'Cô gái vi diệu' vẫn nặng gánh lo âu dù có 100 triệu đồng

"Cô gái dân tộc" Lê Thị Dần quay về đời sống thường nhật với nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Sau khi đoạt ngôi Quán quân chương trình Thách thức danh hài với giải thưởng 100 triệu đồng, “cô gái dân tộc” Lê Thị Dần đã quay về đời sống thường nhật với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Chị tâm sự, dù số tiền thưởng đã cầm trong tay nhưng vẫn chưa dám tiêu gì, đến việc mua chiếc ti vi như dự định ban đầu lúc tham dự cuộc thi cũng chưa thực hiện được.

'Cô gái vi diệu' vẫn nặng gánh lo âu dù có 100 triệu đồng - 1

Quán quân "Thách thức danh hài" mùa - chị Lê Thị Dần 

1h sáng còn thức làm kẹo nhãn

Mới đây, gặp lại Quán quân chương trình Thách thức danh hài Lê Thị Dần trong một chương trình thiện nguyện tại Thanh Hóa, ngay lập tức chúng tôi có cảm giác ấm áp, gần gũi khi thấy chị mặc trang phục người Thái, chân trần diễn hài trên sân khấu. Bên cạnh những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng, chị Dần tỏa sáng theo cách của riêng mình như cách bà con nơi đây ví von gọi chị là “đóa hoa rừng nở muộn”.

Chị Dần tiết lộ, sau chương trình Thách thức danh hài, chị đã tham gia tiếp chương trình Đấu trường tiếu lâm. Độ “hot” của người phụ nữ chân quê khiến một vài hãng phim tìm đến ngỏ lời mời chị tham gia, nhưng chị vẫn còn cân nhắc. “Sau chuỗi ngày được mọi người quan tâm, hỏi han, chúc mừng nhiệt tình đến mức tôi chẳng làm được việc gì chỉ ở nhà tiếp khách thì bây giờ nhịp sống đã bình thường trở lại. Vợ chồng tôi cũng mới chân ướt, chân ráo từ TPHCM về sau khi thi Đấu trường tiếu lâm và cả ngày lẫn đêm lăn ra làm được mấy chục cân kẹo nhãn bán lấy tiền lo Tết. Hôm nào 1h sáng cũng còn thức để làm cho kịp đơn hàng”, chị Dần tâm sự.

'Cô gái vi diệu' vẫn nặng gánh lo âu dù có 100 triệu đồng - 2

"Cô gái dân tộc" Lê Thị Dần quay về đời sống thường nhật với nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Hỏi chị tại sao đã tiền thưởng rồi mà vẫn vất vả, chị cho biết, khi chưa nhận được giải thưởng 100 triệu đồng, vợ chồng chị và các con đều ước ao khi có tiền sẽ mua một chiếc ti vi mới để thỏa mãn sở thích xem truyền hình, nhưng đến lúc có tiền thì vẫn chưa dám mua vì gia đình còn nhiều khoản khác phải chi tiêu.

“Số tiền này, vợ chồng tôi sẽ không sử dụng một mình mà để làm từ thiện, để quyên góp xây ngôi chùa mới xây ở làng, sau đó là sửa sang lại tiệm cắt tóc đã cũ của gia đình. 100 triệu đồng là số tiền lớn với những người dân quê chúng tôi, nhưng giỏi lắm chỉ 5 lần tôi đi thi là hết sạch. Mà chương trình Đấu trường tiếu lâm còn những 14 vòng nữa cơ. Tôi không biết mình có đủ sức theo đuổi được không vì cần cả tinh thần và vật chất”, chị Dần nói.

Lần thứ hai lên đường vào TPHCM dự thi, vợ chồng chị không phải bán chó, bán lợn nữa mà số tiền tích góp được cũng đủ để mua vé máy bay. Khoản ăn uống, sinh hoạt, chị Dần cũng tính toán kĩ. Rút kinh nghiệm lần trước, chị không mang cơm nếp vì không để được lâu, thay vào đó là gói ít bánh chưng mang theo tiết kiệm chi phí để còn “trường kỳ kháng chiến”.

Phải nuôi các con trước đã

Tết năm nay, gia đình chị Dần rộn ràng hơn hẳn vì có niềm vui giải thưởng. Chị bảo, bao năm nay vì chị bận dọn dẹp nhà cửa, bán hàng nên anh Hiếu chồng chị thường dẫn con gái đi chợ sắm Tết, chọn mua những bông hoa thật rực rỡ như mang Tết sớm về nhà. Anh cũng tự tay gói bánh chưng, giã giò từ 27 Tết.

'Cô gái vi diệu' vẫn nặng gánh lo âu dù có 100 triệu đồng - 3

Vợ chồng chị Lê Thị Dần

“Bây giờ đủ ăn, đủ mặc thì mới được như thế, chứ trước đây vợ chồng tôi khó khăn lắm. Mà bà con ở huyện miền núi này cũng chẳng khấm khá hơn. Kỉ niệm thì có bao giờ kể hết được, nhưng cứ mỗi dịp gần Tết là tôi hay nhớ Tết xưa. Nhớ cái hồi mới sinh con gái đầu lòng được hơn một tháng thì đến Tết. Lúc đó, hai vợ chồng mang theo con đi làm ăn trên miền núi bồng bế nhau về quê vào đúng chiều 30. Chúng tôi không một xu trong túi vì được mấy đồng tiền đã mua vé xe về quê hết nên chẳng sắm sửa được gì. Đến quần áo muốn mua cho con đỡ tủi thì cũng không mua nổi”, giọng chị Dần ngắt quãng trong cơn xúc động.

Từ ngày vợ bỗng nhiên nổi tiếng, anh Hiếu có phần lặng lẽ hơn dù ngày ngày vẫn lên Facebook trả lời tin nhắn thay vợ, nghe điện thoại, tiếp khách giúp vợ. Người đàn ông ấy đang sống trong nỗi băn khoăn, không biết mình còn vun đắp ước mơ được đứng trên sân khấu của vợ đến bao giờ khi cuộc sống vẫn quá nhiều chật vật. Ngoài khả năng diễn hài, chị Dần còn chơi đàn guitar khá hay, hát nhạc xưa và hát cả tiếng Lào. Anh Hiếu lấy đó làm tự hào và động lực để cố gắng làm việc gấp năm, gấp mười “nuôi” vợ đi thi. Khán giả sẽ chẳng biết đến một “ngôi sao vi diệu”, “món quà thần linh” (theo cách gọi của giám khảo Trấn Thành) nếu chồng chị không hết lòng ủng hộ.

Tết xưa thiếu thốn, tủi cực đủ đường nay thấm thoắt đã thành kỉ niệm. Vợ chồng chị Dần sắp đón thêm một mùa xuân mới với bao cảm xúc, nỗi niềm của những người dân quê lần đầu tiên trong đời biết đến sự xa hoa, háo nhoáng phố phường.

Bên chảo kẹo nhãn nóng ran đặt trên bếp lửa bập bùng, cô con gái nhỏ đang học mẫu giáo của chị Dần chợt hỏi mẹ: “Ăn Tết xong, mẹ có đi thi nữa không mẹ?”. Chị trả lời con: “Có tiền mới đi thi được con ạ, nhà mình mà có đủ tiền thì mẹ mới đi. Mẹ phải nuôi các con trước đã”. Con gái chị đáp rất hồn nhiên: “Nhưng con thích mẹ đi thi, mẹ bán hết gà đi mà lấy tiền!”. Nhưng rồi cô bé chợt nhận ra, nếu nhà bán hết gà thì sẽ không còn Tết nữa!

Trong câu chuyện của mình, bên cạnh niềm chân thật, dí dỏm, chị Lê Thị Dần cũng toát lên bản lĩnh và sự tỉnh táo. Chị tâm sự: “Tôi nghĩ, giờ người ta quan tâm mình vậy thôi, chứ ai nổi tiếng cũng có thời, huống gì mình xưa nay là người nhà quê, đâu phải ngôi sao gì. Mình không cẩn thận rồi sinh ra ảo tưởng, tự mình lên mây, tự mình ngã xuống thì buồn lắm. Tôi cũng suy nghĩ kĩ rồi, mình chỉ là diễn hài phục vụ mọi người, cũng để thỏa ước mơ của bản thân”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phương ([Tên nguồn])
Thách thức danh hài Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN