Tội phạm trong thế giới ảo
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, xu hướng gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao (TPSDCNC) xâm hại trực tiếp và tác động tiêu cực trên nhiều mặt của hoạt động quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Loại tội phạm trong thế giới ảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển khai thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nhất là các giải pháp về điều tiết, quản lý hệ thống tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử (TMÐT), thanh toán điện tử (TTÐT), gây bất ổn về ANTT.
Trung tâm phục hồi dữ liệu điện tử - Cục C50 truy tìm dấu vết tội phạm. Ảnh: Duy Linh
Tội phạm không biên giới
Tội phạm sử dụng công nghệ cao manh nha từ những hành vi như sử dụng máy tính (MT), mạng máy tính (MMT) để phát tán vi-rút; trộm cắp thông tin, dữ liệu của một số đối tượng có trình độ cao về CNTT để khẳng định tài năng, nay có xu hướng chuyển sang mục đích chính trị, trục lợi kinh tế rõ rệt. TPSDCNC có thể tấn công gây tê liệt MMT cơ quan, doanh nghiệp, mạng thông tin quốc gia hoặc sử dụng MMT lừa đảo, đe dọa tống tiền; phát tán vi-rút, phần mềm gián điệp để trộm cắp thông tin cá nhân, thông tin kinh tế, trộm cắp tài sản qua các dịch vụ thanh toán thẻ ngân hàng, TTÐT; lừa đảo bán hàng trực tuyến, huy động vốn, đầu tư kinh doanh qua mạng; gửi thư lừa đảo để chiếm đoạt tiền... Ðặc biệt, đã xuất hiện một số loại vi-rút siêu đa hình, khi lây nhiễm sẽ tự động biến đổi, tránh sự phát hiện của các phần mềm diệt vi-rút; một số phần mềm gián điệp quét, tìm và khai thác lỗ hổng bảo mật, điều khiển từ xa, có chức năng lấy thông tin lưu trong MT, phá hủy dữ liệu, ghi âm thanh, lấy thông tin mật khẩu, thông tin cá nhân, chụp ảnh màn hình, tự động bật webcam... rồi gửi dữ liệu thu được cho đối tượng qua thư điện tử hoạt động ngầm trên máy, rất khó phát hiện, kiểm soát.
Phần lớn đối tượng trẻ tuổi, hiểu biết về CNTT thường tập hợp, liên kết, học hỏi lẫn nhau thông qua các diễn đàn "Underground" (thế giới ngầm) của tội phạm trên mạng in-tơ-nét để chia sẻ công cụ, thủ đoạn hoạt động, triệt để lợi dụng sức mạnh của khoa học - công nghệ (KHCN) phạm tội. Loại tội phạm này "hội nhập" rất nhanh, có sự cấu kết chặt chẽ với các đối tượng nước ngoài, tạo thành những đường dây, ổ nhóm hoạt động xuyên quốc gia, gây hậu quả khôn lường.
Bất cứ nơi nào có mạng viễn thông, mạng in-tơ-nét đều có thể là mục tiêu tấn công, xâm hại của TPSDCNC. Thủ phạm thường dùng máy chủ trung gian ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước có máy chủ miễn phí, không phải khai báo thông tin cá nhân thật nhằm che giấu nhân thân. Với sự trợ giúp của in-tơ-nét, hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao (SDCNC) lan tỏa nhanh và rộng khắp toàn cầu, mới xuất hiện ở nước ngoài có thể ngay lập tức xảy ra tại Việt Nam. Ðối tượng phạm tội ở một nơi nhưng có thể gây án ở nhiều nơi khác cả trong và ngoài nước nên người bị hại rất đông, phân tán khắp mọi nơi nên khó tiếp cận, xác định đầy đủ hậu quả, thiệt hại so với các loại hành vi phạm tội khác. Rào cản do sự khác nhau về hệ thống pháp luật, chênh lệch về trình độ KHCN và kinh nghiệm của các cơ quan thực thi pháp luật giữa các nước chính là điều kiện thuận lợi để TPSDCNC "lách luật" và việc điều tra, xử lý tất yếu phải có nỗ lực chung mang tính toàn cầu.
Chủ động phòng ngừa
Dự báo thời gian tới, tình hình TPSDCNC tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các đối tượng trong và ngoài nước sẽ tăng cường kết hợp tấn công, sử dụng công nghệ mới và liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn để tránh bị phát hiện như: tấn công mục tiêu qua trung gian; sử dụng phần mềm, công nghệ tạo địa chỉ giả để che giấu nguồn gốc truy cập, dùng hòm thư điện tử miễn phí hoặc lấy cắp của người khác, sử dụng sơ hở, lỗ hổng bảo mật từ nội bộ... Ðòi hỏi đặt ra là phải xây dựng, ban hành các chính sách bảo đảm phát triển KHCN gắn với phòng, chống TPSDCNC, đầu tư nhân lực và vật lực (con người giỏi, thiết bị hiện đại đồng bộ) cho lực lượng thực thi pháp luật nhằm phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả, trong đó tranh thủ sự hỗ trợ của các nước qua kênh hợp tác quốc tế, v.v.
"Phòng là chính", song xuất phát điểm phải từ "bước chuyển" của nhận thức. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của toàn xã hội và các ngành hữu quan về tác hại và nguy cơ của TPSDCNC để có biện pháp chủ động phòng ngừa và tránh vi phạm pháp luật trong SDCNC vì thiếu hiểu biết, nhất là nhóm đối tượng học sinh, sinh viên.