Hoa hậu: Trả lại tên cho em?

Việt Nam bây giờ nhiều các cuộc thi Hoa hậu đến mức người chuyên môn cũng thấy loạn, huống chi công chúng. Tuy nhiên, nhiều nhưng không chất. Thậm chí, có không ít cá nhân muốn mượn danh xưng này để nâng tầm bản thân.

"Hoa hậu" là gì?

Hàng chục năm nay, hai tiếng Hoa hậu đã quá quen thuộc với công chúng, nhưng mấy ai để ý đến ý nghĩa thực của nó? Từng có định nghĩa rằng: Hoa hậu là từ ghép của hai từ đơn "Hoa" và "Hậu". Trong đó, "Hoa" chỉ nhan sắc bởi người phụ nữ thường được ví von đẹp như hoa hay hoa nhường nguyệt thẹn là từ mà Nguyễn Du miêu tả về Thúy Kiều. Còn từ "Hậu" được lấy trong từ Hoàng hậu - người phụ nữ được coi là quyền lực nhất, là mẫu nghi thiên hạ. Vậy khi ghép hai từ này với nhau, có thể hiểu Hoa hậu là muốn hướng đến một người phụ nữ đẹp cả sắc vóc lẫn tâm hồn, đồng thời phải có một kiến thức nhất định về văn hóa, xã hội...

Hoa hậu: Trả lại tên cho em? - 1

Hoa hậu Ngô Phương Lan vừa xinh đẹp, vừa có tri thức

Chính vì thế, những cuộc thi hoa hậu trên khắp thế giới đều có sự chọn lọc rất gắt gao từ vòng sơ tuyển đến tận đêm chung kết. Có thể kể ra rất nhiều gương mặt xứng đáng với danh từ Hoa hậu ở Việt Nam như: Ngọc Khánh, Diệu Hoa, Bùi Bích Phương, Ngô Phương Lan... 

Hoa hậu như nấm sau mưa

Kể ra thế để biết rằng ở Việt Nam cũng từng có nhiều hoa hậu được công chúng cả nước yêu mến và cảm phục bởi cả tri thức lẫn nhan sắc. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đặc biệt trên dải đất hình chữ S, hai từ Hoa hậu không còn thiêng liêng như nó vốn có bởi có quá nhiều biến tướng. Có thể nói, hiếm có nơi đâu lại nhiều cuộc thi nhan sắc như ở Việt Nam, từ cấp độ trường, làng, xã đều có. Đến như Venezuela - đất nước đã được khẳng định trên bản đồ sắc đẹp thế giới có hẳn một lò luyện thi Hoa hậu dạy các thí sinh từ dáng đi, nghệ thuật trang điểm, cách trình diễn đến văn hóa ứng xử... khi nhìn sang nước ta chắc cũng phải chào thua.

Trên thế giới, có không ít trường hợp bị truất vương miện khi bị phát hiện chụp ảnh nóng, mờ ám trong quá trình thi. Đơn cử như Danielle Lloyd từng bị truất ngôi hoa hậu vào tháng 11/2006 vì bê bối chụp ảnh khỏa thân trên tạp chí Playboy và có quan hệ tình ái với Teddy Sheringham - một trong những giám khảo của cuộc thi. Còn Việt Nam? "Nhờ" có mấy vụ mua bán "vốn tự có" bị phát hiện trong thời gian gần đây, thậm chí còn xuất hiện thêm cụm từ "Hoa hậu bán dâm".

Biến tướng từ các cuộc thi sắc đẹp

Trên thế giới, sai lầm thì truất vương miện, ở Việt Nam - mặc thị phi, các cuộc thi nhan sắc mọc nhiều như nấm sau mưa. Thậm chí, các cuộc thi nhiều đến mức đến giới chuyên môn còn thấy loạn. Thật nực cười và đáng buồn! Nhiều nhưng mà chất lượng, chọn lọc ra được những gương mặt đáng giá thì chẳng còn gì đáng nói. Đằng này, các cuộc thi có rất nhiều biến tướng làm xấu đi hình ảnh Hoa hậu trong mắt công chúng.

Hoa hậu: Trả lại tên cho em? - 2

Ngọc Trinh gây bất ngờ khi đăng quang ngôi vị hoa hậu của một cuộc thi

- Biến tướng thứ nhất ở các cuộc thi nhan sắc là bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đồng tiền, mục đích cá nhân. Thế mới có câu: "Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền". Một cô nàng nhan sắc và văn hóa tầm tầm bậc trung song nhờ có quen đại gia hoặc có tiềm lực kinh tế mạnh cũng có thể đăng quang hoa hậu.

- Nhức nhối tiếp theo là tư cách của hoa hậu. Mới và nóng nhất trong trường hợp này phải nhắc đến Hoa hậu người Việt Hoàn cầu 2012 - Julia Hồ. Nhiều người không khỏi giật mình khi biết đến quá khứ bất hảo của cô nàng từng được coi là hotgirl đình đám một thời của đất Sài Thành. Những bức ảnh ăn mặc mát mẻ, nhảy nhót thác loạn trong hộp đêm của Julia Hồ bị cư dân mạng truyền tay nhau với tốc độ chóng mặt. Một số hoa hậu từng điêu đứng khi bị vạch trần chuyện chưa tốt nghiệp cấp 3 vì bỏ học giữa năm lớp 12 hoặc bảng điểm bê bết ở trường và không nắm rõ những kiến thức cơ bản về lịch sử, văn học Việt Nam.

Hoa hậu: Trả lại tên cho em? - 3

Julia Hồ (Hồ Thúy Anh) lộ diện quá khứ ăn chơi khi nhận được vương miện Hoa hậu người Việt Hoàn cầu 2012

- Điều tiếp theo chính là quy mô. Trái với các cuộc thi Hoa hậu đích thực được tổ chức với quy mô rộng lớn, thể lệ nghiêm ngặt thì những cuộc thi "ao làng" được tổ chức với số lượng thí sinh ít ỏi, sân khấu dựng tạm bợ, nội dung thi cũng không chắt lọc được thí sinh. Ví dụ điển hình là trường hợp của hoa hậu J.P trong một cuộc thi nhan sắc được tổ chức tại Mỹ cách đây 7 năm. Trong đêm chung kết chỉ có 6 gương mặt tham dự đêm chung kết. Thậm chí khi J.P đăng quang, nhiều kiều bào còn rỉ tai nhau nói rằng cô nàng cũng từng có quá khứ ăn chơi chả kém dân chơi nào.

Tạm kết

"Hoa hậu bán dâm", "Hoa hậu ao làng"... những danh xưng này đang dần làm mất đi giá trị thiêng liêng của Hoa hậu. Không biết đến bao giờ, hai tiếng Hoa hậu ở Việt Nam mới được trả về đúng nghĩa?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trang Anh ([Tên nguồn])
Phiếm chuyện thời trang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN