"Dại gì bán rẻ danh tiếng của mình"

Sự kiện: Phương Thanh

“Thực tế, thì với những người nghệ sĩ như chúng tôi tên tuổi được gây dựng bằng chính công sức và sự phấn đấu lâu dài. Thế nên, khi làm việc với những người không có tâm chẳng khác nào chúng tôi tự bán rẻ danh tiếng của mình khi bước vào cuộc chơi” – Phương Thanh chia sẻ.

Làm chuyện công mà có tâm, khó lắm

Chị nghĩ gì về thời điểm này khi truyền hình thực tế đang rất nở rộ nhưng kèm theo đó là không ít những scandal?

Quan điểm cá nhân của tôi cho rằng việc truyền hình thực tế bùng nổ là điều đáng mừng vì các chương trình được đầu tư nhiều hơn giúp khán giả có nhiều lựa chọn hơn.

Tuy nhiên, việc xuất hiện quá nhiều chương trình ở cùng thời điểm cũng có những tác động hai mặt. Cái dễ nhận thấy nhất là vấn đề tài trợ, quảng cáo và tin nhắn. Số tiền thu lợi được vô cùng lớn nên cách tính toán của nhà tổ chức cũng rất đáng sợ.

Cũng vì đồng tiền mà con người ta trở mặt đi rất nhiều. Khi những sự việc bị vỡ lở thì cũng là chuyện bình thường, quan trọng là sớm hay muộn mà thôi.

"Dại gì bán rẻ danh tiếng của mình" - 1

Hình ảnh mới nhất của Phương Thanh tại buổi ra mắt phim Scandal tối 1/10. Ai cũng khen chị Chanh ngày càng trẻ ra trông thấy

Bản thân chị là người tham gia không ít các chương trình truyền hình thực tế, hơn ai hết, chị hiểu về những câu chuyện sắp đặt phía sau?

Nói chung chương trình nào cũng có sắp đặt nhưng đó là do cố ý hay không cố ý mà thôi. Tuy nhiên, tùy theo từng đơn vị sản xuất, từng ông chủ mà họ có quyền sắp đặt đến đâu và như thế nào, nhất là với những chương trình phát lại.

Tất nhiên, mỗi cuộc chơi họ luôn chọn lựa những thí sinh nòng cốt và sẵn sàng "o bế" từ các vòng ngoài. Điều này cũng giống như việc làm một chương trình nghệ thuật luôn cần 4-5 ngôi sao hạng A để bán vé.

Bên cạnh đó là các ca sỹ hạng B, C và các ca sỹ trẻ. Đây được coi là nguyên tắc cơ bản khi tổ chức các show diễn. Các chương trình truyền hình thực tế cũng vậy, nhưng việc sắp xếp giải thưởng lại ở phương diện khác, tức là có công ty nào dám làm hay không.

Vậy theo chị đâu là điều tối kỵ nhất trong mỗi chương trình truyền hình?

Đã là một cuộc thi thì phải để cho các thí sinh thi đấu. Trong cuộc thi đó họ chỉ là những người không chuyên nghiệp và có chăng cũng chỉ một số ít mới "mon men" trên con đường nghệ thuật.

Chính vì vậy, không thể bắt buộc đêm nào họ cũng phải hát hay, hát tốt vì bản thân các ca sỹ chuyên nghiệp còn không thể làm điều đó.

Tuy nhiên, nếu đã chấm thi thì cần sự công bằng và chấm theo đường dài. Còn trường hợp một thí sinh nào trong đêm thi họ có khả năng bứt phá cũng phải ghi nhận những nỗ lực đó.

Có thể khi luyện tập họ chưa bung hết ra nhưng khi trình diễn, họ đã cháy hết mình. Điều quan trọng nhất với mỗi giám khảo đó là sự công tâm. Làm một chuyện công mà có tâm khó vô cùng.

Ngồi nói rất dễ nhưng làm thì rất khó. Chỉ cần mình thiên lệch một chút có nghĩa là chúng ta đã làm tổn thương những thí sinh khi họ chập chững bước vào con đường nghệ thuật.

Sự gian lận và dối trá trong cuộc thi là điều tối kỵ. Tuy nhiên, chính những người bị tổn thương luôn là những người phấn đấu mạnh mẽ nhất, Thực tế đã chứng minh, rất nhiều thí sinh không giành giải nhất của cuộc thi họ vẫn thành công hơn các quán quân.

Còn về việc bùng nổ quá nhiều cuộc thi ca hát như hiện nay, chị có nghĩ nó dễ thành nhàm chán?

Thực sự, trong 10 cuộc thi hiện nay thì có đến 90% người ta đoán được sự sắp xếp.

Bất kỳ chương trình nào cũng có những nhân tố được BTC đưa vào để làm nòng cốt. Khi sơ tuyển, họ đã chấm những thí sinh đó, ngoại trừ việc vào các vòng sau những nhân tố này đuối dần đi.

Điều quan trọng nhất chính là hãy để các tài năng phát triển tự nhiên vì có những vòng thi, nếu sắp xếp thì bản thân các thí sinh có tài họ cũng sẽ nản chí.

Nếu tính về việc thi trượt tại các cuộc thi có lẽ tôi là vô địch. Nhưng mỗi lần như vậy thì sức phấn đấu của mình lại cao hơn. Thi trượt không phải là đi vào con đường cụt. Chính sự không rõ ràng trong mỗi cuộc thi mới là điều khiến họ mất niềm tin.

"Dại gì bán rẻ danh tiếng của mình" - 2

Theo Phương Thanh, cuộc thi nào cũng có sắp đặt nhưng quan trọng là cái tâm của giám khảo và BTC

Là một người có thâm niên trong nghề chị có nghĩ các ca sỹ trẻ hiện nay đến với danh tiếng quá dễ?

Theo tôi đánh giá thì các lứa ca sỹ bước ra từ Sao mai điểm hẹn những mùa đầu tiên như: Tùng Dương, Kasim Hoàng Vũ, Anh Khoa, Phương Linh, Hà Anh Tuấn... đều là những người có thực lực thực sự.

Khi đó, quảng cáo chưa có nhiều, nhà tài trợ cũng không được phép can thiệp quá sâu nên họ phải khẳng định bằng chính khả năng của mình để chinh phục khán giả. Ở thời kỳ đó, tất cả các ca sỹ chỉ có một cách duy nhất như vậy.

Còn hiện tại, chỉ sau một đêm diễn các thí sinh có thể nghiễm nhiên trở thành những ngôi sao. Họ nổi tiếng trước khi đi thi và cứ thế lên nhanh như tên lửa.

Khi đã được ca ngợi, họ tự nghĩ bản thân mình không cần phải phấn đấu quá nhiều. Tuy nhiên, cái hậu như thế nào chắc chắn ai cũng nhận ra. Cái gì đến quá nhanh thì ra đi cũng dễ dàng hơn. Tôi nghĩ, ở phương diện này truyền thông có lỗi không nhỏ.

Nhưng ở phương diện này cũng cần xét đến bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp?

Chính vì mọi thứ diễn ra quá nhanh nên họ không có đủ thời gian để tôi luyện đạo đức. Muốn có được điều đó cần tôi luyện mỗi ngày đồng thời nhìn nhận thành công và thất bại của chính mình. Đạo đức là cái xuất phát từ những giá trị thật.

Ngày nay, cũng không ít thí sinh sẵn sàng bỏ tiền để mua giải hay cả BGK chấp nhận nhận cat-xê thấp với mục đích duy nhất là được lên sóng truyền hình trực tiếp?

Nếu tính lợi về mặt kinh tế, chắc chắn họ chấp nhận thua lỗ nhưng lợi về PR thì không thể đong đếm.

Với những chương trình truyền hình thực tế như hiện nay không chỉ nhà đài, BTC mà các thí sinh và giám khảo đều được hưởng lợi rất nhiều. Nếu có sự cố thì người chịu lỗ duy nhất chính là khán giả vì họ bị mất lòng tin.

Làm việc với người không có tâm là bán rẻ danh tiếng

Còn chuyện tin nhắn?

Cứ giả sử bây giờ các chương trình bỏ chuyện nhắn tin thì cuộc chơi sẽ diễn biến như thế nào? Trước đây khi các chương trình quảng cáo tài trợ ít, số lượng tin nhắn hạn chế thì các nhà sản xuất đều làm bằng tất cả niềm tin từ tâm mà ra. Nhưng nay, mọi thứ khác rồi.

"Dại gì bán rẻ danh tiếng của mình" - 3

"Đạo đức là cái xuất phát từ những giá trị thật"

Nhưng chính khán giả cũng là người bị cuốn vào vòng xoáy đó thôi?

Trong trường hợp này thì việc bị cuốn là do những người thân, những người xung quanh các thí sinh đi thi. Họ buộc phải bênh vực, đứng về phía người nhà của mình.

Bản thân người nhà của mỗi thí sinh cũng phải chuẩn bị tiền để tham gia cuộc chơi. Như vậy, cuộc thi rõ ràng là giả dối. Tất cả những gì được mua bằng tiền trong những cuộc chơi này đều không có thật.

Còn chuyện nếu cứ để tự khán giả bỏ tiền ra nhắn tin một cách tự nhiên thì khó lắm. Nếu bây giờ công khai tin nhắn bình chọn thì mọi chuyện sẽ rất hay ho.

Liên quan đến vấn đề giám khảo, hiện tại ai cũng thấy nghề này đang rất hot và vẫn thiếu hụt. Nhưng tại sao Phương Thanh không nhận lời bất kỳ show nào?

Tôi sẽ nhận nhưng phải ở một lúc nào đó khi mình nhìn nhận đúng thực tế ở tất cả các vấn đề để các phát ngôn của mình là chính xác và công tâm nhất.

Trong trường hợp khi làm giám khảo, nếu phải làm theo ý của nhà tài trợ, BTC hay xử ép thí sinh tôi sẽ là người chấp nhận ra đi đầu tiên.

Nhưng với bất kỳ show truyền hình thực tế nào bản thân không chỉ thí sinh mà cả BGK đều có những ký kết những điều khoản nhất định?

Nếu tôi ký kết với Bước nhảy hoàn vũ thì đã không xảy ra những chuyện như vừa rồi. Thậm chí có cả những màn ký kết có giải. Trong cuộc sống còn rất nhiều người tài giỏi thà rằng mình thua họ vì mình dở hơn chứ không phải lí do khác. Khi mình nhìn ra điểm yếu của mình, ngày mai mình sẽ phấn đấu để tốt hơn.

Thực tế, thì với những người nghệ sĩ như chúng tôi tên tuổi được gây dựng bằng chính công sức và sự phấn đấu lâu dài. Thế nên, khi làm việc với những người không có tâm chẳng khác nào chúng tôi tự bán rẻ danh tiếng của mình khi bước vào cuộc chơi.

Có thể, danh tiếng đó không bị mất đi nhưng ngược lại chúng tôi bị tổn thương sâu sắc, bị mất niềm tin nơi khán giả.

Làm giám khảo luôn luôn có hai mặt. Những cái lợi về PR ai cũng nhìn thấy nhưng nếu anh sơ xẩy thì mọi thứ còn nghiêm trọng hơn.

"Dại gì bán rẻ danh tiếng của mình" - 4

"Chết đẹp giờ khó lắm còn chết xấu thì đầy rẫy đó thôi"

Vô hình chung việc có lợi về danh tiếng cũng đồng nghĩa với việc tiền bạc của họ, cat-xê cũng tăng theo?

Điều đó là đương nhiên. Khi mình lên sóng nhiều, được nhiều người biết đến hơn thì cat-xê của mình cũng khác đi.

Nếu may mắn được tham gia trong các chương trình uy tín mình cũng được hưởng lây và ngược lại. Những cái chết đó không diễn ra ngay tức thì mà nó cứ từ từ vì tình cảm của công chúng dành cho mình sẽ nguội lạnh dần theo. Có nhiều cái chết: hoặc đẹp, hoặc xấu hoặc độc và lạ. Chết đẹp giờ khó lắm còn chết xấu thì đầy rẫy đó thôi.

Điều này có vẻ như giá trị nghệ thuật trong giới showbiz đang dần bị hạ thấp theo đồng tiền?

Nó không phải là thấp mà thực sự là không sâu sắc. Mọi thứ trôi qua đi rất nhanh. Điều này cũng giống như một tin tức trên báo chí hôm nay nó có ảnh hưởng lớn nhưng sang ngày mai mọi chuyện khác hẳn.

Vậy chị lý giải như thế nào về những scandal vì rõ ràng thiếu yếu tố này các chương trình giảm sức hút rõ rệt?

Tôi không ác cảm với scandal nhưng nếu nó là vui vẻ thì cũng chẳng sao. Scandal vốn là điều tất yếu của giới showbiz nhưng nó xuất phát từ đâu và có mục đích gì lại là chuyện hoàn toàn khác. Điều quan trọng nhất là những scandal đó không làm tổn hại đến thanh danh của cả nhà tổ chức lẫn người chơi.

Cảm ơn chị về những chia sẻ thẳng thắn!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuấn Nguyễn
Phương Thanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN