NSƯT Minh Phương: Con trai thuộc ca khúc của Sơn Tùng hơn chèo

Sự kiện: Sơn Tùng MTP

"Do điều kiện công tác của mẹ, việc học của con mà con trai tôi hiếm khi được đi cùng mẹ và tiếp xúc với chèo. Cu cậu thuộc làu làu thể loại nhạc nước ngoài, nhạc trẻ như những ca khúc của Sơn Tùng MTP hơn hát chèo", nghệ sĩ Minh Phương chia sẻ.

NSƯT Minh Phương: Con trai thuộc ca khúc của Sơn Tùng hơn chèo - 1

NSƯT Minh Phương được nhiều nghệ sĩ chèo uy tín đánh giá cao về tài năng.

 Là con gái của NSƯT Thúy Mơ - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương, NSƯT Minh Phương (sinh năm 1974) thừa hưởng tố chất của mẹ, nên chị có chất giọng đằm thắm, được đánh giá là một trong số ít ỏi những giọng chèo trẻ hay nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay nghệ sĩ Minh Phương đã tạm rời xa ánh đèn sân khấu chèo để công tác tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình có nhiều người làm nghệ thuật, bản thân từng hát chèo nhưng con trai nghệ sĩ Minh Phương hiện nay - theo chia sẻ của chị - hiếm có điều kiện tiếp xúc với chèo và thích nhạc trẻ hơn. Chị nói nếu con trai mong muốn theo nghiệp chèo, chị sẽ truyền nghề.

Chị cảm nhận được sự yêu thích, đam mê với nghệ thuật chèo từ khi nào?

- Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghệ thuật. Mẹ kể lại hồi mang thai tôi bà vẫn đi lưu diễn cùng đoàn chèo khắp trong Nam, ngoài Bắc. Có lẽ từ trong bụng mẹ tôi đã cảm nhận được hơi thở của làn điệu chèo.

Niềm đam mê với loại hình nghệ thuật này cứ ngấm dần trong tôi khi học hết phổ thông rồi vào Đoàn chèo Hải Dương. Tôi may mắn có mẹ, các cô chú trong đoàn ngày ngày dạy cho từng cách lấy hơi nhả chữ, luyến láy, tạo điều kiện cho vào vai chính trong các vở diễn, có cơ hội tham dự Hội thi lớn nhỏ.

Mẹ chị - NSƯT Thúy Mơ đã chỉ dạy, hướng dẫn chị như thế nào?

- Mẹ đúng là một người thầy lớn nhất của tôi. Hàng ngày mẹ luôn để mắt, quan sát tôi khi tôi được các nghệ sĩ, đạo diễn trong đoàn dạy dỗ. Mẹ chỉ ra những điểm tôi chưa được, nói cho tôi cách khắc phục từng động tác, trau chuốt lời ca.

Những kinh niệm có được mẹ truyền hết cho tôi, điều này đối với tôi là món quà quý giá lắm.

Từ trải nghiệm của bản thân, chị thấy thấy học chèo khó hay dễ?

- Chèo là loại hình nghệ thuật cao cấp, được đệm bởi 8 loại đàn, cùng lúc quyện vào nhau. Chèo lại hội tụ đủ bốn yếu tố: ca, vũ, nhạc, kịch. Hát chèo cũng không như hát các ca khúc, trong chèo có tới mấy trăm làn điệu bắt buộc người nghệ sĩ phải "ngấm" thật nhuần nhuyễn, hiểu được nội dung trích đoạn, làn điệu chèo cổ, thì mới có thể vận dụng, biểu diễn được. Hát chèo không thể nói dễ được, mà phải nói là rất khó.

Như bản thân tôi, mỗi lần hát xong một bài, tôi cảm giác như ruột gan "bị rút hết ra" vì người nghệ sĩ hát chèo đâu phải chỉ cần sức để biểu diễn, họ còn phải “sống” với những đau đớn, lâm li, bi đát của số phận nhân vật mình thể hiện trên sân khấu.

Cuối năm 2007, chị chuyển ra Hà Nội, làm việc ở Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Việc chị tạm biệt những vai diễn và ánh đèn sân khấu của Đoàn chèo Hải Dương khiến nhiều người yêu chèo tiếc nuối. Bản thân chị khi đó có suy nghĩ gì?

- Khi đưa ra quyết định xa sân khấu chèo tôi biết khá nhiều nghệ sĩ cũng tiếc, bản thân tiếc nhiều lắm. Lúc đó tôi mới 33 tuổi, độ tuổi vẫn còn sung sức để diễn chèo, để "cháy" hết mình trên sân khấu.

NSƯT Minh Phương: Con trai thuộc ca khúc của Sơn Tùng hơn chèo - 2

Năm 33 tuổi, NSƯT Minh Phương quyết định xa sân khấu chèo, chuyển công tác về Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tôi thường đảm nhận những vai diễn có số phận nghiệt ngã, đau khổ trong 17 năm trên sân khấu chèo và rồi cứ “sống” như vậy. Đôi lúc không tránh khỏi suy nghĩ, ám ảnh cái nghiệp diễn nó sẽ vận vào người mình. Bằng chứng là chuyện tình duyên của tôi từng trải qua một cuộc hôn nhân thất bại.

Có lẽ là phụ nữ thì cần phải hoàn thành các thiên chức, "hy sinh" một chút hào quang của sự nghiệp để có thời gian cho gia đình. Ngày bé, tôi thiếu thốn tình cảm, sự chăm sóc của mẹ nhiều lắm giờ không thể để chồng con thiệt thòi như vậy được.

Việc hát chèo tại Đài tiếng nói Việt Nam có gì khác so với trước đây?

- Nếu diễn trên sân khấu đã có kịch bản với mô tuýp sẵn, được tập luyện nhiều thì ở Đài, tôi phải mày mò, nghiên cứu lời, gạch nhịp làm ở ngay những bài thơ, ca khúc mà tác giả đưa. Có những lời rất ngang, thể hiện rất khó nhưng chỉ có thời gian tập một buổi, thu một buổi và phát sóng ngay.

Nếu như trên sân khấu giọng hát có thể bớt bị để ý bởi các yếu tố ngoại cảnh, hay trang phục, ngoại hình diễn viên… thì khi thu âm, giọng âm, ngữ điệu phải chuẩn hơn, làm thế nào cho người nghe hiểu được và mường tượng ra mình đang hát gì.

Để làm đươc công việc hiện tại, tôi phải vận dụng hết những tích lũy, kinh nghiệm mình có được của 17 năm hát chèo trên sân khấu.

Chị thấy nghệ thuật chèo được lưu truyền theo kiểu “cha truyền con nối” có là điều cần thiết?

- Tôi nghĩ đây là một điều cần thiết. Nhưng phải tạo ra được môi trường, sự cảm nhận, gần gũi về chèo cho con trẻ ngay từ lúc bé thì mới có thể tạo sự yêu thích.

Ngày xưa tôi được đi cùng mẹ, xem mẹ diễn thì mới ngấm và "nghiện" chèo, chèo khi đã "nghiện" thì khó bỏ lắm. Nhưng như hiện nay, do điều kiện công tác của mẹ, việc học của con mà con trai tôi hiếm khi được đi cùng mẹ, tiếp xúc với chèo. Cu cậu thuộc làu làu thể loại nhạc nước ngoài, nhạc trẻ như những ca khúc của Sơn Tùng M-TP hơn hát chèo.

NSƯT Minh Phương: Con trai thuộc ca khúc của Sơn Tùng hơn chèo - 3

NSƯT Minh Phương và con trai

Với con của chị, chị có hướng cháu theo loại hình nghệ thuật chèo hay không?

- Con trai tôi mới học lớp 7, cháu rất có khiếu nghệ thuật nhưng tôi nghĩ nếu có năng khiếu thì không vội, trước mắt nên học tốt văn hóa trước đã. Sau này, nếu con mong muốn theo con đường nghệ thuật hoặc nghiệp hát chèo của gia đình thì tôi sẽ chỉ dạy và truyền nghề cho con như cách mẹ tôi đã chỉ dạy.

Hiện nay, không thiếu những bạn trẻ cũng đang ấp ủ những ước mơ để đến với nghệ thuật chèo, chị có lời khuyên gì cho họ?

- Một đêm diễn cho vai chính trong vở chèo ngày xưa tôi thường nhận được là 10 nghìn đồng. Thu nhập từ nghệ thuật truyền thống là không cao nếu như nói thẳng ra là "bèo bọt", chính vì vậy các bạn trẻ phải thật sự rất đam mê, quyết tâm sống chết với nghề. Có một chút hỗ trợ kinh tế từ nguồn khác thì hãy xác định việc tới với chèo.

Khi đã quyết định "kết hôn" cùng chèo rồi thì ngoài sự khổ luyện, tìm tòi học hỏi phải thật sự nghiêm túc với nó.

Cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị!

Nghệ sĩ Minh Phương sở hữu một “kho” giải thưởng đáng nể, là kết quả cho những đóng góp, những cố gắng và tài năng của chị:

Năm 1992-1993: Huy chương vàng (HCV) Cuộc thi giọng hát chèo, tuồng hay tổ chức tại Hải Dương cho diễn viên trẻ tuổi nhất; HCV trong vai Cúc Hoa vở Tống Chân - Cúc Hoa tại Liên hoan các trích đoạn chèo hay tổ chức tại Ninh Bình; giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi giọng hát hay (dòng dân gian) do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Năm 1994: HCV và giải thưởng Diễn viên xuất sắc nhất cho vai diễn Dịu Hiền trong vở Hai giọt nước tại Hội diễn Sân khấu miền duyên hải tổ chức tại Thái Bình.

Năm 1999: Giọng hát hay các dân tộc do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Năm 2001, HCV và giải thưởng nữ diễn viên hát hay nhất trong vai thị Phương trong vở Trương Viên tại Hội diễn các vở chèo cổ tại Quảng Ninh.

 Năm 2005, HCV và giải diễn viên tài năng trẻ cho vai Ngọc Liên trong vở Nam dược thánh nhân tại Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp tổ chức tại Quảng Ninh.

Năm 2007, chị đc phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Hiện Minh Phương đang là Phó trưởng đoàn dân tộc tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đông Vũ ([Tên nguồn])
Sơn Tùng MTP Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN