trở thành nhân chứng cho những thập kỷ thăng trầm của quốc gia cũng như nhiều sự kiện lịch sử biến động ở cả Việt Nam và Pháp. Bà vốn là con gái duy nhất của Hoàng Hoa Thám, vị thủ lĩnh phong trào nông dân Yên Thế bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, người khiến thực dân Pháp phải nể sợ và nhiều lần nhượng bộ.

Một nhiếp ảnh gia người Pháp từng đến Việt Nam chụp ảnh đầu thế kỷ XX đã ghi lại nhiều bức ảnh về cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Hoàng Thị Thế xuất hiện trong một số bức ảnh, một bức hình gây ấn tượng chụp lại bà đứng hàng đầu trong nghĩa quân Yên Thế với tư thái kiêu hãnh, hiên ngang dù mới 8 tuổi.

Hoàng Thị Thế 8 tuổi đứng hàng đầu trong nghĩa quân Yên Thế. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils.

Hoàng Thị Thế 8 tuổi đứng hàng đầu trong nghĩa quân Yên Thế. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils.

Năm Hoàng Thị Thế 8 tuổi, nghĩa quân Yên Thế bị bao vây và cắt đứt tiếp tế, liên lạc. Mẹ ruột bà là bà Ba Cẩn bị bắt, về sau bị giam ở Hòa Lò rồi bị đày sang đảo Guyane, Nam Mỹ (khi đó thuộc Pháp). Bà Ba Cẩn qua đời vì bệnh lao dọc đường năm 1910. Hoàng Hoa Thám mất năm 1913, khởi nghĩa bị dập tắt sau gần 30 năm.

Hoàng Thị Thế và chị dâu bị bắt trên đường lánh nạn. Quân lính giao bà cho tên mật thám Alfred Bouchet như một món chiến lợi phẩm. Sau một thời gian, bà được gửi đến Hải Phòng, nhận sự giám hộ của nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu.

Toàn quyền Đông Dương khi đó là Albert Sarraut (làm Toàn quyền giai đoạn 1911-1914) nhận Hoàng Thị Thế làm con nuôi, đưa về Hà Nội. Lúc tròn 16 tuổi, bà được đưa sang Pháp học. Trở lại Việt Nam năm 1925 với tấm bằng tú tài, bà trở thành thủ thư của tòa Thống sứ Hà Nội và được coi là một viên chức Pháp. Bà sống tại phố Hàm Long cùng em trai Hoàng Văn Vi (Hoàng Hoa Phồn) cho đến năm 1927.

Bà Hoàng Thị Thế thời trẻ.

Bà Hoàng Thị Thế thời trẻ.

Hoàng Thị Thế trở lại Paris lần nữa. Cha nuôi bà Albert Sarraut, cựu Toàn quyền Đông Dương đã giới thiệu bà như công chúa. Trong cuốn hồi ký về thời thơ ấu, Hoàng Thị Thế cho biết thời gian này, bà đã được đưa đi gặp gỡ nhiều người, những người đó đều biết đến Đề Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Rất nhiều người đã đến để gặp gỡ giọt máu của "Hùm thiêng Yên Thế". Nhiều cựu binh, quan lại Pháp cũng nhân đó ôn lại những ký ức tang thương đẫm máu ở Đông Dương. Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương đương nhiệm là Paul Doumer đã nhận Hoàng Thị Thế làm con nuôi. 

Năm 1930, Hoàng Thị Thế nhận lời mời từ một đạo diễn Pháp vào vai công chúa trong phim Bức thư (La lettre - 1931). Báo chí Pháp gọi bà là "công chúa Trung Hoa", còn bà đã sửa tên gọi đó, tự xưng là "công chúa Hoàng Thị Thế". Về sau bà còn tham gia một số bộ phim khác như Người phụ nữ da trắng (La donna bianca), Bí mật của lục bảo (Le secret de l'emeraude).

Tháng 8/1931, Hoàng Thị Thế khi đó 30 tuổi đã làm lễ kết hôn với chú rể người Pháp 24 tuổi. Người làm chứng cho bà là cựu Toàn quyền Albert Sarraut.

Hoàng Thị Thế trong ngày cưới.

Hoàng Thị Thế trong ngày cưới.

Cùng năm đó, cha nuôi thứ hai của bà là Paul Doumer, Toàn quyền đương nhiệm lên giữ chức Tổng thống Pháp. Tháng 5/1932, Paul Doumer bị ám sát. Báo chí đưa tin Hoàng Thị Thế có mặt khi vụ ám sát diễn ra, bà là người đầu tiên sơ cứu cho tổng thống Pháp. Paul Doumer qua đời sau 2 ngày tại bệnh viện.

Hoàng Thị Thế tiếp tục ở lại Paris một thời gian dài nhưng sống khá lặng lẽ, ít tham gia hoạt động nghệ thuật và cũng ít xuất hiện trong các buổi giao lưu như trước. Bà sinh một con trai năm 1935, đến năm 1940, bà ly hôn.

Trong cuốn tiểu sử về bà do Claude Gendre viết (Hoàng Thị Thế - Con gái Đề Thám và quân bài chính trị của thực dân Pháp) có ghi lại cuộc gặp gỡ của bà với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bảo tàng Louvre năm 1920. Bà cho biết đã gặp một người Việt Nam tại đây và được hỏi về cha mẹ bà. Người nọ nói rằng: "Mọi người Việt Nam yêu nước thương nòi đều khâm phục tinh thần quả cảm, anh dũng của cụ Đề Thám và bà Ba Cẩn."

Khi Hoàng Thị Thế hỏi tên, người nọ đáp tên mình là "Nguyễn Ái Quốc".

Năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm mời Hoàng Thị Thế về Sài Gòn sinh sống với sự bảo hộ của Việt Nam Cộng hòa, nhưng bà đã từ chối. Đến năm 1961, bà về nước sau sự thuyết phục và giúp đỡ của ông Phan Kế Toại, Phó thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng từng là một vị quan cuối triều Nguyễn.

Bà có cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người nhắc lại lần gặp ở bào tàng Pháp hơn 40 năm trước. Người cũng động viên Hoàng Thị Thế viết hồi ký để lưu giữ lại câu chuyện của bản thân cũng như một thời kỳ lịch sử.

Hoàng Thị Thế sống tại Hà Nội một thời gian trong khu tập thể Văn Chương. Một thời gian sau bà chuyển về Bắc Giang vì con cháu của ông Hoàng Văn Vi, em trai bà, vẫn đang sinh sống tại đây. Năm 1963, bà viết cuốn hồi ký Kỷ niệm thời thơ ấu bằng tiếng Pháp, được nhà thơ Hoàng Cầm dịch lại. Cuốn hồi ký tiết lộ nhiều điều về cuộc sống thời thơ ấu của bà cho đến những năm tháng trưởng thành học tại Pháp, sự nghiệp diễn viên và những thăng trầm mà hậu duệ của "Hùm thiêng Yên Thế" phải trải qua trên đất khách cho đến tận ngày quay về quê hương.

Bà Hoàng Thị Thế qua đời tháng 12/1988. Bà được an táng tại Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang, nơi bà sinh ra và lớn lên, nơi bà đã tận mắt chứng kiến và trở thành một phần của cuộc khởi nghĩa Yên Thế cũng như lịch sử đầy biến động khi ấy.

Nguồn: [Link nguồn]

Hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam: Hơn nửa đời sống nơi xứ người

Mới ngoài 20 tuổi, hoa hậu Thu Trang đã nếm trải cả vinh quang lẫn tai tiếng tột cùng tưởng như quá sức chịu đựng của một người phụ nữ trẻ giữa thập niên 50 thế kỷ trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đào Hằng ([Tên nguồn])
Hậu trường những ngôi sao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN