Chuyện giờ mới kể: Điều gì đã xảy ra sau những đơn hàng tìm hoài không thấy tài xế?

Chờ đợi ròng rã 2-3 tiếng đồng hồ để đặt đồ ăn, bị từ chối 5-7 lần mới có một tài xế nhận đơn. Đây đều là những tình cảnh quen thuộc mà rất nhiều người dân phải trải qua trong những tháng giãn cách xã hội vừa qua. Nhưng đằng sau những nỗi bực dọc lại là những câu chuyện cảm động thấm đẫm tình người, những câu chuyện bây giờ mới kể...

Nỗi niềm chưa tỏ sau những cuốc xe “Chẳng dám nhận đơn”...

Hồi tháng 7, sáng nào cũng vậy, anh Tùng Lâm, tài xế công nghệ Gojek đều thức dậy từ lúc gà chưa gáy để có mặt xếp hàng tại điểm xét nghiệm quận Gò Vấp từ 4h30. Tới nơi, anh Lâm hoà vào dòng người hàng trăm tài xế đang xếp hàng dài cả kilomet trên đường, đợi lấy kết quả xét nghiệm âm tính để được chạy: “Có những hôm, tôi phải chờ tới tận 8-9h sáng mà vẫn chưa tới lượt. Nhiều lúc mở máy thấy nổ đơn liên tục, mà mình thì vẫn kẹt cứng không nhúc nhích được, sốt ruột vô cùng.”

Xét nghiệm là chặng đầu tiên trên con đường gian nan của các tài xế công nghệ trên hành trình duy trì chuỗi cung ứng mùa dịch. Đó là chưa kể để đảm bảo sự an toàn khi lưu hành trên đường, các tài xế đều đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin ngừa Covid-19, phải khai báo thông tin di chuyển nội địa mỗi ngày, và phải được hãng đăng ký thông tin với Sở Công Thương thành phố để có mã QR,…

Tài xế công nghệ xét nghiệm nhanh để được phép lưu thông trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng.

Tài xế công nghệ xét nghiệm nhanh để được phép lưu thông trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng.

Mỗi lần nổ đơn thì mừng lắm, nhưng chúng tôi luôn phải cẩn thận gọi điện cho khách hàng hỏi xem địa chỉ nhận hàng có nằm trong khu cách ly hay phong toả không, khách có đợi được không. Nhiều khi phải ngậm ngùi huỷ đơn vì khách nói không ra điểm chốt nhận đơn được, hoặc đường đến chỗ khách phải đi lòng vòng qua quá nhiều chốt chặn,” anh Duy Khánh, một tài xế công nghệ khác của Gojek, chia sẻ. Đó là còn chưa kể tới việc xếp hàng chờ mua ở các cửa hàng, xếp hàng qua các chốt kiểm dịch, hay đợi khách ra nhận hàng cũng “ngốn” tới hàng tiếng đồng hồ.

Có ngày anh Khánh phải huỷ tới hai chục đơn. “Khách hàng nhiều người không hiểu, không thông cảm, la tôi quá chừng luôn. Không thiếu những lần tôi xếp hàng lâu quá nên giao hàng muộn, đã gọi điện trước rồi nhưng đến nơi khách hàng nhất định không chịu nhận hàng. Tôi “khóc dở mếu dở” phải gọi điện lên tổng đài Gojek để xin hỗ trợ,” anh Khánh giãi bày.

“Tài xế chúng tôi cũng muốn được chạy xe, nhận đơn lắm chứ, nhưng thiên không thời, địa không lợi, chưa kể bao nỗi lo về dịch bệnh. Nhiều anh em đã quyết định nằm nhà, cầm cự chờ ngày hết giãn cách rồi chạy. Mà càng ít tài xế chạy thì khách hàng càng khó kiếm được người nhận đơn,” anh Lâm tâm sự thêm.

Anh Quốc Tùng, một tài xế công nghệ Gojek khác chia sẻ: “Chạy xe giữa mùa dịch thế này, nói thật là tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì mình vẫn còn cần câu cơm, còn công việc, nhưng lo cho an toàn của bản thân và gia đình.” Mở chai nước rửa tay, xoa lên hai bàn tay đã thô ráp vì sát khuẩn quá nhiều lần trong ngày, anh cười: “Vợ tôi cứ đùa là khéo mua cồn rửa tay hết mất nửa tiền lương chạy xe mỗi ngày. Nhưng biết sao được bây giờ, mình mà không tuân thủ 5K cẩn thận thì còn ảnh hưởng tới biết bao nhiêu người khác nữa.”

Tình người ấm áp xua tan dịch bệnh

Đổi lại vô vàn khó khăn chất chồng, niềm vui ra đường của anh Tùng không chỉ là thu nhập mỗi ngày, mà còn là những “món quà” động viên tinh thần đến từ khách hàng: “Có một lần nhận đơn hàng xong, khách gọi điện liên tục. Tôi cứ tưởng họ gọi giục đơn, hóa ra là gọi để cảm ơn và nhắn nhủ món quà bất ngờ là một chiếc bánh trung thu buộc nơ cẩn thận, treo trước cửa nhà. Vốn chẳng phải fan của bánh trung thu mà hôm đó tôi ăn hết ngon lành.”

Mùa dịch cũng khiến nhiều sự “khác thường” thành bình thường. Nỗi bực dọc, khó chịu khi chờ đợi lâu dần nhường chỗ cho sự cảm thông với nỗi vất vả của các bác tài, như trong câu chuyện của bạn Thúy Ngọc (quận 3, TP.HCM): “Có bữa bị từ chối đơn hoài, nói thật tôi cũng khá bực. Nhưng tới lúc nhìn thấy anh tài xế dáng vẻ khắc khổ đứng trước cửa nhà, vừa gọi vừa cười tươi sung sướng như lập được chiến công, tự dưng bao nhiêu khó chịu cũng vơi đi hết. Nghe anh kể sáng giờ phải chạy lòng vòng tránh bao nhiêu là khu phong tỏa để tới được nhà mình mà thấy thương.”

Bạn Hồng Thanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - một khách hàng khác của Gojek thậm chí còn ví von tìm được một shipper nhận đơn mùa dịch chẳng khác nào “bắt được vàng”: “Một thân một mình trong khu phong tỏa tròn 1 tháng, mình thiếu thốn đủ thứ, đặt giao hàng không ai nhận. Chút đồ đông lạnh từ đợt ba má gửi lần trước phải ăn dè sẻn từng bữa. Hôm bữa may sao đặt được một chú tài xế Gojek, mình mừng như bắt được vàng”.

Nhiều khách hàng ví von: tìm được một shipper nhận đơn mùa dịch chẳng khác nào “bắt được vàng”.

Nhiều khách hàng ví von: tìm được một shipper nhận đơn mùa dịch chẳng khác nào “bắt được vàng”.

Không “khoanh tay” trước tình cảnh “khó trăm bề” của các tài xế công nghệ, nhiều ứng dụng xe công nghệ đã nhanh chóng đưa ra các chính sách hỗ trợ, như gói hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng của Gojek dành cho toàn bộ đối tác tài xế ở Hà Nội và TP.HCM đang gặp khó khăn vì dịch bệnh vào đợt tháng 8 vừa qua, hay việc Gojek tích cực đưa các đối tác tài xế vào danh sách ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hoặc xét nghiệm nhanh miễn phí.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no, bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía hãng đều đáng quý, sự hỗ trợ kịp thời lại càng đáng quý hơn,” anh Lâm bộc bạch. “Trong dịch bệnh mới thấy tình người là quan trọng lắm. Động lực để chúng tôi tiếp tục làm việc chính là sự quan tâm, chăm lo của Gojek, là sự đùm bọc lẫn nhau của chính các anh em tài xế, và là sự cảm thông, động viên của khách hàng.”

Dịch bệnh rồi sẽ sớm qua, nhưng tình người chắc chắn sẽ còn mãi, và sẽ tiếp tục trở thành động lực để các bác tài công nghệ tiếp tục duy trì sự liền mạch của chuỗi cung ứng thành phố.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN