NASA công bố cuộc tập trận 18 quốc gia chống "sát thủ ngoài hành tinh"

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Cuộc tập trận nhắm vào tiểu hành tinh mang tên Apophis, một trong các vật thể được xác định là có khả năng "tác động đáng kể" đến Trái Đất vào năm 2029.

Cuộc tập trận diễn ra từ tháng 12-2020, được điều phối bởi Mạng lưới Cảnh báo tiểu hành tinh Quốc tế (IAWN) và Văn phòng Điều phối phòng thủ hành tinh (PDCO) của NASA, với sự tham gia của 100 nhà khoa học hàng đầu từ 18 quốc gia. Kết quả vừa được NASA và các đối tác công bố trong một nghiên cứu vừa đăng tải trên Planetary Science Journal.

NASA và nhiều cơ quan vũ trụ khắp thế giới vừa trải qua một cuộc tập trận hướng vào Apophis, một trong các tiểu hành tinh nguy hiểm với Trái Đất - Ảnh: NASA

NASA và nhiều cơ quan vũ trụ khắp thế giới vừa trải qua một cuộc tập trận hướng vào Apophis, một trong các tiểu hành tinh nguy hiểm với Trái Đất - Ảnh: NASA

Theo SciTech Daily, Apophis được phát hiện từ năm 2004 và từ lâu đã được xác định là có khả năng tác động đáng kể đến Trái Đất năm 2029. Một cú áp sát mang tính đe dọa cũng được dự báo xảy ra vào tháng 12-2020.

Các nhà khoa học đã dùng chính lần áp sát này để tổ chức một cuộc tập trận. Trung tâm Hành tinh nhỏ (MPC) - cơ quan phụ trách tính toán về các thiên thể nhỏ - đã giả định Apophis như một vật thể lạ, bất ngờ để thử nghiệm phản ứng liên kết có hệ thống từ các cơ quan vũ trụ, đài quan sát thiên văn khắp thế giới.

Apophis xuất hiện đầu tiên vào ngày 4-12-2020 trong ống kính của Cơ quan Khảo sát bầu trời Catalina ở Arizona - Mỹ, do NASA tài trợ. Hệ thống Cảnh báo cuối cùng về tác động đến mặt đất (ATLAS), Kính viễn vọng Khảo sát toàn cảnh và hệ thống phản ứng nhanh (Pan-STARRS) đặt tại Hawaii lập tức tham chiến sau đó.

Khi Apophis đi vào tầm quan sát của NEOWISE - một kính viễn vọng không gian hồng ngoại trường rộng của NASA - MPC đã liên kết các quan sát này với các quan sát từ các đài thiên văn mặt đất để mô hình hóa chuyển động của tiểu hành tinh, từ đó giúp dự đoán đường đi của nó trong các cú áp sát tiếp theo.

Vào tháng 3-2021, các nhà thiên văn học từ Phòng thứ nghiệp Sức đẩy phản lực (JPL) của NASA tiếp tục dùng Radar Hệ Mặt Trời Goldstone cao 70 m đặt ở California - Mỹ để đo chính xác vận tốc và khoảng cách của tiểu hành tinh.

Những dữ liệu này sẽ đem tới cảnh báo sớm và cần thiết để tấn công Apophis trực diện nếu như nó thực sự có khả năng cao va vào Trái Đất trong năm 2029 hay sớm hơn, từ đó giúp chúng ta kịp khởi động các chiến dịch đánh bay nó.

Hiện NASA đang có một tàu vũ trụ "cảm tử" thử nghiệm đang trên đường lao vào "mặt trăng" của tiểu hành tinh Dimorphos như một phần của thử nghiệm phòng thủ hành tinh, Trung Quốc cũng dự định phóng một tàu tương tự vào giữa thập kỷ này.

Tuy nhiên cuộc tập trận với Apophis đã đem đến một tin vui bất ngờ. Dữ liệu từ hàng chục kính viễn vọng không gian và mặt đất, cùng phân tích của nhóm hơn 100 nhà khoa học đã khẳng định nguy cơ của nó thấp hơn ước tính trước đây: Apophis sẽ không gây nguy hiểm cho Trái Đất trong ít nhất 100 năm tới.

Nhà khoa học Michael Kelley từ PDCO, nhấm mạnh: "Nhìn thấy cộng đồng bảo vệ hành tinh xích lại gần nhau trong lần tiếp cận gần nhất của Apophis là điều ấn tượng. Ngay cả trong đại dịch, khi nhiều người tham gia tập trận phải làm việc từ xa, chúng tôi vẫn có thể phát hiện, theo dõi và tìm hiểu thêm về mối nguy tiềm ẩn với hiệu quả cao. Cuộc tập trận đã thành công".

Tuy có thêm thời gian với Apophis nhưng các nhà khoa học vẫn thận trọng và tiếp tục theo đuổi các nghiên cứu liên quan đến phòng thủ hành tinh, sẵn sàng chuẩn bị cho những sát thủ bất ngờ. Việc một tiểu hành tinh giống tiểu hành tinh khiến khủng long tuyệt chủng đâm vào Trái Đất là thấp, nhưng nếu nó xảy ra, chúng ta sẽ không có cơ hội thứ hai.

Nguồn: [Link nguồn]

Người ngoài hành tinh có thể đang đi trên quả cầu Dyson quay quanh sao lùn trắng

Cho đến nay không ai tìm thấy bằng chứng về người ngoài hành tinh thông minh ở những nơi khác trong vũ trụ. Nhưng nếu tồn tại, họ có thể đang bay lượn trên các quả cầu Dyson...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN