Cách tăng tốc cho smartphone Android
Tất cả người dùng đều muốn chiếc smartphone của mình chạy nhanh hơn.
Với người dùng Android, điều này đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu bởi hệ điều hành Android có mặt trên các thiết bị với nhiều tầm giá khác nhau. Trong số đó, các thiết bị giá rẻ thường có cấu hình không cao và người dùng khó lòng cảm thấy thỏa mãn với hiệu năng của chúng.
Hơn nữa, với tốc độ phát triển vũ bão của ngành công nghiệp di động, kể cả những thiết bị trước đây được coi là khủng nay cũng sẽ trở nên chậm chạp so với mặt bằng chung. Chúng tôi xin gửi đến bạn đọc một số phương pháp cơ bản cũng như nâng cao để làm tăng tốc độ xử lý của máy.
Tối ưu hóa màn hình chính và hệ thống
Có quá nhiều widget sẽ làm chậm máy
Việc có quá nhiều tiện ích (widget) và sử dụng hình nền động (live wallpaper) trên màn hình chính sẽ khiến cho smartphone Android hay máy tính bảng của bạn chạy chậm hơn một chút, đặc biệt nếu chúng đã "có tuổi". Hãy giảm số lượng widget bạn đang sử dụng và có thể bạn sẽ thấy hiệu năng của máy được cải thiện đôi chút.
Hình nền động và hiệu ứng động (animation) rất đẹp mắt nhưng chúng sẽ khiến màn hình chính của bạn cũng như toàn bộ hệ thống tốn nguồn lực xử lý làm cho máy chậm hoặc thậm chí giật. Bởi về cơ bản, sử dụng hình nền đồng và hiệu ứng động giống như bạn đang chạy một video ngoài nền. Đó là chưa kể đến lượng pin hao tổn do sử dụng tính năng này.
Hãy tắt animation nếu bạn muốn cải thiện tốc độ
Tất nhiên, nếu bạn đang sở hữu một thiết bị cao cấp, những thứ trên không ảnh hưởng quá nhiều đến hiệu suất của máy.
Tắt hoặc xóa những ứng dụng vô ích
Trước tiên, phải nói rằng những ứng dụng như Advanced Task Killer là không cần thiết, bởi Android quản lý các chương trình khá tốt. Hơn nữa việc tắt hoàn toàn các ứng dụng chạy nền lại phản tác dụng, bởi nó khiến lần khởi động tiếp theo của ứng dụng đó diễn ra lâu hơn. Ngoài ra, một số người dùng Android có kinh nghiệm cho rằng ứng dụng này sẽ gây nên tổn hại cho phần cứng. Mặc dù thông tin đó vẫn gây nên tranh cãi, tốt hơn hết là chúng ta không nên sử dụng các ứng dụng task killer, vì dù sao chúng cũng chẳng đem lại lợi ích gì cả.
Tuy nhiên, có trường hợp một số ứng dụng tồi hoặc bị hỏng sẽ khiến vi xử lí phải hoạt động rất vất vả và làm chậm hệ thống. Bạn hãy truy cập vào mục quản lý dịch vụ đang chạy và ngừng hoạt động của chúng. Nếu cần thiết, hãy xóa chúng đi và hi vọng nhà phát triển ứng dụng sẽ cải thiện chúng trong tương lai.
Hãy ngừng những ứng dụng bạn không dùng đến, hoặc...
Ngoài ra, hãy xóa những ứng dụng mà bạn không dùng đến. Đừng lo lắng nếu chúng là ứng dụng hệ thống (system apps - ví dụ như Google Maps, được cài sẵn khi mua máy), bởi mặc dù hệ điều hành Android không cho phép bạn xóa chúng nhưng Titanium Backup thì có. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng với những gì bạn xóa. Bạn có thể "đóng băng" (Freeze) chúng để xem có hậu quả gì hay không trước khi xóa hoàn toàn.
... xóa gì tùy thích bằng Titanium Backup, nhưng hãy cẩn trọng
Sử dụng trình duyệt khác
Trình duyệt gốc của Android chỉ được cập nhật khi hệ điều hành trên máy bạn được cập nhật. Điều này có nghĩa là nếu bạn không may bị mắc kẹt với những phiên bản Android cũ, rất có thể là Gingerbread 2.3, thì trình duyệt gốc kia cũng đã lỗi thời.
Tin vui là FireFox cho Android có thể chạy trên Gingerbread và đem đến tốc độ lướt web nhanh hơn nhiều so với ứng dụng gốc. Những người dùng may mắn đang chạy Ice Cream Sandwich 4.0 trở lên có thể sử dụng Chrome. Ngoài ra, Dolphin Browser cũng được đánh giá là một trong những trình duyệt tốt nhất hiện nay dành cho Android. Những khách hàng có lưu lượng lướt web miễn phí hàng tháng eo hẹp có thể tải về Opera Mini, cho phép bạn tiết kiệm đến 80% lưu lượng. Tất cả đều có mặt trên kho ứng dụng Play Store.
Nếu bạn có kinh nghiệm hoặc mong muốn "vọc" Android, thì 2 phương pháp cuối cùng này dành cho bạn và mới thực sự đem lại trải nghiệm hoàn toàn mới.
Ép xung vi xử lí
Giống như máy tính PC hoặc laptop, bạn có thể ép xung vi xử lí thiết bị Android để khiến chúng hoạt động nhanh hơn. Phương pháp này đòi hỏi bạn phải root máy. Nếu đáp ứng được điều kiện đó, hãy truy cập vào kho ứng dụng Play Store, tải về ứng dụng SetCPU và nâng tốc độ xung nhịp của vi xử lí. Tuy nhiên hãy nhớ rằng nếu bạn "quá tay", thiết bị của bạn sẽ sản sinh nhiều nhiệt hơn và gây tổn hại phần cứng. Ép xung cũng sẽ giảm thời lượng pin.
Điều chỉnh tốc độ xung nhịp của vi xử lí
Nâng cấp hệ điều hành, cài custom ROM
Không nghi ngờ gì, phiên bản Android mới hơn sẽ hoạt động tốt hơn phiên bản cũ. Một ví dụ điển hình là Android 4.1 Jelly Bean, được trang bị công nghệ Project Butter trải nghiệm mượt mà hơn so với Android 4.0 Ice Cream Sandwich:
Nếu nhà sản xuất thiết bị của bạn không cho phép bạn cập nhật lên phiên bản Android mới, đừng vội lo bởi có thể một bản custom ROM sẽ làm được điều đó. Một bản custom ROM về cơ bản là một phiên bản của hệ điều hành Android, được làm riêng cho thiết bị của bạn và sẽ đem lại nhiều cải tiến nhất định, đặc biệt là về hiệu năng xử lý. Một trong những custom ROM nổi tiếng nhất hiện nay là CyanogenMod, với phiên bản mới nhất là 10.1, được phát triển trên nền Android 4.2 Jelly Bean.
Những bản custom ROM như CyanogenMod đem lại rất nhiều lợi ích