"Cha đẻ" đàn mèo 2023 con

Những ngày này, ai đến làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), hẳn sẽ ngạc nhiên thích thú khi được chiêm ngưỡng hàng trăm, hàng nghìn tượng mèo ngộ nghĩnh được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát trưng bày trong không gian xưởng chế tác tại thôn Mông Phụ.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đang tiếp tục hoàn thành bộ sưu tập 2023 con mèo độc bản để chào đón năm mới. Đàn mèo độc bản

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đang tiếp tục hoàn thành bộ sưu tập 2023 con mèo độc bản để chào đón năm mới. Đàn mèo độc bản

Sau khi triển lãm “Meo” kết thúc ở TPHCM vào giữa tháng 12 vừa qua, Nguyễn Tấn Phát lập tức trở về Hà Nội, chui ngay vào xưởng để tiếp tục công việc còn dang dở. “Tôi mới chỉ hoàn thành 1.800 con mèo, phải làm nốt để kịp hoàn thành 2023 con trước Tết Nguyên đán”, anh nói, tay vẫn không ngơi đục đẽo.

Nguyễn Tấn Phát có cách làm việc khá kỳ lạ. Mỗi dịp năm mới, anh lại cho ra một bộ sưu tập con giống độc đáo bằng gỗ khảm sơn mài với số lượng khủng. Ví như để chào năm 2023, anh sẽ làm 2023 con mèo. Năm trước, anh cũng làm 2022 con hổ. Năm trước nữa, nghe đâu còn làm thừa, vượt cả con số 2021 con trâu.

“Anh có nghĩ như thế hơi phô trương?”, tôi hỏi. “Thật ra làm nhiều là tự làm khó mình. Nhưng tôi vẫn cố, không phải để khoe, mà với góc độ một nghệ nhân, tôi muốn mỗi năm đóng góp một bộ sưu tập lớn, gắn với con số ý nghĩa để thu hút người xem đương đại, cũng là cách dẫn dắt họ đến gần hơn với nghề mộc và nghề sơn mài truyền thống. Nhiều tác phẩm sẽ dễ đọng lại ấn tượng hơn là chỉ một vài”, Tấn Phát bộc bạch.

Có vẻ, “toan tính” đó của anh khá hiệu quả. Bởi đến nay, nhắc đến điêu khắc con giống khảm sơn mài là người ta nghĩ ngay đến Nguyễn Tấn Phát.

“Nhưng làm cả nghìn con, anh không sợ sao chép lại chính tác phẩm của mình?”, tôi lại hỏi. “Có thể nói mỗi “đứa con” của tôi đều là duy nhất. Với tôi, làm 2 con mèo giống nhau còn khó hơn khác nhau. Bởi không chỉ hình dáng, kích thước từng khối gỗ mà mỗi lần khảm sơn mài là đã ra một kết quả khác nhau rồi. Tôi luôn cố gắng để không bao giờ lặp lại chính mình”, Phát khẳng định.

Phải công nhận, đàn mèo của anh, dù cả nghìn con nhưng chẳng con nào giống con nào. Mỗi con một vẻ, một kích thước, dáng điệu, trên mình mang họa tiết riêng biệt… tạo nên cả đàn mèo khổng lồ đầy màu sắc. Tất cả đều được làm từ gỗ mít và đá ong, những chất liệu bản địa tại miền trung du Sơn Tây, kết hợp với nghệ thuật sơn mài thuần Việt.

Nổi bật nhất là bộ bàn ghế mang tên “Bữa tiệc ngày xuân” gồm 7 chiếc ghế khắc họa 7 con mèo khác nhau, kèm một chiếc bàn hình con cá. Trên mỗi chiếc ghế, Nguyễn Tấn Phát khéo léo lồng ghép hình ảnh con mèo trong tranh Đông Hồ. “Mèo là loài vật gắn liền với đời sống của người Việt, hình tượng con mèo trong dân gian đã mang lại cho tôi nhiều cảm hứng. Hình ảnh chú mèo con đang vui đùa trong nắng khiến tôi thấy ấn tượng”, Phát chia sẻ. Đó cũng là lý do mà đàn mèo của anh trông con nào cũng có nét vui mắt, tinh nghịch.

Để có được đàn mèo độc đáo này, Nguyễn Tấn Phát đã phải lên ý tưởng từ cuối năm 2019. “Ra được một tác phẩm mèo độc bản cũng phải mất khoảng 30 đến 40 ngày. Đầu tiên là lên ý tưởng rồi đục tượng bằng gỗ từ khúc gỗ nguyên khối (mất khoảng 1 tuần gỗ mới đảm bảo độ khô) sau đó mới mang đi làm sơn mài. Sơn mài tôi làm theo lối truyền thống có khảm chất liệu và sơn nhiều lớp khác nhau”, nghệ nhân trẻ cho biết. Bắt đầu quá trình làm sơn là khảm chất liệu, khảm vỏ trứng, khảm vỏ trai hay lá đồng, đá rồi sau đó thực hiện quét từ 7 - 10 lớp mầu rồi đến công đoạn mài. Sau đó là dán bạc lá, vàng lá, phủ phẩm, phủ sơn. Cuối cùng là thực hiện mài nhẵn và đánh bóng để hoàn thiện.

“Ngoài việc thiết kế hình dáng tổng thể, sản phẩm được sử dụng nhiều lớp sơn tạo vân màu, gần với hội họa hơn và không bị quá mỹ nghệ thì sản phẩm vẫn sử dụng chất liệu khảm truyền thống như vỏ trứng, vỏ trai nhằm giữ nét đẹp truyền thống và thân thiện với môi trường. Đây là yếu tố ghi điểm rất tốt đối với người tiêu dùng, nhất là người nước ngoài”, anh nói về cách mình đang đi.

Những chú mèo gỗ khảm sơn mài độc đáo, lấy cảm hứng từ hình tượng con mèo trong dân gian Việt Nam “Tôi là một nghệ nhân”

Những chú mèo gỗ khảm sơn mài độc đáo, lấy cảm hứng từ hình tượng con mèo trong dân gian Việt Nam “Tôi là một nghệ nhân”

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Sơn Tây, từ nhỏ, Nguyễn Tấn Phát đã đam mê hội họa. Anh có thể vẽ mọi lúc, mọi nơi, vẽ bằng mảnh ngói vỡ trên tường đất, vẽ bằng cọng que trên cát, lên mặt đường... Phát còn được theo chân ông nội đi vẽ tượng ở đền, chùa nên chất truyền thống và tình yêu văn hóa cổ dường như đã ngấm vào anh từ những ngày đó.

Rồi Phát thi đậu Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp, chuyên ngành sơn mài. Ngay khi còn là sinh viên, Phát đã làm việc cho các cửa hàng trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ ở khu phố cổ Hà Nội. Thời gian rảnh, anh về làng sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) xin học nghề từ các nghệ nhân kỳ cựu. Với Tấn Phát, ngoài chất liệu sơn bề mặt, sơn mài còn là vật liệu thuần Việt nhất, mang chất keo được lưu truyền từ đời này đến đời khác. Đó cũng là lý do anh chung thủy gắn bó với chất liệu này suốt 21 năm qua.

Lặng lẽ, tỉ mẩn sáng tác, năm 2017, tại Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”, Nguyễn Tấn Phát được vinh danh là Nghệ nhân trẻ tuổi nhất. Đến nay, sản phẩm của anh không chỉ được bày bán ở các đại lý lớn tại các khu du lịch mà còn được bán trên trang bán hàng online quốc tế như Alibaba. Tại khu nhà xưởng của Nguyễn Tấn Phát, tôi cũng phải tốn kha khá thời gian để xem hết các giải thưởng, bằng khen, giấy chứng nhận… mà anh chàng nghệ nhân trẻ đạt được trong hơn 20 năm qua.

Phải mất 1 năm trời để Tấn Phát hoàn thành bộ bàn ghế “Bữa tiệc ngày xuân”

Phải mất 1 năm trời để Tấn Phát hoàn thành bộ bàn ghế “Bữa tiệc ngày xuân”

Nguyễn Tấn Phát thích mọi người gọi mình là nghệ nhân, hơn là nghệ sĩ, dù được đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, bài bản. Bởi anh quan niệm: “Nghệ sĩ thì thường sáng tạo mang tính cá nhân, còn nghệ nhân thì mang tính cộng đồng hơn. Ở cương vị nghệ nhân, tôi thấy mình có trách nhiệm phải đóng góp cho xã hội nhiều hơn nữa. Ví dụ: sau khi được phong tặng nghệ nhân, tôi được cấp lớp dạy nghề miễn phí cho những người yêu và muốn tìm hiểu về sơn mài. Sau khi chương trình kết thúc, tôi vẫn duy trì lớp học ấy tại nhà cho đến nay, tất nhiên vẫn miễn phí”.

Xưởng điêu khắc của Nguyễn Tấn Phát gần đây cũng được Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm đưa vào danh sách những điểm tham quan của du khách trong hành trình khám phá các di sản nổi tiếng ở xứ Đoài. “Đó cũng là lý do khích lệ tôi càng phải làm việc nhiều hơn nữa, không phải để chạy theo con số hay lập kỷ lục, mà chỉ là muốn thổi luồng sinh khí mới cho du lịch làng cổ Đường Lâm, để du khách tới đây có thêm thứ để ngắm, có thêm món quà độc đáo mua về trưng bày hay làm quà tặng. Đó cũng là cách tôi tỏ lòng tri ân với mảnh đất quê hương, nơi mình sinh ra, lớn lên và lập nghiệp”, nghệ nhân trẻ trải lòng.

Nguồn: [Link nguồn]

4 Cách mặc áo khoác bomber ”chất ngầu” cho chàng

Dưới đây là cách mặc áo khoác bomber cho chàng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Hương ([Tên nguồn])
Đàn ông sành điệu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN