Doanh số PC suy giảm vì đâu

10 năm trước, PC có thể xem là một hiện tượng, ai cũng háo hức có được cỗ máy cho riêng mình. Nhưng 10 năm sau, điều này dường như không còn đúng.

Doanh số PC gần đây đang chững lại và có dấu hiệu suy giảm. Nhiều người cho rằng đấy là vì sự bùng nổ của điện toán di động. Song thực sự có phải là vậy? Một trong các bài viết trên tạp chí Forbes bày tỏ một quan điểm khác mà nó phần nào nêu được bản chất của vấn đề.

Câu chuyện doanh nghiệp

Tôi (Gene Marks, tác giả bài viết) có một khách hàng tên Steve, hiện cũng giống như hơn 500 khách hàng khác của tôi. Steve đang chạy một xưởng gia công ống thép khoảng 50 người. Nghe có vẻ cũng bình thường thôi, nhưng xưởng của Steve ăn nên làm ra. Và Steve đã kinh doanh được cả chục năm.

Công ty của anh cũng dựa nhiều vào các công nghệ để xử lý các vấn đề như chi phí, lập đơn hàng, thiết kế và sản xuất. Steve dùng 3 loại chương trình (kế toán, quản lý sản xuất và quản lý quan hệ khách hàng) để chạy cỗ máy kiếm tiền của mình. Anh có 2 server và thuê 1 công ty công nghệ để lo các vấn đề mạng cũng như hỗ trợ giải quyết sự cố. Có rất nhiều khách hàng của tôi cũng như Steve - thông minh, chi tiêu cẩn thận và nghiêm túc.

Doanh số PC suy giảm vì đâu - 1

Mọi doanh nghiệp hiện nay đều cần PC.

"Nghiêm túc" đủ để biết khi anh đi làm ăn, dù lớn hay nhỏ, mới khởi nghiệp hay đã có sẵn mọi thứ, anh điều cần tới PC. Mọi nhân viên tại công ty của Steve, ai có một chỗ ngồi đều có một máy tính. Điều này sẽ không thay đổi nhiều trong suốt cuộc đời chúng ta. Dĩ nhiên, một gã làm "sale" có thể có thêm chiếc tablet. Một đồng nghiệp ở tầng trệt có thể dùng điện thoại để liên hệ khi có đơn hàng mới. Hoặc một viên quản lý kho hàng có thể quét mã sản phẩm vừa nhập với một máy quét bar-code di động. Nhưng cứ thử bước vào mọi công ty, bất kỳ đâu, bạn nói tôi nghe thử - bạn thấy gì?

Đúng rồi, bạn thấy mọi người đang ngồi ở đấy, làm việc trước màn hình máy tính. Họ đang làm gì thế? Họ đang làm cùng thứ mà các nhân viên của Steve đang làm - nhập đơn hàng, kiểm tra số lượng hàng trong kho, gửi mail, check giá online.

Tình hình thị trường

Hồi cuối tuần trước, có nhiều báo cáo dự báo rằng doanh số PC giảm đi lần đầu sau 11 năm liên tục. "Phân tích của IHS iSuppli dự đoán tổng thị trường PC sẽ nhỏ bớt đi 1,2% so với 2011, giảm từ 352,8 triệu đơn vị xuống còn 348,7 triệu. Số liệu của Gartner lẫn IDC cũng cho thấy thị trường đang 'teo tóp': Gartner đưa ra mức giảm 8,3% so với Q3 cùng kỳ năm ngoái, còn IDC đẩy con số lên 8,6%".

Doanh số PC suy giảm vì đâu - 2

Nhưng doanh nghiệp không mua mới thì doanh số PC giảm.

Nhiều người "đóng góp" quan điểm cho sự suy giảm của doanh số PC theo nhiều nguyên nhân khác nhau, ví như sự tăng trưởng của smartphone và tablet hoặc ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu đến sự quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Cầu yếu của thị trường trong suốt mùa tựu trường cùng với tâm lý hóng-và-chờ của nhiều người trước lần ra mắt Windows 8 sắp tới của Microsoft cũng được kể đến. Và tất cả chúng đều có lý.

Nhưng tất cả chúng đều không phải nguyên nhân chính. Nền công nghiệp PC chưa chết, và nó cũng không hấp hối. Có một bí mật đằng sau sự suy giảm doanh số PC. Vấn đề là, những chiếc PC của hôm nay, cũng như hệ điều hành đang chạy chúng, "thọ" lâu hơn xưa.

Nguyên nhân thực

Khi nền kinh tế trở lại bình thường tại Mỹ cùng các nước công nghiệp hoá khác, các doanh nghiệp lại mua PC mới và họ lại tuyển thêm nhiều người. Có điều họ sẽ không mua nhiều như trước đây họ từng mua. Đương nhiên người tiêu dùng lại thích mua tablet hay smartphone. Nhưng doanh nghiệp vẫn sẽ mua máy tính để bàn vì những món di động trên không thể thay thế PC. Các doanh nhân đang dùng iPad để check và gửi mail, thiết bị này vẫn tốt và hữu ích. Nhưng cái gã ngồi bên cạnh họ trong cùng chuyến bay lại dùng laptop vì anh ta thực sự có thứ cần phải làm. Hay mọi nhân viên mới đều cần một máy tính mới. Có điều các nhân viên cũ thì không. Đơn giản vì chiếc PC của anh ta dùng được lâu hơn trước.

Doanh số PC suy giảm vì đâu - 3

Tại sao họ không mua PC mới nữa?

Tôi đi vài vòng trong văn phòng của Steve và đếm được 35 máy tính cho các nhân viên. Trong 35 chiếc ấy có 1/3 đang dùng Windows 7, phần còn lại vẫn chạy Windows XP. Tất nhiên nó sắp không được MS hỗ trợ nữa, nhưng nó vẫn chạy tốt. Bất kể mọi chuyện hài chúng ta kể về "màn hình xanh chết chóc", thì chúng ta vẫn thấy gì? Bao lâu một lần chúng ta vứt đi chiếc máy cũ và thay thế nó bằng cỗ máy mới tốt hơn? Máy của Steve, máy in cùng các phụ kiện khác đều được làm từ một NSX lớn như Dell, HP, Lenovo hay Brother. Chúng có nhanh không? Thực sự... cũng chẳng tệ lắm. Chúng có đang chạy các chương trình mới nhất và tốt nhất? Thực sự... không. Thực sự, Steve (cũng như nhiều khách hàng của tôi) vẫn chạy các phần mềm phiên bản cũ. Điểm chung là chúng đều đẻ ra tiền.

PC dần trở nên giống như tủ lạnh hay xe hơi. Tuổi thọ của chúng tăng lên. Trước đây chúng ta thường thay PC mới trong 2 - 3 năm, đôi lần quanh các lần ra mắt bản Windows mới hoặc chỉ vì tâm lý sợ chậm. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Các chủ doanh nghiệp đã nhận ra rằng, với vài sự giúp đỡ từ các nhân viên IT cùng vài lần tu sửa, một PC có thể chạy tới 5 - 7 năm, thậm chí lâu hơn. PC dùng cho doanh nghiệp không cần phải "sexy". Chúng chỉ cần chạy được các ứng dụng kiếm tiền cần thiết.

Đến lượt "đám mây"

Và trong các năm qua, áp lực lên các cỗ máy đã dần thuyên giảm. Chính là nhờ điện toán mây và các ứng dụng truy cập từ xa.

Doanh số PC suy giảm vì đâu - 4

Khi "mây" có mọi thứ, sao phải mua máy mới?

Quay lại cái ngày mà chúng ta vẫn yêu cầu PC của mình phải chạy được các ứng dụng nặng vốn ngốn nhiều bộ nhớ, ổ cứng cũng như sức mạnh CPU. Nay tôi đang thấy các nhân viên của Steve kết nối với server công ty họ bằng desktop. Và tôi cũng thấy nhiều khách hàng của mình chuyển từ mô hình PC-server "lẻ" sang các server "mây" và PC. Điều này có nghĩa, chỉ với kết nối Internet, một PC chạy Windows XP với một lượng tài nguyên "đủ xài" có thể hoá thành những công cụ mạnh mẽ, xử lý được các dữ liệu dựa trên các ứng dụng trực tuyến cùng các chương trình nặng chỉ bằng vài nỗ lực nhỏ, vì chiếc PC đóng vai trò như một cổng giao tiếp đến chiếc server mạnh mẽ. Bởi thế, PC càng... sống thọ.

Khi nào mới nên mua máy mới?

Dĩ nhiên, chẳng gì sẽ tồn tại mãi. Kể cả Steve cũng thay PC mới mỗi năm, và anh ta thực sự làm thế. Chỉ là quyết định mua sắm của Steve đã thay đổi. Anh có thể mua những chiếc PC rẻ hơn hoặc là hàng xài lại. Và chúng ta không nói về việc mua sắm hàng loạt cho nhân sự mới. Chỉ đơn giản là thay thế những cỗ máy quá cũ hoặc đã hư hỏng.

Điều này cũng sẽ không thay đổi kể cả với lần ra mắt của Windows 8. Vài người trong nền công nghiệp có thể vẫn rất lạc quan, tin rằng Windows 8 xuất hiện sẽ thổi vào luồng gió mới cho doanh số PC và đưa chúng trở lại với những gì chúng đã từng trước đây. Những gã như Steve lại không chạy vồn vã vào cửa hàng và hỏi mua chiếc PC mới vì chúng đang chạy hệ điều hành mới và hấp dẫn của MS. Ngay cả gã IT của Steve cũng không đề ra được quyết định nên nên mua chiếc nào để chạy các chương trình dựa vào mây và quản lý từ xa xứng đáng thay chiếc PC hiện tại.

Những kẻ trong nền công nghiệp vốn cho rằng Windows 8 sẽ mang lại sức sống cho doanh số PC hoặc trở lại ngày huy hoàng thực sự đang nằm mơ. Hiển nhiên vẫn có những người là những kẻ "sính công nghệ" sẽ luôn muốn thứ mới nhất và tuyệt nhất. Nhưng các công ty, dù lớn hay nhỏ, sẽ chỉ chuyển lên Windows 8 khi họ "buộc phải" chuyển, chứ không phải vì họ "thích".

Doanh số PC suy giảm vì đâu - 5

Cần mua hay không, đấy mới là vấn đề.

Vậy loại áp lực nào có thể buộc mấy gã như Steve thay PC của mình? Mánh khoé của các hãng phần mềm - sự không tương thích. Hoặc một vài tính năng mới, ví như màn cảm ứng. Mánh này vẫn tiếp tục có hiệu quả với các công ty trên nếu họ vẫn dựa vào mô hình ứng dụng PC-server có quan hệ mật thiết với Windows. Và không nói ngoa nhé - điều này vẫn hiện diện phần đông trong các khách hàng của tôi hiện nay. Nên vâng, doanh số PC vẫn được hưởng lợi theo cái cách cũ mà vẫn hiệu quả này.

Như mấy NSX PC coi chừng - Tôi không chắc liệu mánh này có thể vẫn xài tốt vào thời điểm này hay không. Quay lại cái ngày mà một công ty nói rằng "xin lỗi, bản phần mềm mới nhất của chúng tôi không tương thích với bản Windows của bạn nên bạn cần nâng cấp Windows (hay mua chiếc PC mới)", thì một lượng đang lên các khách hàng của tôi đang chuyển qua mô hình ứng dụng mây. Họ không quan tâm vấn đề tương thích cục bộ nữa. Miễn là desktop của họ vẫn kết nối được với Internet thì họ đã có đủ thứ họ cần.

Và nếu đấy là tất cả những gì họ cần, tại sao họ phải mua PC mới?

Lời người dịch

Qua bài viết của Marks, có thể thấy được rằng dù điện toán di động có bùng nổ hay không, doanh số PC vẫn giảm. Nó giảm vì điện toán mây, nó giảm vì chính nó. Cái ngày Windows "lăn đùng" ra với BSOD đã xa lắm rồi (dù thi thoảng vẫn có) và một chiếc PC hiện đã đáp ứng đủ cầu của người dùng. Vậy nên doanh số PC giảm vì nó đã bị bão hoà. Ví như đồ thị hình sine sau khi đạt cực đại thì suy giảm dần.

Nhưng PC có chết không? Lời đáp là không. Vấn đề là nó sẽ thay đổi. Và PC sẽ ra sao trong tương lai, chúng ta sẽ bàn ở một bài viết khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Leopard (MO)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN