Khẩu trang vỉa hè "bóp cổ" khách qua đường

Sự kiện: Mũ – Nón

Thật sốc khi biết những chiếc khẩu trang bày bán ở vỉa hè giá 20.000 đồng chỉ được nhập vào với giá 1.500 đồng.

Người Việt yêu khẩu trang như Hà Nội yêu xe máy

Cách đây không lâu, trong một chương trình trên truyền hình, một vị khách nước ngoài khi được hỏi ấn tượng đầu tiên về Việt Nam là gì. Anh đã hài hước trả lời “Ở Việt Nam, khi ra đường ai ai cũng đeo khẩu trang kín mít. Muốn hỏi đường cũng ngại, muốn mỉm cười chào làm quen cũng khó.”

Quả thực như vậy, đã có không ít khách du lịch khi đặt chân đến những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng đều rất ngạc nhiên khi thấy người dân đi đâu cũng rất thân thiết với chiếc khẩu trang.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Với khi hậu nóng ẩm, thời tiết nhiều biến động cộng hưởng cùng hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, giao thông chưa phát triển và đặc biệt là phương tiện cơ giới vẫn phổ biến đã khiến người Việt xem khẩu trang như tấm lá chắn bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình.

Hầu hết từ người già đến trẻ nhỏ đều có sẵn trong túi xách, cốp xe những chiếc khẩu trang để sử dụng khi thấy cần thiết. Khẩu trang được hiểu đơn thuần là những miếng vải được cắt vừa vặn với kích cỡ gương mặt và có dây đeo lên tai hoặc trùm qua đầu.

Nó là một món đồ bình dị nhưng gần gũi và cần thiết đến mức người ta còn ví von “Người Việt yêu khẩu trang như Hà Nội yêu xe máy” để đối đáp lại những thắc mắc của các anh Tây kể trên.

“Văn hóa khẩu trang” đáng báo động

Vành đai luôn được coi là “hung thần” tại Hà Nội, cung đường Khuất Duy Tiến – Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng lúc nào bụi tung mù bất kể đông hay hè. Nắng thì nồng nặc khói xe, mưa thì lênh láng bùn đất. Tuy nhiên, đây lại là mảnh đất kinh doanh màu mỡ của rất nhiều người bán kính và khẩu trang dạo.

Quan sát một  đoạn đường ngắn từ ngã rẽ Nguyễn Hoàng Tôn đến An Dương Vương,  có đến năm, bẩy sạp kính – khẩu trang di động được bày bán. Không khó để nhận thấy rằng, từ ông bà chủ đến quầy hàng hóa đều bị bụi đường phủ trắng.

Khẩu trang vỉa hè "bóp cổ" khách qua đường - 1

Kính mắt và khẩu trang treo bán bên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội)

Kính treo trên giá, nếu khách có muốn đeo thử chắc cũng phải lau đến 4 tờ giấy cả khô lẫn ướt mới tạm sạch. Đáng nói hơn là những chiếc khẩu trang được buộc thành từng túm, móc lúc lỉu trên giá không hề được đậy điệm hay che phủ bởi bất cứ thứ gì. Chỉ cần chạm nhẹ vào túm khẩu trang ấy, một cơn mưa bụi sẽ xổ ra tung tóe.

16h chiều ngày 24/3, dù chưa đến giờ cao điểm nhưng ngã tư Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng (Hà Nội) đã đông nghẹt người qua lại. Nắng mới hửng lên, không khí ẩm ướt, nhớp nháp của mấy ngày mưa dầm dề mau đã chóng bị những làn xe đủ phân khối và trọng tải sấy khô.

Dường như không thể chịu nổi cảm giác ngạt thở của bụi bay mù mịt, khói xe đặc quánh, một cô gái tấp ngay vào lề đường mua vội chiếc khẩu trang đang treo tơ hơ trên giá. Chỉ kịp phủi phủi chiếc khẩu trang, cô gái đã phải vội vàng đeo lên mặt rồi nhấn ga rời đi vì phía sau lưng, tiếng còi xin đường đã gắt lên inh ỏi.

Có lẽ không sai khi nói rằng cách dùng khẩu trang vỉa hè của người Việt đại đa số là như vậy. Chỉ mua khi cần và sử dụng hàng một cách “tươi sống” nhất. Tuy nhiên, có mấy ai để ý rằng, chiếc khẩu trang bé nhỏ ấy còn có rất nhiều điều cần phải lưu tâm.

Khẩu trang vỉa hè "bóp cổ" khách qua đường

Sau một hồi tìm hiểu quanh khu chợ Thành Công (Đống Đa, Hà Nội),  phóng viên đã tiếp cận được một tiểu thương kinh doanh mặt hàng áo chống nắng và khẩu trang, găng tay. Chị cho biết đang nhập thêm hàng vì mùa cao điểm sắp đến.

 Theo chị, khẩu trang trên thị trường hiện nay đại đa số là hàng gia công. Hàng tốt đạt những tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn chiếm tỷ lệ khá ít, chỉ từ 15 đến 20% thị phần. Còn lại chủ yếu là hàng nhập từ những xưởng thủ công ở Cổ Nhuế, Nhổn và Ninh Hiệp.

Khẩu trang vỉa hè "bóp cổ" khách qua đường - 2

Những cửa hàng bán phụ kiện chống nắng, bụi tại chợ Thành Công (Đống Đa, Hà Nội)

Chị cho biết, khách hàng thường thích mua đồ gia công hơn là mua khẩu trang có tem mác chuẩn vì tâm lý người tiêu dùng không thực sự coi trọng những chiếc khẩu trang. Ngoài ra chiếc khẩu trang thường hay bị quên, mất, thậm chí là rơi rớt xuống đất bẩn nên người dùng không thích mua đồ đắt tiền. Dù chiếc khẩu trang đạt chuẩn của Bộ Y tế hiện nay chỉ tầm 40 - 50 ngàn đồng.

Có một nghịch lý đáng buồn trong tâm thức của không ít người Việt. Họ rất chú trọng bảo vệ hệ hô hấp trước khói bụi, môi trường ô nhiễm. Nhưng lại chưa ý thức được vai trò của những chiếc khẩu trang đảm bảo an toàn chất lượng.

Không chỉ thiên về việc dùng đồ không đảm bảo, nhiều người còn mua và dùng ngay những chiếc khẩu trang treo bán ven đường đã bị “tẩm” trong bụi. Mặt khác những chiếc khẩu trang này trong quá trình sản xuất cũng không hẳn đã sạch sẽ.

Chúng được làm ra từ những xưởng may chật hẹp, bị vứt lăn lộn dưới sàn, người qua lại có thể dẫm chân lên là điều hết sức bình thường. Quy trình đóng gói, vận chuyển và cất giữ cũng thô sơ, đơn giản đến mức tuềnh toàng và đáng lo ngại.

 Nhưng sốc hơn cả là khi biết những chiếc khẩu trang đủ sắc màu, họa tiết có giá niêm yết trên mác 20.000 đồng, chị chủ cửa hàng chỉ nhập vào với giá 1.500 đồng. Những chiếc có giá 15.000 đồng thì giá đầu vào là 1.300 đồng. Nên nhớ rằng đây là giá cho những đại lý cấp 2 hoặc người bán lẻ.

Khẩu trang vỉa hè "bóp cổ" khách qua đường - 3 Khẩu trang vỉa hè "bóp cổ" khách qua đường - 4

Những chiếc khẩu trang gia công được gắn tem mác và những lời quảng cáo có cánh

Khẩu trang vỉa hè "bóp cổ" khách qua đường - 5

Bên trong một chiếc khẩu trang được nhà sản xuất ca ngoại là có khả năng lọc khí chống ô nhiễm

Hoang mang cầm trên tay một chiếc khẩu trang có tem ghi “Khẩu trang Puca” được quảng cáo  có khả năng lọc khí chống ô nhiễm với ba đặc điểm, “Vải Nhật 100% cotton”; “Sợi lọc khí”; “Lưới mỏng tạo độ thoáng”, tôi đeo thử lên mặt. Ngay lập tức phải cởi bỏ vì sự khó chịu của mùi dầu, mùi hóa chất xộc lên mũi.

Với bản tính tò mò, tôi quyết định khám phá bên trong. Chiếc khẩu trang này được tạo nên từ 3 lớp, lớp vải khaki ngoài cùng, sau đó là lớp sợi và tiếp xúc với cơ quan hô hấp của người sử dụng là lớp lưới màu trắng. Liệu với giá rao 1.500 đồng, chiếc khẩu trang được niêm yết 16.000 đồng này có đảm bảo sức khỏe như lời quảng cáo của nhà sản xuất? 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc_Trai_Đen ([Tên nguồn])
Mũ – Nón Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN