Binh biến ở Barca: "Ông trùm" Laporta bị nghi lạm quyền, ép CEO từ chức bí ẩn
Barcelona liên tiếp đón những tin vui trong thời gian qua, sau một cuộc cải tổ mạnh tay chưa từng thấy của Chủ tịch Joan Laporta. Thế nhưng, đằng sau những điểm sáng ấy vẫn có những khoảng tối khiến các Cule phải lo ngại.
Barca dần mất đi giá trị cốt lõi
Ngày hôm qua, 8/2, Barcelona đạt được thỏa thuận quan trọng với hãng Spotify. Theo đó, gã khổng lồ xứ Catalunya chấp nhận thay đổi tên Nou Camp đã theo mình trong nhiều thập kỷ thành Spotify Nou Camp. Nói thẳng thừng thì Barca phải bán tên sân, đổi lại là khoản tiền lớn 280 triệu euro.
Không còn Messi trong đội hình, Barca cũng mất dần một phần giá trị cốt lõi
Với việc đang oằn lưng gánh khoản nợ hơn 1,2 tỷ euro thì số tiền 280 triệu euro từ Spotify là vô cùng quan trọng với Barcelona. Cũng bởi tình thế khốn cùng, đội bóng này chấp nhận dẹp bỏ phần lịch sử hào hùng sang một bên, để tìm giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng trầm trọng chưa từng thấy.
Cần biết rằng Barca từng không có đối tác quảng cáo trên áo đấu cho tới năm 2006, khi họ kí hợp đồng với Unicef. Và đó cũng là năm Laporta đang là Chủ tịch của Barca. Tới năm 2011, "Blaugrana" tiếp tục kí hợp đồng với hãng hàng không Qatar Airways nhưng đây là một bản hợp đồng nhiều tai tiếng. Sau đó, đội bóng xứ Catalunya tiếp tục bắt tay với Rakuten để nhận số tiền 55 triệu euro/mùa.
Có thể nói, Barcelona ở thời điểm hiện tại khát tiền đến nỗi, họ bất chấp những giá trị cốt lõi của CLB. Tôn chỉ của đội bóng này được gói gọn trong cụm từ tiếng Catalunya là "Més que un club" (tạm dịch: Hơn cả một CLB). Trong đó, tình đoàn kết và sự cống hiến thể thao là giá trị "bất di bất dịch".
Vậy nhưng, hãy nhìn xem Barcelona đã làm những gì kể từ khi Chủ tịch Joan Laporta tiếp quản "đống tàn tro" từ người tiền nhiệm Josep Bartomeu: Ném tài năng trẻ "cây nhà lá vườn" Ilaix Moriba sang Leipzig sau nhiều tháng đày đọa cầu thủ này do Moriba không chấp nhận với bản hợp đồng gia hạn mà anh chịu quá nhiều thua thiệt. Điều tương tự xảy ra với nhiều cái tên khác, mới nhất là Ousmane Dembele, trước đó là Antoine Griezmann.
Cũng vì sợ mất đi chỗ đứng, trung vệ Samuel Umtiti bất lực ký vào bản hợp đồng gia hạn mà anh thua thiệt rất nhiều. Cái cách đội chủ sân Nou Camp đối xử với các công thần như Lionel Messi hay Luis Suarez cũng gây tranh cãi. Laporta bị cho là đã làm một cú "lật mặt" khiến Messi không thể tha thứ, và buộc anh đến PSG mùa hè 2021 đã qua.
Nội bộ rối ren
Sự thiếu chuyên nghiệp là điều ban lãnh đạo Barcelona đang thể hiện. Theo tờ Marca, nó dẫn đến một cuộc đấu đá nội bộ mạnh mẽ ở Nou Camp giai đoạn vừa qua. Kết quả là Giám đốc điều hành (CEO) Ferran Reverter rời cương vị chỉ sau 7 tháng nắm vai trò này. Ông Reverter được cho là người có chủ trương giữ lại Messi, nhưng kế hoạch ấy bị Laporta vô hiệu hóa.
Giám đốc điều hành Reverter (trái) bị cho là phải ra đi do Laporta (phải) o ép
Trang chủ CLB Barcelona xác nhận thông tin này: "Ferran Reverter đã thông báo với Chủ tịch Joan Laporta mong muốn từ chức Giám đốc điều hành vì lý do cá nhân và gia đình. Đề nghị từ chức này sẽ có hiệu lực ngay sau khi CLB bổ nhiệm Giám đốc điều hành mới".
Tờ Marca tiết lộ thêm, ban lãnh đạo Barcelona đang phân làm nhiều thái cực và cuộc đấu đá nội bộ còn nặng nề hơn cả giai đoạn Bartomeu làm việc. Sự cứng rắn là điều Chủ tịch Joan Laporta thể hiện kể từ khi trở lại với vai trò Chủ tịch vào năm ngoái. Với nhiều người, lúc này Laporta chẳng khác nào một gã bạo chúa, một ông trùm chứ không còn là vị chủ tịch của một CLB vĩ đại như Barca.
Mới đây, HLV Xavi phải xin xỏ Laporta để sử dụng Ousmane Dembele trong phần còn lại của mùa giải 2021/22. Trước đó, người đứng đầu sân Nou Camp tuyên bố không muốn thấy Dembele khoác áo Barcelona thêm một lần nào nữa, và tìm nhiều cách thức để tống khứ tiền đạo người Pháp trong phiên chợ tháng 1 nhưng bất thành.
Nguồn: [Link nguồn]
Real Madrid xem như đã nắm Kylian Mbappe trong tay. Nếu như đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha có thêm Erling Haaland, đó sẽ là "ngày...