Xôn xao tiểu thuyết đầu tiên về chuyển giới

“Xác phàm” ra đời đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới chuyên môn và độc giả mọi lứa tuổi.

Là cha đẻ của tiểu thuyết “Phiên bản” được đạo diễn Cường Ngô dựng thành phim “Hương Ga”, nhà văn Nguyễn Đình Tú mới đây đã xuất bản tiểu thuyết “Xác phàm”, đứa con tinh thần thứ 7 trong gia tài sách của anh. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên đề cập đến vấn đề chuyển đổi giới tính.

Xôn xao tiểu thuyết đầu tiên về chuyển giới - 1

Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên đề cập đến vấn đề chuyển đổi giới tính.

Từ giải phẫu giới tính đến giải phẫu ý thức

Nội dung “Xác phàm” xoay quanh tuổi thơ ấu của Nam và Việt, những đứa con liệt sĩ ở một làng quê Bắc bộ với ngôi chùa làng định vị bằng tư tưởng và kiến giải thức thời của sư thầy Minh Thông.

Đó là mười bảy ngày trận địa ác liệt ở thị xã Vùng Biên với điểm nhấn là Pháo đài Cảnh giác. Đó là diễn biến của tự nhiên lẫn cưỡng bức trong ý thức hệ của Nam và Việt, của những bà mẹ, của những người lính quả cảm, của cả nhân dân một thời đạn bom, của cuộc “động binh” bỏ lửng ở ngày thứ mười bảy…

Trao đổi với chúng tôi về tiểu thuyết này, nhà văn Nguyễn Đình Tú cho biết: “Trong Xác phàm có những câu chuyện, những mảnh hồi ức giữa hiện thực trần trụi và quá khứ lung linh cứ đan quyện vào nhau trong một chất xúc tác: “mùi buồn”. Mùi đã trở thành hình tượng. Đẹp não nề và u uất. Thơm tao nhã và ly loạn. Tanh nồng và ngây dại. Mùi sống mùi chết mùi chiến tranh mùi khát vọng mùi anh hùng mùi tiểu nhân mùi quê hương yêu thương mùi xâm lược bá quyền…”.

Xôn xao tiểu thuyết đầu tiên về chuyển giới - 2

Nhà văn Nguyễn Đình Tú hiện là Phó TBT Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Bằng nghệ thuật kể chuyện đan cài khéo léo, “Xác phàm” đã khiến những câu chuyện tưởng chừng như tâm linh và thời sự cứ xen kẽ và quyện chặt vào nhau, tạo nên một thần thái hư hư thực thực mà câu chuyện chuyển giới của Nam chỉ là cái cớ để từ đó tác giả xâu chuỗi mọi sự kiện vào một dòng chảy lung linh và bi hùng.

Đứng ngồi không yên với đề tài nhạy cảm

“Xác phàm” ra đời đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới chuyên môn và độc giả mọi lứa tuổi. Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: “Cuốn tiểu thuyết rất hấp dẫn, tôi đọc một hơi không dứt ra được cho đến khi đọc hết. Một cuốn siêu tiểu thuyết, một truyện trong truyện”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái đưa ra đánh giá khách quan: “Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Tú viết về đề tài chưa ai từng viết tiểu thuyết ấy đã gặp vô vàn khó khăn khi biên tập và xuất bản. Và có thể nó không dễ tiếp nhận với số đông người trẻ, đã luôn chỉ thấy chiến tranh trong kí ức những người già…”

Cây bút phê bình có tiếng là sắc sảo, tinh tường cũng cho biết thêm: “Có thể chính vì vậy mà tôi phát hiện thêm một nét độc đáo nữa của tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, chính là sự hư cấu thông minh, biết dựa trên tâm thế của chính mình, là người viết từng có nhiều quan sát và linh nghiệm, học được từ nghiệm sinh của những nhà ngoại cảm chân chính, thực sự có tài năng”. 

Xôn xao tiểu thuyết đầu tiên về chuyển giới - 3

Cùng đạo diễn Phan Huyền Thư trong 1 lần trình diễn văn xuôi

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà bình luận: “Những xác phàm sinh ra làm người, có thể hoàn chỉnh, có thể thiếu hụt, dự phần trong hòa bình hay trong chiến tranh, được đủ đầy hay thiếu vắng, sống trong hạnh phúc hay đau khổ... Nhưng cho dù là trạng huống nào, ở thể nào, con người ta vẫn nhất quyết đi tìm cho mình một bản ngã căn cốt. Và tâm hồn con người được vươn lên ngạo nghễ từ bản ngã đó. Thành công của Xác phàm được xác quyết như vậy”.

“Xác phàm một lần nữa đưa Nguyễn Đình Tú vào danh sách những nhà văn có nhiều độc giả nhất hiện nay. Một Nguyễn Đình Tú ngồn ngộn vốn sống, dày dặn trải nghiệm và đặc biệt cực kỳ phong phú trí tưởng tượng. Văn phong vẫn cứ sắc ngọt, hoạt. Nhưng bắt đầu chín muồi về độ triết lý”, nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận định.

Nhà văn Đào Bá Đoàn nhận xét:  “Xác phàm thực ra là một dòng sông ký ức cuộn chảy của dân tộc Việt thời đoạn một phần ba thế kỷ qua - Ấy là cuộc chiến vệ quốc với kẻ thù truyền kiếp; sự khốc hại của chiến tranh; cái nhân văn trong cảnh ngộ máu; những đớn đau mất mát của thân phận đàn bà; sự “lệch chuẩn” trong hoàn thiện nhân cách trẻ em - những cơn buồn và những vẻ đẹp hoang đường như một mê sảng của thế giới tiếp tục còn bị đẩy sâu vào vùng tăm tối - đường còn lắm mê loạn, cái đẹp còn còn bị dìm, bị tàn hại bởi bao tảng đá hộc; khát vọng nhân văn còn vời vợi và bản thân nó vẫn gây khát như người bệnh trót uống cả biển mặn mà mặt trời đã đổ lửa, rang tất cả trong một khung trời…”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lữ Mai (Gia đình & xã hội)
Tiểu thuyết tình yêu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN